Chiều hướng tăng mạnh của livestream bán hàng: Hàng lậu và thất thoát thuế
Chiều hướng livestream bán hàng ngày càng tăng mạnh và điều này không chỉ tạo nhiều tiềm năng, cơ hội mà còn làm gia tăng buôn bán hàng lậu và gây thất thoát thuế.
70.000-80.000 phiên livestream bán hàng tại Việt Nam mỗi ngày
Dịch bệnh COVID-19 gây ra nhiều khó khăn thách thức cho nền kinh tế, tuy nhiên nó cũng mở ra một số cơ hội, đặc biệt trong đó thương mại điện tử có điều kiện phát triển ở nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam.
Livestream bán hàng là một hình thức mới, được đánh giá là một hình thức bán hàng nhiều ưu điểm và có tiềm năng lớn. Hình thức này đã xuất hiện trong 1 vài năm trở lại đây và có chiều hướng tăng mạnh trong bối cảnh dịch bệnh COVID – 19.
Theo tờ Lao Động, Công an TP.Biên Hòa (Đồng Nai) gần đây đã phát hiện một cơ sở kinh doanh sử dụng nhà xưởng hơn 600m2 làm kho chứa hàng để livestream bán hàng không có hóa đơn chứng từ.
Công an Đồng Nai phát hiện 20 người đang livestream bán hàng qua mạng xã hội
Đến thời điểm này, đặt vấn đề ngành kinh tế livestream tại Việt Nam có thể hướng tới giá trị tỉ đô (USD) có lẽ đã lạc hậu. Trên thực tế, điều đó có lẽ đã hiện thực hóa từ khá lâu.
Đơn cử, cơ sở kinh doanh tại Biên Hòa mới bị phát hiện, giá trị hàng hóa lên tới hàng tỉ đồng. Cơ sở này nếu hoạt động quanh năm suốt tháng với hình thức bán hàng qua livestream, doanh thu hoàn toàn có thể nhiều hơn gấp chục lần con số hàng tỉ đồng.
Còn nhớ trường hợp kho hàng lậu hơn 10.000m2 tại TP.Lào Cai bị cơ quan chức năng triệt phá, cũng bán hàng qua phương thức livestream, mỗi ngày chốt tối thiểu từ 100-200 đơn hàng, có doanh thu năm lên tới hàng trăm tỉ đồng.
Một trường hợp khác là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, trong khoảng thời gian giãn cách xã hội năm 2020, đã bán hàng livestream để làm từ thiện, và chốt được tới hơn 12.000 đơn hàng.
Theo một nhận định của ông Phạm Ngọc Duy Liêm – đồng sáng lập ứng dụng GoStream cung cấp nền tảng livestream – được các phương tiện truyền thông dẫn lại, một hot streamer (người thực hiện livestream để bán hàng hóa, dịch vụ) có thể kiếm được khoảng 350 triệu đồng mỗi tháng.
Anh Song (đã thay đổi tên) làm việc cho một công ty nước ngoài tại Việt Nam, lương tháng vài ngàn USD. Trao đổi với chúng tôi, anh Song cho rằng: “Thu nhập của em cao nhưng so với thu nhập từ bán hàng online và qua livestream của vợ em cũng chẳng ăn thua. Ngày nghỉ ở nhà, ship hàng (giao hàng) cho vợ phát mệt”.
Cuối năm 2020, vào ngày khuyến mãi 12.12, một doanh nghiệp chuyên bán các loại phụ kiện điện thoại di động tại TPHCM đã chốt được số đơn hàng có giá trị lên đến 13 tỉ đồng chỉ trong vòng 24 giờ.
Vấn đề thất thoát thuế trong lĩnh vực viết phần mềm (mà chủ yếu là các ứng dụng game, giải trí..) bán trên các kho ứng dụng quốc tế hay làm nội dung đưa lên YouTube để kiếm tiền quảng cáo đã từng được đặt ra. Tuy nhiên, theo anh Song, nếu so về doanh thu và thu thập, hai ngành trên không thể sánh với ngành kinh tế livestream mang lại.
Người viết bài này thử khảo sát chỉ riêng trên sàn thương mại điện tử Lazada. Cùng là một lọ thực phẩm chức năng sản xuất tại Australia, được nhiều chủ shop rao bán với nhiều mức giá khác nhau dao động từ 163.000 đồng - 250.000 đồng, cho thấy biên độ lợi nhuận như thế nào.
Trong đại dịch COVID-19, nhiều chủ cửa hàng, shop trên các tuyến đường phố chính đóng cửa, lui về nhà và tổ chức livestream để bán hàng online, vừa có thể tiết giảm chi phí thuê mặt bằng không nhỏ nhưng vẫn có thể tiếp cận được khách hàng mới.
Theo một thống kê, thị trường Việt Nam có khoảng 2,5 triệu phiên livestream bán hàng mỗi tháng, với sự tham gia của khoảng 50.000 nhà cung ứng sản phẩm. Tính ra, mỗi ngày có khoảng từ 70.000-80.000 phiên livestream bán hàng tại Việt Nam.
Đa phần các phiên livestream bán hàng được tiến hành trên nền tảng Facebook. Người dùng chỉ cần chạm vào nút tính năng “trực tiếp” là có thể thấy hàng loạt các livestream bán hàng đang diễn ra.
Tuy nhiên, với ngành kinh tế livestream đang diễn ra sôi nổi, vấn đề được đặt ra là thất thu thuế.
Điển hình qua một số vụ điểm bị triệt phá với các kho hàng xách tay có giá trị lên đến hàng chục, hàng trăm tỉ đồng cho thấy, hàng lậu, hàng nhái, hàng không có hóa đơn chứng từ được bán ra không có hóa đơn kèm theo chính là con đường thất thoát thuế không nhỏ.
Hàng lậu “đại náo”
Tờ Tiền Phong cho biết: Liên quan đến kho hàng lậu ở Đồng Nai mới đây, Thượng tá Huỳnh Yên Nam, Trưởng Công an thành phố Biên Hòa cho biết: “Nguồn gốc hàng hóa đã xác định là hàng nhập từ nước ngoài vào Việt Nam và không có hóa đơn chứng từ. Hiện cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ số lượng hàng hóa này được nhập về bằng phương cách nào”.
Một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhận định, nhờ thành tựu của khoa học công nghệ nên việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Ông Võ Thái, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đồng Nai thông tin, việc phát hiện kho hàng nhập lậu này là do Công an thành phố Biên Hòa điều tra làm rõ. Qua kiểm tra cho thấy, trước đây cơ sở này khi chưa dùng hình thức bán hàng qua mạng cũng đã bị Đội 1 và Đội 2 Quản lý thị trường (QLTT) xử phạt 2 lần về hành vi bán hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ. “Bán hàng qua mạng là hình thức mới hiện nay, đối với những điểm bán hàng qua mạng có tên miền rõ ràng thì dễ quản lý, nhưng đối với hình thức bán hàng livestream qua facebook hiện nay việc quản lý thị trường đối với lĩnh vực này cần phải có nghiệp vụ”, ông Thái nói và cho biết thêm, những loại hàng nhập này vào Việt Nam qua nhiều hình thức chủ yếu sẽ là đường tàu biển, hàng không…
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TPHCM cho rằng, livestream là một hình thức thương mại nên phải đăng ký kinh doanh tại Việt Nam và khi phát sinh thu nhập thì tổ chức và cá nhân có thu nhập phải nộp thuế theo quy định, giống như các youtuber.
“Theo tôi, cần có quy định pháp luật để định hướng, quản lý ngành nghề này. Cần có cơ sở pháp lý để hoạt động này diễn ra trật tự, được pháp luật bảo vệ. Bộ Tài chính cần thông tư hướng dẫn và trên cơ sở đó, các cơ quan thuế phải thu thuế theo quy định pháp luật” - luật sư Hậu nói.
Ông Lê Duy Minh, Cục trưởng Cục Thuế TPHCM cho biết, phương thức mua sắm của người tiêu dùng cũng như người bán hàng đã thay đổi nhiều sau dịch COVID-19. Trước đây người tiêu dùng đến mua sắm ở các cửa hàng thì sau dịch có thói quen mua hàng qua mạng nhiều hơn. Người bán hàng cũng vậy, trả mặt bằng và chủ yếu bán hàng online, livestream để tiết kiệm chi phí thuê mặt bằng. Người mua đặt hàng qua mạng, người bán giao hàng tận nhà và thanh toán trả bằng tiền mặt dẫn đến việc kiểm soát thuế không đơn giản.
Đối với hoạt động thanh toán qua tài khoản ngân hàng, cơ quan thuế có thể thực hiện phối hợp cùng ngân hàng thực hiện truy thu thuế đối với các giao dịch thương mại, nhưng với thanh toán bằng tiền mặt thì không dễ. Cục Thuế TPHCM đã có đề xuất phối hợp với Tổng cục Thuế phương thức quản lý chống thất thu thuế trong các hoạt động thương mại điện tử. Việc phối hợp xây dựng phương thức chống thất thu thuế sẽ được sớm triển khai trong thời gian tới, trong đó có nghiên cứu đến chương trình kiểm soát hoạt động bán hàng, đặt hàng trên mạng...
Theo ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhận định, nhờ thành tựu của khoa học công nghệ nên việc mua bán online ngày càng trở nên phổ biến và có thể nói “cửa khẩu nằm ở cửa nhà của mỗi người dân” nên một số thủ đoạn mới đang xuất hiện trên nền tảng thương mại điện tử tập trung vào nhóm hàng hóa có giá trị cao, những mặt hàng do nước ngoài sản xuất.
Vì thế, Tổng cục QLTT đã lập một bộ phận đặc nhiệm chuyên trách riêng. Qua nắm bắt thông tin và những biện pháp nghiệp vụ, lực lượng đã tấn công, xử lý một số đường dây, ổ nhóm quy mô lớn trên môi trường internet, đặc biệt là mô hình kinh doanh mới, như trên các mạng xã hội, kênh bán hàng đa kênh livestream. “Thương mại, thương mại điện tử chi phối rất nhiều cách thức mà người dân và doanh nghiệp trao đổi. Vì vậy, việc mua bán gian lận thương mại trên môi trường internet sẽ được lực lượng quản lý thị trường đẩy mạnh triển khai trong thời gian tới”, ông Trần Hữu Linh khẳng định.
Tháng 7/2020, Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động và Cục A05, Bộ Công an đã phối hợp với quản lý thị trường đột kích kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 tại thành phố Lào Cai. Chủ kho là Trần Thành Phú, sinh năm 1992, có hộ khẩu thường trú tại Lào Cai, cùng em gái điều hành kho hàng. Các mặt hàng tại kho hàng cũng chính là các mặt hàng được Phú tổ chức livestream kinh doanh trên các trang Facebook có tên: Thảo Trần, Giầy đồng giá,... như: giầy dép, kính mắt, đồng hồ, hàng tiêu dùng...
Cơ quan chức năng cho hay, từ tháng 10/2018 tới khi bị “sờ gáy”, tổng lũy kế giao dịch qua tài khoản của Trần Thành Phú và 5 đối tượng trong nhóm là hơn 649 tỷ đồng.
Minh Hoa