Chính phủ có cơ chế đặc thù giải quyết nhu cầu vật liệu để đẩy nhanh tiến độ cao tốc Bắc - Nam
Chính phủ vừa ban hành quyết định số 60/NQ-CP về việc áp dụng cơ chế đặc thù, cấp phép khai thác khoáng sản làm nguồn vật liệu thông thường cung cấp cho dự án cao tốc Bắc-Nam tại một số tuyến đường.
Trước đó, nhiều địa phương đã báo cáo về thực trạng nguồn khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (VLXDTT) khai thác tại các mỏ còn thời hạn chỉ đáp ứng hơn 60% nhu cầu của Dự án đường cao tốc.
Cao tốc Bắc - Nam là dự án trọng điểm quốc gia, nếu không có đủ nguồn nguyên vật liệu cung cấp thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công trong quy hoạch.
Trên thực tế, nhiều phần thi công cao tốc hiện đang trong tình trạng "khát" vật liệu, đặc biệt là đất đắp.
Thiết kế kỹ thuật đã chỉ rõ toàn bộ 11 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam (dài 653 km) cần khoảng 54 triệu m3 đất đắp nhưng hiện tại mới chỉ đủ điều kiện khai thác 32,2/54 triệu m3. Phần còn lại chưa đủ điều kiện khai thác tập trung ở 8 dự án thành phần cao tốc phía Đông gồm: Mai Sơn – QL45, Nghi Sơn – Diễn Châu, Diễn Châu – Bãi Vọt, Cam Lộ - La Sơn, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo – Phan Thiết, Phan Thiết – Dầu Giây.
Nên rất cần "cơ chế đặc thù" nhằm giải quyết và tháo gỡ vướng mắc, khó khăn khi cấp phép mới cũng như khi tăng công suất khai thác tại các mỏ đã cấp phép.
Chính Phủ sau khi lắng nghe ý kiến của các thành viên và xem xét tờ trình của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã đi đến chấp thuận và ban hành một số nội dung về cơ chế đặc biệt, trong đó:
UBND tỉnh, thành tại các vị trí có cao tốc Bắc - Nam có quyền phê duyệt các khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường đã có trong quy hoạch khoáng sản, đủ tiêu chuẩn và chỉ cho mục đích xây dựng dự án đường cao tốc là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản.
Khu vực khoáng sản mới (chưa cấp phép thăm dò, khai thác) thì chỉ cấp phép khi nhà đầu tư, nhà thầu thi công dự án đường cao tốc Bắc - Nam gửi đề nghị và tuân thủ các điều kiện của pháp luật quy định về khoáng sản.
Được phép quyết định nâng công suất không quá 50% công suất ghi trong giấy phép khai thác (không tăng trữ lượng đã cấp phép) với các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (trừ cát, sỏi lòng sông, cửa biển) được cấp phép và vẫn hoạt động và còn thời gian khai thác. Được bỏ qua bước lập dự án đầu tư điều chỉnh, đánh giá tác động môi trường nhưng Chính phủ muốn đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn, bảo vệ môi trường trong khai thác.
UBND các địa phương có cao tốc đi qua chỉ cấp phép tăng công suất các mỏ đang khai thác sau khi tổ chức, cá nhân đã cam kết bằng văn bản sẽ cung cấp vật liệu cho nhà đầu tư, nhà thầu thuộc dự án đường cao tốc Bắc - Nam. Nghiêm cấm việc thổi giá, ép giá, nếu phát hiện phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Tại các khu vực khoáng sản mới, tổ chức cá nhân sau khi khai thác phải có nghĩa vụ thực hiện cải tạo phục hồi môi trường, đóng cửa mỏ, trả lại mỏ và đất đai cho địa phương quản lý theo quy định.
Ngoài ra, Chính Phủ cũng yêu cầu quá trình khai thác phải đảm bảo không làm biến đổi, ảnh hưởng cảnh quan, môi trường xung quanh. Phải phòng chống sạt lở, đảm bảo đa dạng sinh học và bảo vệ rừng; bảo đảm quốc phòng - an ninh; an toàn giao thông cũng như cho các công trình thuộc dự án đường cao tốc.
Sẽ kiểm soát việc thực hiện nghĩa vụ tài chính tổ chức, cá nhân theo quy định bằng việc giám sát chặt chẽ khối lượng khoáng sản khai thác thực tế. Giá vật liệu xây dựng phải được công bố đầy trước địa bàn theo quy định, tránh xảy ra tình trạng thất thoát tài sản Nhà nước,…
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập 5 Đoàn kiểm tra công tác quản lý, cấp phép thăm dò, khai thác khoáng sản làm VLXDTT cung cấp cho Dự án đường cao tốc của các địa phương có Dự án đi qua.
Bộ Công Thương cần nhanh chóng nghiên cứu, điều tra theo pháp luật để xử lý nghiêm các hành vi phạm pháp về cạnh tranh liên quan đến vật liệu xây dựng: thông đồng, thỏa thuận để găm hàng, tăng giá, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường để trục lợi. Báo cáo Chính phủ định kỳ 3 tháng/lần.
3 bộ Xây dựng, Công Thương, Giao thông tăng cường nghiên cứu, tìm ra các giải pháp về công nghệ sử dụng nguồn nguyên vật liệu sẵn có như tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện đủ tiêu chuẩn làm vật liệu san lấp để cung cấp cho các Dự án đường cao tốc.
H.S
Xem thêm: Đề xuất ưu tiên 2 tuyến của đường sắt cao tốc Bắc - Nam