Cảng Container quốc tế Hải Phòng: Giảm chi phí logistic cho doanh nghiệp
Cảng container quốc tế Hải Phòng nằm ở thị trấn Cát Hải, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng. Đây cũng chính là cảng nước sâu đầu tiên của khu vực kinh tế trọng điểm phía Bắc, tiếp nhận tàu container sức chở lên tới 14.000 TEU, tàu tổng hợp có trọng tải đến 16 vạn DWT đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc đi thẳng tới châu Âu, châu Mỹ trên các tàu mẹ thay vì phải trung chuyển qua một cảng khác như trước đây.
Cơ sở hạ tầng và công nghệ xếp dỡ container, kinh doanh kho, bãi và các dịch vụ biển tại Cảng container quốc tế Hải Phòng được đầu tư đồng bộ, hiện đại; dịch vụ hoa tiêu, lai dắt tàu chuyên nghiệp. Cảng Cảng container quốc tế Hải Phòng đi vào khai thác sẽ góp phần giảm chi phí vận tải biển, qua đó giảm thiểu chi phí logistics cho các doanh nghiệp, tăng năng lực cạnh tranh cho hàng hoá xuất nhập khẩu của Việt Nam.
Đồng thời, tạo động lực cho sự phát triển hệ thống cảng biển nước sâu và các hoạt động logistics khu vực phía Bắc và thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao, biểu dương sự nỗ lực của chủ đầu tư với 4 thành viên liên doanh, các nhà thầu thi công, các bộ, ngành và Thành phố Hải Phòng, người lao động, sự chia sẻ của người dân thuộc phạm vi ảnh hưởng của dự án, đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, sau đúng 2 năm 1 ngày kể từ khi khởi công dự án.
Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng trân trọng cảm ơn Chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã ủng hộ và hợp tác chặt chẽ, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho dự án, góp phần khẳng định tình hữu nghị và mối quan hệ hợp tác quốc tế bền vững Việt Nam - Nhật Bản.
Dự kiến, sản lượng hàng hóa thông qua cảng là 1,1 triệu TEU/năm. Cảng Cảng container quốc tế Hải Phòng cam kết mang đến cho các hãng tàu, khách hàng xuất nhập khẩu cả nước nói chung, khu vực miền Bắc nói riêng chất lượng dịch vụ tốt nhất, thỏa mãn mọi nhu cầu của quý khách, với khẩu hiệu "Cảng chân thành, sáng tạo, chu đáo".
Theo Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn, Cảng Cảng container quốc tế Hải Phòng nằm ở vị trí thuận lợi, là đầu mối của các tuyến đường thuỷ nội địa, đường ven biển đi đến khu vực Quảng Ninh và toàn bộ các tỉnh Đồng bằng trung du Bắc Bộ; kết nối với cảng feeder Tân Cảng 128, Tân Cảng 189 và ICD Tân Cảng - Hải Phòng, ICD Tân Cảng Hà Nam của Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn; kết nối thông thương với cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung bộ và vùng Tây Nam Trung Quốc bằng đường bộ qua cầu Tân Vũ - Lạch Huyện ra cao tốc Hải Phòng - Hà Nội.
“Cùng với sân bay quốc tế Cát Bi, đường Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, cảng nước sâu này góp phần hoàn thiện hệ thống cảng biển, cảng hàng không quốc tế và hạ tầng giao thương giữa Hải Phòng với các tỉnh thành trong nước và thế giới, là cơ hội để Hải Phòng đột phá trở thành trung tâm kinh tế của miền Bắc và cả nước” – ông Lê Văn Thành – Bí thư Thành ủy Hải Phòng.
Cảng container quốc tế Hải Phòng thuộc dự án “Xây dựng Cơ sở Hạ tầng Cảng Quốc tế Lạch Huyện” sử dụng vốn vay ODA Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA).
Dự án nhằm đáp ứng nhu cầu xếp dỡ hàng hóa ngày càng tăng tại Việt Nam và giải quyết vấn đề tàu trọng tải lớn trong thị trường vận chuyển đường biển bằng việc xây dựng cảng nước sâu quốc tế và cơ sở hạ tầng thiết yếu tại khu vực Lạch Huyện, phía Đông Thành Phố Hải Phòng, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc tế của khu vực miền Bắc nói riêng và của Việt Nam nói chung.
JICA đã ký Hiệp định vốn vay ODA từ năm 2011 với giá trị khoản vay là 114,12 tỷ Yên (trong đó, hợp phần cảng: 65,252 tỷ Yên, hợp phần cầu và đường: 48,858 tỷ Yên) để xây dựng cảng và cơ sở hạ tầng thiết yếu (bao gồm cầu và đường). Ngày 2/9/2017, cây cầu có chiều dài 5,44km thuộc hợp phần cầu và đường đã được thông xe và là cây cầu vượt biển có chiều dài lớn nhất Việt Nam.
Bên cạnh các hạng mục cơ sở hạ tầng thiết yếu như đường dẫn, đê chắn sóng, đê chắn cát được xây dựng từ nguồn vốn vay ODA thì phần xây dựng cầu tàu, trang bị và vận hành thiết bị bốc dỡ hàng hóa, vận hành bến… sẽ do doanh nghiệp liên doanh Việt Nam - Nhật Bản thực hiện. Đây là dự án ODA đầu tiên được thực hiện theo hình thức Hợp tác công tư giữa hai Chính phủ.
My Anh
Nguồn: VGP/Tuổi trẻ/TTXVN