Châu Âu trước một mùa đông khó khăn

Phương Lê (theo AFP) 20:04 | 22/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Châu Âu đang chuẩn bị cho một mùa đông khó khăn khi nguồn cung cấp khí đốt từ Nga sụt giảm.

Người Latvia đã điều chỉnh thói quen tiêu dùng kể từ cuối tháng 7, khi Nga ngừng cung cấp khí đốt cho quốc gia thuộc Liên Xô cũ vùng Baltic bởi họ biết những gì sẽ xảy ra trong những tháng tới.

Juons Ratiniks, sống ở thành phố Rezekne, gần biên giới Nga, cho biết: “Giá năng lượng cao đến mức chúng tôi đã cắt nước nóng từ đường ống thành phố và lắp đặt lò hơi nước nóng của riêng mình”. Ông nói: “Việc này rẻ hơn so với tiền trả cho việc đun nước nóng liên tục.” Ratiniks cho rằng các quan chức cần nhận thấy sự chật vật của người dân khi hóa đơn năng lượng quá cao. 

Bulgaria, Đan Mạch, Phần Lan, Hà Lan và Ba Lan cũng đã cắt giảm tiêu thụ khí đốt, trong khi các quốc gia khác cũng chứng kiến ​​nguồn cung của họ giảm mạnh.

Nguồn cung cấp khí đốt của Nga tới Đức qua đường ống Nord Stream sẽ bị tạm dừng trong vài ngày vào cuối tháng này, đây là lần ngừng hoạt động thứ hai trong mùa hè này. Nga tuyên bố lý do kỹ thuật trong khi Berlin cáo buộc Moscow dùng năng lượng để "tống tiền" các nước châu Âu liên quan vấn đề chiến sự Ukraine. 

Nhìn chung, nguồn cung khí đốt từ Nga đến châu Âu trong tháng Bảy đã giảm khoảng 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Các chính phủ trên khắp châu Âu không mấy vui vẻ với viễn cảnh các nhà máy buộc phải ngừng hoạt động. Nhiều người tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang sử dụng nguồn cung cấp năng lượng như một vũ khí chiến lược để gây áp lực lên các quốc gia đã áp dụng các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow vì cuộc xâm lược Ukraine.

Việc cắt giảm nguồn cung đã đẩy giá khí đốt và điện tăng vọt khi nhiều nhà máy điện tăng cường hoạt động. Giá dầu tăng càng dẫn đến nhiều vấn đề phức tạp hơn, ngay cả khi nó đã giảm trở lại trong thời gian gần đây.

"Thế giới đang trải qua cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu thực sự đầu tiên trong lịch sử", Fatih Birol, giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế, viết vào tháng trước, "Tình hình đặc biệt nguy hiểm ở châu Âu, nơi đang là tâm điểm của sự hỗn loạn thị trường năng lượng."

Khí đốt tự nhiên rất quan trọng đối với rất nhiều quốc gia - đặc biệt là Đức, quốc gia có nhu cầu khí đốt đáng kể cho các ngành công nghiệp nặng. 

Ông Matt Oxenford của Economist Intelligence Unit cho biết: “Giả định rằng dòng khí đốt của Nga đến châu Âu qua Nord Stream 1 sẽ dao động trong khoảng từ 0 đến 20% trong những tháng tới, việc này sẽ dẫn đến suy thoái châu Âu vào mùa đông 2022-2023”. 

Ông nói thêm: “Với cơ sở hạ tầng khí đốt hiện tại, Đức không thể bù đắp cho lượng khí đốt của Nga bị cắt giảm 80% nếu không giảm mạnh nhu cầu”. 

Hơn nữa, Đức là một trung tâm của chuỗi cung ứng công nghiệp, điều đó sẽ có tác động lan tỏa khắp châu Âu, Oxenford viết.

Các doanh nghiệp sẽ bị cắt giảm trước các hộ gia đình, các chính phủ ở Pháp và Đức đã xem xét ai sẽ là người chịu thiệt hại đầu tiên.

Liên minh châu Âu đã nói với 27 nước thành viên rằng họ sẽ phải cắt giảm 15% lượng tiêu thụ khí đốt. Đầu năm nay, Italia đã tung ra chính sách gọi là "Operation Thermostat" trong nỗ lực giảm hệ thống sưởi và điều hòa không khí tại trường học và các tòa nhà công cộng. Sau đó, Tây Ban Nha và Đức đã làm theo.

Chiến dịch mùa hè của Đức tập trung vào việc giảm điều hòa nhiệt độ trên các phương tiện giao thông công cộng và mua vòi sen tiết kiệm nước hơn. Một số thành phố đã hạ nhiệt độ trong các bể bơi của họ và cắt giảm hệ thống chiếu sáng đô thị.

Pháp đã đóng băng giá khí đốt cho các cá nhân, nhưng ở Đức, hóa đơn cho các hộ gia đình sẽ tăng vài trăm euro một năm.

Rủi ro một mùa đông khó khăn đang đe dọa châu Âu. Trung tâm tư vấn người tiêu dùng ở bang North Rhine-Westphalia cho biết chưa bao giờ họ bận rộn như vậy trong lịch sử 40 năm của mình.

Người phát ngôn Udo Sieverding cho biết, nhiều người nói rằng họ lo lắng sẽ bị cắt hợp đồng vì không thể thanh toán các hóa đơn năng lượng khi giá lên quá cao. Một số đang xem xét việc thay thế nguồn cung cấp dầu hoặc khí đốt của bằng các tấm pin mặt trời hay than đá, ông nói thêm.

Trong khi đó, Pháp đang hồi sinh chiến dịch chống lãng phí lần đầu tiên được triển khai vào những năm 1970. Chính phủ Pháp đã xem xét lại quyết định đóng cửa một nhà máy đốt than, bất chấp sự phản đối kịch liệt của các nhà vận động môi trường.