Cần hơn 50.000 doanh nghiệp công nghệ để đẩy nhanh chuyển đổi số
20:56 | 09/08/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Tại Vietnam ICT Summit 2019, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của các doanh nghiệp ICT trong quá trình chuyển đổi số. Đồng thời, Việt Nam phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp công nghệ, cùng song hành với những doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân như FPT, Vingroup, Viettel…
Nhằm đưa ra thông điệp về chính sách, công nghệ, khuyến nghị với Đảng, Chính phủ, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp, xã hội nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT. Sáng 8/8, Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam Vietnam ICT Summit 2019 với chủ đề "Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường" đã chính thức khai mạc.
Trao đổi tại Diễn đàn Vietnam ICT Summit 2019, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ mang lại sự thay đổi toàn diện từng doanh nghiệp, tổ chức, người dân. Trong đó các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, doanh nghiệp công nghệ thông tin – truyền thông Việt Nam sẽ đóng vai trò hạt nhân. Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng Việt Nam cần phải phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp công nghệ tại khắp các tỉnh thành để đẩy nhanh chuyển đổi số, tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số.
Trước hết là các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin – truyền thông với khoảng 10-20 doanh nghiệp. Đó là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Các doanh nghiệp thương mại dịch vụ lớn như Viettel, Vingroup có thể chuyển thành các tập đoàn công nghệ, công nghiệp, thương mại và dịch vụ.
Thứ hai là các doanh nghiệp công nghệ đã có 10-20 năm kinh nghiệm. Hiện Việt Nam đang có hàng nghìn doanh nghiệp, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các nền tảng chuyển đổi số.
Tiếp đó là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Chúng ta sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này. Và cuối cùng là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá.
Để chuyển đổi số nhanh chóng, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho rằng Việt Nam cần tạo ra các nền tảng số để các cơ quan, doanh nghiệp, hộ gia đình, người dân sử dụng. Các doanh nghiệp công nghệ phải nhận lấy một nền tảng số để xây dựng, góp phần đẩy nhanh công cuộc chuyển đổi số quốc gia. Về thể chế, quan trọng nhất là chính sách thu hút nhân tài toàn cầu, là sự chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới, các mối quan hệ mới trong thế giới ảo.
Đối với hạ tầng, quan trọng nhất là chuyển đổi hạ tầng viễn thông thành hạ tầng ICT và làm chủ các công nghệ nền tảng của chuyển đổi số, như Internet kết nối vạn vật, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo… Nếu chúng ta coi mục tiêu của chuyển đổi số là phát triển quốc gia hùng cường, động lực của chuyển đổi số là thể chế, công nghệ và đổi mới sáng tạo thì tiền đề của chuyển đổi số cũng chính là an toàn, an ninh không gian mạng, tạo niềm tin số cho mọi người, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA nhận định chuyển đổi số đang là xu hướng toàn cầu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp. Trên thế giới đang chứng kiến những thay đổi to lớn về năng suất lao động, trải nghiệm của người sử dụng và nhiều mô hình kinh doanh mới đang được hình thành. Như Amazon (tập đoàn có giá trị hơn 1.000 tỷ USD) chỉ có 6 kế toán. Người mua hàng chỉ cần mở ứng dụng, vào cửa hàng, scan, lấy hàng và ra về, các thủ tục về thanh toán được thực hiện tự động trên ứng dụng Amazon Go. Các mô hình kinh doanh mới, mô hình kinh tế chia sẻ, được hình thành từ việc sử dụng các công nghê mới đã tạo nên Uber, Grab, Airbnb...
Theo nghiên cứu của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
Do đó, để chuyển đổi số thành công tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình cho rằng: Mỗi địa phương, mỗi bộ ngành, doanh nghiệp/tổ chức nên bắt đầu từ một lĩnh vực được lựa chọn như một "Điểm Đột phá" để tập trung nguồn lực với những chính sách cụ thể để tiến hành chuyển đổi số. Khi đã tìm được đướng hướng phát triển, với nền tảng vững chắc, bền vững, cùng đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm tư vấn chiến lược, các tổ chức/doanh nghiệp đó có thể đo đếm, đánh giá tính hiệu quả thực sự để điều chỉnh và tìm ra giải pháp phù hợp nhất dựa trên đặc tính cơ sở.
Ông Trương Gia Bình cũng nhấn mạnh, câu chuyện về quyết tâm xây dựng trung tâm Trí tuệ nhân tạo tại Quy Nhơn là một ví dụ cho điều này. Với quyết tâm cao của địa phương và những tư vấn từ các chuyên gia công nghệ có kinh nghiệm về chuyển đổi số, đây sẽ là nơi thu hút nhân tài khu vực miền Trung, đào tạo mới cũng như hội tụ đội ngũ nhân sự tài năng về trí tuệ nhân tạo để cung ứng cho công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam. Các địa phương, tổ chức, doanh nghiệp khác cũng có thể từ những thông tin, kiến thức thu được từ Diễn đàn có thể tìm ra những định hướng riêng cho mình.