'Cha đẻ' của Tik Tok - ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất thế giới là ai?

19:12 | 15/08/2020 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Với doanh thu khoảng 78 triệu USD trong tháng 4/2020, TikTok đã vượt qua YouTube trở thành ứng dụng kiếm được nhiều tiền nhất thế giới. 'Cha đẻ' của ứng dụng nổi tiếng Tik Tok là ai?

Tik Tok và ông chủ đế chế 100 tỷ USD

Đầu tháng 3/2019, ứng dụng video ngắn TikTok thuộc sở hữu của ByteDance, công ty có trụ sở tại Bắc Kinh, đã vượt qua mốc 1 tỷ lượt cài đặt trên toàn cầu trên cả hai nền tảng iOS và Android. Ứng dụng di động này cũng trở thành trào lưu tại các khu vực như Bắc Mỹ, Châu Âu, Ấn Độ và Đông Nam Á. 

Trong ứng dụng này, mọi người nhảy và hát nhép theo các bài hát. Mỗi video có thời lượng rất ngắn, chỉ khoảng chục giây và có thể lồng ghép nhiều hiệu ứng bắt mắt.

Theo công ty nghiên cứu SensorTower, TikTok là ứng dụng phi trò chơi được tải xuống nhiều thứ tư trong năm 2018 và là ứng dụng phi trò chơi số một ở Mỹ trong tháng 1/2019. Những kết quả ấn tượng này khiến nó trở thành ứng dụng đầu tiên do Trung Quốc sản xuất đã "gây bão" trên phạm vi toàn thế giới.  

Vậy có ai tò mò, ông chủ của Tik Tok là ai? Người đàn ông này là Zhang Yiming (Trương Nhất Minh), kỹ sư phần mềm 36 tuổi, người sáng lập ra ByteDance và đồng thời là người tạo nên TikTok.

Trương Nhất Minh (SN 1983) tại tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Cha mẹ anh là công chức nhà nước. Tên của Zhang được đặt theo một câu tục ngữ cổ, có nghĩa là "làm mọi người ngạc nhiên ngay từ lần thử đầu tiên". Anh có phong cách lãnh đạo điềm tĩnh, ăn nói nhỏ nhẹ nhưng lôi cuốn, trẻ nhưng khôn ngoan. 

Zhang Yiming lớn hơn Mark Zuckerberg 1 tuổi. Vợ của hai người đều là bạn học cũ. Cả Zhang và Mark đều thuộc về thế hệ Internet và đang làm thay đổi thế giới bằng những thuật toán.  

Trương Nhất Minh là tỷ phú giàu có thứ 10 ở Trung Quốc và thứ 61 trên toàn thế giới với khối tài sản ròng trị giá 16,2 tỷ đô la (theo Forbes).

Trương Nhất Minh -  ông chủ Tik Tok.

Theo VnExpress, năm 2004, khi Mark thành lập Facebook, Zhang mới học năm 2 Đại học Nankai. Ban đầu ông theo học ngành vi điện tử sau đó chuyển sang ngành công nghệ phần mềm và tốt nghiệp vào năm 2005.

Sau khi ra trường, Zhang làm ở công ty khởi nghiệp về dịch vụ đặt phòng trực tuyến tên Kuxun. "Công việc ở đây đã dạy cho tôi những kỹ năng bán hàng mà sau này tôi sử dụng để phát triển ByteDance", tỷ phú 8x bộc bạch với Bloomberg.

Sau đó ông có thời gian ngắn làm việc tại Microsoft và một lần khởi nghiệp thất bại trước khi được thế giới biết đến với danh nghĩa "cha đẻ" của TikTok và CEO của ByteDance, công ty khởi nghiệp thành công nhất thế giới với giá trị vượt 100 tỷ USD.

Tháng 8/2012 ứng dụng đọc tin Toutiao của Zhang ra mắt, lúc này ông 29 tuổi. Nền tảng này thu thập thông tin về thói quen đọc và tìm kiếm của người dùng, sau đó gợi ý tin tức cho họ. Người dùng càng đọc nhiều, Toutiao càng hiểu họ hơn và giữ chân họ ở lại lâu hơn trên ứng dụng. Toutiao chính là tiền thân của ByteDance ngày nay.

Trong một bài phỏng vấn với Bloomberg năm 2017, Zhang mô tả về mô hình hoạt động của Toutiao: "Chúng tôi không sản xuất tin tức, chúng tôi không phân phối thông tin bằng cách truy vấn mà là khuyến nghị".

Zhang khẳng định: "Chúng tôi đang làm công việc rất sáng tạo. Chúng tôi không phải bản sao của một công ty Mỹ nào từ sản phẩm đến công nghệ".

Giữa năm 2014, Toutiao có 13 triệu người dùng thường xuyên mỗi ngày. Đây là ứng dụng đọc báo phổ biến nhất ở Đại lục. Đầu tháng 8/2015, phiên bản quốc tế của Toutiao ra đời với tên gọi TopBuzz và nhanh chóng phổ biến ở Mỹ, Brazil và có thêm nhiều phiên bản khác ở Ấn Độ, Indonesia...

Sau đó, bằng sự nhạy bén của mình, Zhang lại nhìn thấy cơ hội ở dịch vụ streaming (phát trực tuyến) mới nổi. 

Tháng 9/2016, ByteDance âm thầm ra mắt Douyin - ứng dụng chỉnh sửa video với độ dài 15 giây. Người dùng có thể quay sửa, video với nhiều bộ lọc, hiệu ứng âm thanh có sẵn rồi chia sẻ trực tiếp lên các mạng xã hội như Weibo hay WeChat. 

Cuối năm 2016, các tin đồn về việc Tencent sẽ mua lại Toutiao xuất hiện ngày càng nhiều. Để Toutiao, Douyin tránh được cái "chết yểu", Zhang Yiming nhanh chóng ra mắt một phiên bản quốc tế của Douyin dưới tên gọi TikTok.

Tik Tok vươn ra thế giới như thế nào?

Ban đầu, Zhang Yiming chỉ có một "mục tiêu nhỏ" là đưa ByteDance thành công ty toàn cầu hoá trong vòng 3 năm với hơn một nửa người dùng quốc tế. Đó là lối thoát duy nhất giúp Zhang thoát khỏi vòng vây của gã khổng lồ Tencent.

Và rồi ứng dụng này bước ra khỏi biên giới Trung Quốc và trở thành hiện tượng toàn cầu. Theo báo cáo của Sensor Tower, công ty phân tích ứng dụng di động, đến tháng 4/2020, TikTok đã vượt mặt YouTube, Tinder, Tencent Video... để trở thành ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất thế giới.

Riêng trong quý I/2020, TikTok đã có 315 triệu lượt tải, bỏ xa con số của các "đại gia" phương Tây, như Facebook, Instagram, Snapchat và YouTube. Trong tháng 5/2020, đối mặt với nhiều cáo buộc, TikTok vẫn có hơn 100 triệu lượt tải và đang là mạng xã hội được giới trẻ khắp thế giới ưa chuộng.

'Cha đẻ' của Tik Tok - ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất thế giới là ai? - ảnh 1 

TikTok đang là ứng dụng video ngắn phổ biến nhất thế giới. 

ByteDance giờ đây đã thoát khỏi nguy hiểm ở quê nhà, vươn ra thế giới thành công ty toàn cầu như ước vọng ban đầu của Trương Nhất Minh. Nhưng TikTok lại một lần nữa đứng bên bờ vực khi bị hai thị trường lớn nhất ngoài Trung Quốc – Ấn Độ và Mỹ – đồng loạt gây khó dễ.

Nhiều người tin rằng TikTok có thể trở thành "Huawei thứ 2" khi chịu những đòn trừng phạt mạnh từ Mỹ. 

Ngày 7/8 vừa qua, VOV đưa tin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành chính cấm công dân Mỹ làm ăn kinh doanh với TikTok hoặc công ty chủ quản ByteDance trong vòng 45 ngày kể từ thời điểm sắc lệnh được ký.

'Cha đẻ' của Tik Tok - ứng dụng kiếm tiền nhiều nhất thế giới là ai? - ảnh 2

Tổng thống Trump ký sắc lệnh cấm giao dịch với chủ sở hữu TikTok. Ảnh: Bloomberg

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh ông Trump đang tìm cách loại bỏ ứng dụng video phổ biến này, viện dẫn các rủi ro an ninh đối với Mỹ. Washington cũng đã dọa sẽ xử phạt bất cứ công dân hay công ty nào của Mỹ giao dịch với TikTok hoặc ByteDance sau khi sắc lệnh có hiệu lực.

"Ứng dụng di động này có thể được sử dụng trong các chiến dịch thông tin giả có lợi cho Trung Quốc", ông Trump nêu rõ trong sắc lệnh được Nhà Trắng công bố ngày 6/8. 

Việc thu thập dữ liệu thông qua TikTok "có thể sẽ cho phép Trung Quốc tiếp cận thông tin cá nhân của người dân Mỹ và điều này có khả năng cho phép Trung Quốc theo dõi vị trí của các nhân viên và nhà thầu liên bang, xây dựng hồ sơ thông tin cá nhân để tống tiền và tiến hành các hoạt động do thám".

Hiện, đại diện của TikTok chưa phản hồi đề nghị bình luận về vấn đề này.