Cần khuyến khích doanh nghiệp nhận người khuyết tật làm việc

21:11 | 04/12/2017 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Hiện nay, với trách nhiệm xã hội của mình, nhiều doanh nghiệp đã dành một số chỉ tiêu việc làm cho người khuyết tật. Tuy nhiên, cơ chế, chính sách cho các doanh nghiệp có lao động là người khuyết tật vẫn chưa thực sự khuyến khích các doanh nghiệp nhận người lao động khuyết tật vào đơn vị mình.

Anh Nguyễn Văn Mạnh, 29 tuổi ở quận Long Biên, Hà Nội, bị khuyết tật chân, đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành công nghệ thông tin. Nhưng từ khi ra trường đến nay, anh nộp hồ sơ xin việc ở đâu cũng đều bị từ chối. Nghĩ bằng cấp thấp, anh Mạnh quyết định học đồ họa thêm 3 năm nữa. Với kiến thức học được, anh khẳng định có thể làm việc như những người bình thường, nhưng rồi anh vẫn không thể xin được việc làm vì mình là người khuyết tật, mất khả năng đi lại.

Thực tế, người khuyết tật luôn phải đối diện với khó khăn trong khi tìm việc làm. Nhiều doanh nghiệp khi có nhu cầu tuyển dụng không muốn nhận người khuyết tật vì cho rằng, khả năng làm việc của người khuyết tật không bằng người lành lặn, họ không chịu được áp lực công việc cao, không thể đi công tác xa, sức khoẻ yếu...

Bên cạnh đó, những doanh nghiệp tuyển dụng người khuyết tật vào làm việc lại chưa thật sự được hưởng ưu đãi hay điều kiện gì thuận lợi hơn so với những doanh nghiệp khác cho dù điều này đã được luật pháp quy định. Ông Huỳnh Thanh Tuân, Giám đốc Nhà máy thuốc lá thuộc Công ty 27-7 Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, theo Luật Người khuyết tật, khi doanh nghiệp có 30% lao động khuyết tật thì doanh nghiệp được miễn giảm thuế. Tuy nhiên đến nay doanh nghiệp của ông chưa được miễn giảm thuế. Việc chậm triển khai chính sách đến doanh nghiệp chính là lý do họ hạn chế nhận người khuyết tật vào làm việc.

Cần khuyến khích doanh nghiệp nhận người khuyết tật làm việc - ảnh 1
 
Cần khuyến khích doanh nghiệp nhận người khuyết tật vào làm việc. Ảnh minh họa
 Để khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng lao động là người khuyết tật, Nhà nước cần có nhiều chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp như ưu đãi về thuế, vốn vay với lãi suất ưu đãi và được hỗ trợ phí dạy nghề tại chỗ đối với số lao động là người khuyết tật, Ông Huỳnh Thanh Tuân, kiến nghị.

Để được hưởng chính sách ưu đãi vay vốn này, doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện là có trên 30% lao động là người khuyết tật. Tuy nhiên, đáp ứng điều kiện này không dễ dàng. Trong khi không nhận được các ưu đãi từ chính sách, doanh nghiệp vẫn phải thực hiện chế độ ưu đãi về giờ làm, giờ nghỉ ngơi cho lao động khuyết tật theo quy định của pháp luật. Điều này gây trở ngại cho các doanh nghiệp thực hiện sản xuất theo quy trình khép kín. Vì thế, các chủ doanh nghiệp càng không muốn tuyển dụng lao động khuyết tật vào làm việc, và điều này đã dựng lên một rào cản, khiến lao động khuyết tật càng khó khăn khi tìm việc làm.

Bà Đào Hồng Lan, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cũng thừa nhận, các chính sách đối với doanh nghiệp sử dụng lao động  khuyết tật vẫn chưa thực sự khuyến khích doanh nghiệp, vấn đề tạo việc làm cho người khuyết tật vẫn chưa có hiệu quả. Theo thống kê, chỉ có 15% người khuyết tật “làm công, ăn lương”, còn lại là tự tạo việc làm. Vì vậy, cần rà soát lại để đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống. Hiện Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến các doanh nghiệp, xem vướng mắc ở đâu và cần hỗ trợ như thế nào từ các cơ quan nhà nước, làm thế nào để các doanh nghiệp có điều kiện nhận nhiều người khuyết tật vào làm việc.

Bên cạnh việc khuyến khích doanh nghiệp tiếp nhận người khuyết tật vào làm việc thì xã hội cũng cần thay đổi cách nhìn mang tính từ thiện, nhân đạo sang hướng bảo đảm quyền cơ bản của người khuyết tật; khuyến khích các tổ chức xã hội thực hiện các chương trình trợ giúp người khuyết tật nhiều hơn trong cuộc sống.