Nhìn lại thương vụ mua đứt Twitter 'nhanh như chớp' của tỷ phú Elon Musk: Nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ
Thương vụ "chớp nhoáng"
Thông tin tỷ phú Elon Musk muốn giành quyền kiểm soát Twitter đã rộ lên từ cuối tháng 3. Theo hồ sơ gửi lên Ủy ban chứng khoán Mỹ (SEC), CEO Tesla đã liên tục mua cổ phiếu Twitter trong hai ngày 31/3 - 1/4. Đến đầu tháng 4, Elon Musk thông báo mua 73,5 triệu cổ phiếu, tương đương 9,2% cổ phần Twitter, qua đó trở thành cổ đông lớn nhất của nền tảng mạng xã hội này.
Ngày 5/4, Twitter thông báo tỷ phú Elon Musk sẽ trở thành thành viên trong ban lãnh đạo của công ty. Đến ngày 8/4, Vanguard Group công bố sở hữu 10,3% cổ phần Twitter, soán ngôi vị cổ đông lớn nhất công ty, đẩy Elon Musk xuống vị trí thứ 2. Theo hồ sơ gửi lên SEC, Vanguard đã tăng mua cổ phiếu Twitter trong quý I. Vào cuối năm ngoái, tập đoàn này chỉ sở hữu 8,4% cổ phần tại công ty.
Ngày 10/4, tỷ phú Elon Musk lên tiếng tuyên bố không nằm trong ban quản trị của Twitter. Theo các nhà phân tích, động thái này cho thấy một tham vọng lớn hơn: Elon Musk muốn thâu tóm toàn bộ Twitter.
Đến ngày 12/4, một cổ đông của Twitter là Marc Bain Rasella đã đâm đơn khởi kiện tỷ phú Elon Musk vì hành vi “mua chui” cổ phiếu. Đơn kiện tố ông Musk đáng lẽ phải tiết lộ số cổ phần nắm giữ ở Twitter cho SEC vào ngày 24/3 nhưng đến tận 11 ngày sau, tỷ phú Tesla mới đưa ra thông báo. Điều đó khiến cổ đông Twitter chịu nhiều thiệt hại.
Ngày 14/4, hai ngày sau khi bị tố "mua chui" cổ phiếu Twitter, tỷ phú Elon Musk đưa ra đề nghị mua đứt nền tảng mạng xã hội này với mức giá khoảng 43 tỷ USD, tương đương 54,20 USD/cổ phiếu. "Đây là lời đề nghị tốt nhất, cũng là cuối cùng. Nếu không được chấp thuận, tôi sẽ xem xét lại tư cách cổ đông của mình", Elon Musk cho biết. Mức giá 54,20 USD/cổ phiếu mà vị tỷ phú đưa ra thời điểm đó cao hơn 38% so với giá cổ phiếu của Twitter trong phiên giao dịch đóng cửa vào 1/4.
Ngày 15/4, có thông tin cho rằng Twitter đang thảo luận chiến thuật phòng thủ mang tên “thuốc độc”, nhằm tìm cách giảm giá trị từng cổ phiếu thông qua tăng tổng số cổ phiếu, gây khó khăn cho tổ chức hoặc cá nhân muốn thâu tóm hay nắm quyền quyết định toàn bộ công ty. Chiến thuật này có thể khiến tỷ phú Musk không thể tăng tỷ lệ sở hữu cổ phiếu Twitter trên thị trường mở.
Ngày 19/4, tỷ phú Elon Musk tuyên bố sẵn sàng chi 10-15 tỷ USD tiền túi để mua lại công ty Twitter Inc. Sau đó 2 ngày, theo hồ sơ gửi tới Ủy ban Chứng khoán Mỹ hôm 21/4, vị tỷ phú lại cho biết đã chuẩn bị đủ 46,5 tỷ USD cho thương vụ mua đứt Twitter, bao gồm tiền vay từ nhà băng Morgan Stanley, vay một số tổ chức tài chính giấu tên khác và tiền túi của ông.
CEO Tesla không tiết lộ nhiều về khoản tiền lên tới 21 tỷ USD từ tài sản cá nhân của ông trong thương vụ này. Theo bảng xếp hạng tỷ phú của Forbes, Elon Musk hiện là tỷ phú giàu nhất hành tinh với khối tài sản ước tính 266 tỷ USD, phần lớn trong đó đến từ định giá số cổ phiếu Tesla mà ông đang nắm giữ.
Tờ Bloomberg cho hay Elon Musk chỉ nắm trong tay khoảng 3 tỷ USD tiền mặt và một số tài sản có thanh khoản. Do đó, nhiều người đặt câu hỏi về việc ông kiếm đâu ra số tiền hàng chục tỷ USD để hoàn tất thương vụ với Twitter. Giới tài chính từng cho rằng sẽ khó để CEO Tesla vay vốn nếu thế chấp bằng cổ phiếu có biến động mạnh như Tesla.
Đến ngày 25/4 (giờ Mỹ), Twitter chính thức chấp thuận đề nghị mua lại của tỷ phú Elon Musk với đúng mức giá 54,2 USD/cổ phiếu mà Musk đề nghị; qua đó, định giá nền tảng truyền thông mạng xã hội này ở mức 44 tỷ USD. Mở cửa phiên giao dịch ngày 25/4, cổ phiếu của Twitter tăng hơn 6% sau thông tin về tay người giàu nhất hành tinh.
Mua Twitter không phải để kiếm tiền
Mạng xã hội Twitter bắt đầu hoạt động tháng 7/2006, đặt trụ sở chính tại San Francisco (Mỹ) với hơn 35 văn phòng trên thế giới. Hiện Twitter có 330 triệu người dùng đang hoạt động thường xuyên hàng tháng. Mặc dù con số này thấp hơn một số đối thủ mạng xã hội như Facebook nhưng Twitter được coi là nền tảng có ảnh hưởng vượt trội trong thế giới trực tuyến. Twitter được sử dụng bởi nhiều chính trị gia, nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới.
Tỷ phú Elon Musk từng nhận định Twitter chưa phát huy được tiềm năng khi quyền tự do ngôn luận của người dùng chưa được tôn trọng. Như các nền tảng mạng xã hội khác, Twitter cố gắng chặn các nội dung tiêu cực, bao gồm bạo lực, hoặc thông tin sai lệch, độc hại.
"Tôi nghĩ điều rất quan trọng là phải có một nền tảng toàn diện cho quyền tự do ngôn luận", vị tỷ phú chia sẻ về mong muốn biến Twitter đang trở thành một "quảng trường" kỹ thuật số, nơi các vấn đề quan trọng đối với tương lai của nhân loại được tranh luận và là nơi mọi người có thể tự do thể hiện quan điểm trong giới hạn của luật pháp.
"Tôi mua Twitter không phải để kiếm tiền. Bằng niềm tin mạnh mẽ, tôi muốn tạo ra một nền tảng cộng đồng được tin tưởng tối đa. Tôi làm là vì tương lai của nền văn minh chứ không quan tâm đến vấn đề lợi ích kinh tế”, Elon Musk khẳng định mục đích ông mua lại Twitter.
Vị tỷ phú cho biết ông muốn "làm cho Twitter tốt hơn bao giờ hết" bằng cách nâng cao sản phẩm với các tính năng mới, biến các thuật toán thành mã nguồn mở để tăng độ tin cậy, giảm thiểu nội dung rác và xác thực tất cả người dùng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia trong ngành lo lắng rằng mong muốn tự do ngôn luận của Elon Musk trên Twitter có thể dẫn đến nhiều thông tin sai lệch và các nội dung có hại khác, chính điều này sẽ tác động tiêu cực ngược trở lại người dùng.
Twitter sẽ ra sao khi về tay Elon Musk: Nhiều câu hỏi còn đang bỏ ngỏ
Hiện tỷ phú Elon Musk chỉ mới đạt được thỏa thuận với hội đồng quản trị Twitter, còn quá trình tiếp quản và hoàn tất thương vụ dự kiến sẽ mất vài tháng. Theo luật pháp tại Mỹ, Musk phải thông báo cho Ủy ban Thương mại Liên bang, Bộ Tư pháp về thương vụ để được hướng dẫn các bước tiếp theo.
Hiện vẫn chưa rõ liệu CEO Tesla có thực hiện thay đổi nào đối với chính sách quyền riêng tư hiện tại của Twitter hay không. Theo một số chuyên gia, ông Musk có thể phải đối mặt với phản ứng dữ dội nếu tăng cường quyền tự do ngôn luận mà không đảm bảo bảo mật người dùng.
Ngoài ra, khi Twitter về tay Elon Musk, vị tỷ phú giàu nhất hành tinh sẽ có khả năng kiểm soát nhiều dữ liệu người dùng “nhạy cảm” hơn so với các công ty mà ông đang điều hành như Tesla hay SpaceX.
Giám đốc điều hành Twitter Parag Agrawal nói với nhân viên rằng tương lai của Twitter là bất định sau thỏa thuận với tỷ phú Elon Musk: “Sau khi thương vụ hoàn tất, chúng tôi không biết công ty sẽ đi theo hướng nào”.
Nhân viên Twitter đang mơ hồ về kế hoạch của ông chủ mới đối với công ty cũng như nguy cơ tỷ phú Musk sa thải người lao động bất chấp việc Chủ tịch hội đồng quản trị Twitter Bret Taylor trấn an nhân viên rằng Elon Musk muốn duy trì “hoạt động liên tục” cho đến khi thỏa thuận xong xuôi.
Trong cuộc khảo sát với gần 200 nhân viên Twitter trên Blind, một ứng dụng đánh giá địa điểm làm việc, 44% bày tỏ quan điểm trung lập với Elon Musk, 27% yêu thích và 27% phản đối.
Quan điểm của CEO Twitter Parag Agrawal và tỷ phú Elon Musk về việc kiểm duyệt nội dung nền tảng mạng xã hội này rõ ràng có nhiều điểm mâu thuẫn với nhau. Câu hỏi liệu Elon Musk có giữ CEO Agrawal ở lại hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Theo công ty nghiên cứu Equilar, CEO Agrawal sẽ nhận được khoảng 42 triệu USD nếu anh ta bị chấm dứt hợp đồng trong vòng 12 tháng sau khi Twitter về tay ông chủ mới.
Một câu hỏi khác cũng được quan tâm: liệu tỷ phú Elon Musk có thể khôi phục tài khoản mạng xã hội Twitter của cựu Tổng thống Donald Trump, người đã bị khóa tài khoản vô thời hạn vào đầu năm ngoái vì vi phạm chính sách của nền tảng này. Ông Donald Trump cho biết ông sẽ không quay trở lại Twitter kể cả khi lệnh xóa được đảo ngược mà chỉ sử dụng Truth Social do ông lập nên.