Cho vay BĐS và xây dựng tại KienlongBank tăng 31% trong nửa đầu năm
Tăng trưởng tín dụng 6 tháng vượt 13%, cho vay BĐS và xây dựng tăng mạnh
Theo báo cáo tài chính quý II/2025 vừa công bố, Ngân hàng TMCP Kiên Long (KienlongBank - mã KLB) ghi nhận dư nợ cho vay khách hàng tại thời điểm 30/6/2025 đạt hơn 69.547 tỷ đồng, tăng 13,2% so với đầu năm, một con số rất tích cực. Trước đó, trong quý đầu năm, KienlongBank từng ghi nhận tín dụng tăng đột biến 10,6%, dẫn đầu hệ thống.
Về cơ cấu tín dụng, tại thời điểm 30/6/2025, khoảng 50% danh mục cho vay của KienlongBank - tương ứng 34.980 tỷ đồng - là cho vay bất động sản (bao gồm cả BĐS kinh doanh, tự sử dụng) và xây dựng, tăng 31% so với đầu năm.
Năm nay, ngân hàng đặt mục tiêu dư nợ tín dụng tăng gần 16%, đạt 71.000 tỷ đồng. Như vậy kết thúc nửa năm, KienlongBank đã hoàn thành phần lớn mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm.

KienlongBank dẫn đầu hệ thống về tăng trưởng tín dụng tính đến 31/3/2025. Ảnh: VIS Rating.
Cũng theo kế hoạch kinh doanh đã được ĐHĐCĐ thông qua, năm nay, KienlongBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 1.379 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm, ngân hàng đạt lợi nhuận trước thuế 921 tỷ đồng, tăng 67% so với cùng kỳ 2024 và hoàn thành khoảng 2/3 kế hoạch lợi nhuận cả năm. Trong đó, riêng quý II lợi nhuận trước thuế đạt 565 tỷ đồng, tăng 67,2% so với cùng kỳ năm trước và là mức lợi nhuận theo quý cao nhất của ngân hàng trong khoảng 16 quý gần đây, kể từ quý I/2021.
Mức tăng trưởng lợi nhuận đến từ sự khởi sắc của cả thu nhập lãi và ngoài lãi. BCTC thể hiện thu nhập lãi thuần nửa đầu năm của KienlongBank tăng 13% so với cùng kỳ 2024 lên 1.733 tỷ đồng. Ở nguồn thu ngoài lãi, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ghi nhận tăng gần 32% đạt 308 tỷ đồng trong khi lãi thuần từ hoạt động kinh doanh khác cũng trở thành điểm sáng với mức tăng gấp gần 3 lần cùng kỳ, đạt 229 tỷ đồng nhờ thu nợ khó đòi đã xử lý bằng dự phòng rủi ro.
Trên cơ sở nền tảng lợi nhuận hoạt động vững chắc, mặc dù chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng mạnh 48% trong kỳ, KienlongBank vẫn ghi nhận lợi nhuận trước thuế bán niên đạt 921 tỷ đồng, tăng 67% cùng kỳ.
Áp lực vốn hiện hữu
Trong một báo cáo gần đây, VIS Rating đã lưu ý về áp lực vốn cao hơn với các ngân hàng quy mô nhỏ, trong đó có KienlongBank, do hạn chế về quy mô vốn trong bối cảnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ.
Theo đó, VIS Rating lưu ý áp lực về vốn trong ngắn hạn với nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ như KienlongBank, VietBank, VietABank, BVBank... Đặc biệt trong bối cảnh tính đến hết năm 2024, tỷ lệ vốn cấp 1 bình quân của nhóm các ngân hàng quy mô nhỏ nói trên mới chỉ đạt khoảng 8,7%, thấp hơn đáng kể so với mức bình quân ngành là 10,4%. Trong khi đó các ngân hàng này đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao phổ biến từ 16–20% trong năm 2025.
Áp lực vốn một phần đến từ tỷ suất sinh lời. Chẳng hạn tại KienlongBank, trong giai đoạn 2022-2024, ROA dù có xu hướng cải thiện nhưng chỉ dao động trong 0,6-1,1%, thấp hơn trung bình ngành.
VIS Rating dự báo nếu không có dòng vốn mới bổ sung, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của nhóm ngân hàng quy mô nhỏ này có thể sẽ giảm trên 200 điểm cơ bản trong quá trình tăng trưởng tài sản và lợi nhuận từ nay đến cuối năm 2026.
Liên quan đến vấn đề này, thời gian qua, KienlongBank cùng với một số ngân hàng như Viet A Bank, BVBank, VietBank...đã đồng loạt công bố kế hoạch niêm yết trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE).
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 của KienlongBank, ban lãnh đạo ngân hàng khẳng định kế hoạch niêm yết cổ phiếu là nhiệm vụ rất quan trọng, giúp ngân hàng bổ sung nguồn lực tài chính, nâng cao hệ số an toàn vốn (CAR), mở rộng quy mô hoạt động và tăng cường đầu tư vào hạ tầng công nghệ. Ngay sau khi được ĐHĐCĐ chấp thuận, HĐQT sẽ khẩn trương triển khai các thủ tục để đẩy nhanh việc niêm yết, với mục tiêu là hoàn thành trong quý IV/2025.
ĐHĐCĐ bất thường KienlongBank diễn ra hôm 15/7 qua tiếp tục đề cập đến vấn đề niêm yết. Theo Chủ tịch Trần Ngọc Minh, ngân hàng đang tích cực làm việc với đơn vị tư vấn và cơ quan chức năng, đặt mục tiêu hoàn tất thủ tục trong quý III hoặc đầu quý IV/2025.
Toàn bộ số cổ phiếu phát hành để trả cổ tức với tỷ lệ 100:60 như kế hoạch tăng vốn điều lệ mới nhất của ngân hàng sẽ được đưa lên niêm yết. Với kế hoạch này, KienlongBank dự kiến sẽ dùng gần 2.169 tỷ đồng lợi nhuận giữ lại để chia cổ tức (tăng từ 1.807 tỷ đồng trong phương án trước đó), tương ứng ỷ lệ chi trả cổ tức cao kỷ lục 60%. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng dự kiến tăng từ 3.652 tỷ đồng lên mức 5.822 tỷ đồng.