Chính phủ đề xuất 4 nhóm giải pháp cho đối tượng chịu tác động bởi Covid-19
Tiếp tục chương trình phiên họp thứ 3, ngày 16/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo nghị quyết ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Miễn các loại thuế cho hộ, cá nhân kinh doanh
Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày có 4 nhóm giải pháp được đề xuất.
Cụ thể, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2021 đối với trường hợp người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng và tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020.
Tuy nhiên, không áp dụng tiêu chí tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 đối với trường hợp người nộp thuế mới thành lập, người nộp thuế chuyển đổi loại hình doanh nghiệp, chuyển đổi hình thức sở hữu, hợp nhất, sáp nhập, chia, tách, giải thể, phá sản trong kỳ tính thuế năm 2021.
Đề xuất nêu trên thực chất là việc kéo dài chính sách đã áp dụng của năm 2020 theo Nghị quyết số 116/2020/QH14 của Quốc hội. Song, tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy ban, Chính phủ đề xuất bổ sung thêm điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2020 để đảm bảo đối tượng được giảm thuế thực sự bị khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo đề xuất này là khoảng 2.200 tỷ đồng.
Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Chính phủ đề xuất miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi ngành nghề, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế.
Nội dung này, Chính phủ đã tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội về tăng thêm mức hỗ trợ để đảm bảo việc thực hiện hỗ trợ bao quát đến các đối tượng hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gặp khó khăn mà không chỉ phân biệt trong hay ngoài vùng dịch hay khu vực giãn cách. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 8.800 tỷ đồng.
Giảm 30% thuế giá trị gia tăng cho một số ngành nghề
Về giảm thuế Giá trị gia tăng, Chính phủ đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 31/12/2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong các ngành kinh tế, bao gồm: Vận tải (vận tải đường sắt, vận tải đường thủy, vận tải hàng không, vận tải đường bộ khác); Dịch vụ lưu trú; Dịch vụ ăn uống; Hoạt động xuất bản (trừ xuất bản theo hình thức trực tuyến); Hoạt động điện ảnh, sản xuất chương trình truyền hình, ghi âm và xuất bản âm nhạc; Hoạt động của các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch; Hoạt động sáng tác, nghệ thuật và giải trí; Hoạt động của thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác; Hoạt động thể thao, vui chơi và giải trí.
Cụ thể, doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được giảm 30% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này. doanh nghiệp, tổ chức thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 30% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ thuộc hoạt động sản xuất kinh doanh quy định tại khoản này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 5.000 tỷ đồng.
Qua rà soát, Chính phủ đánh giá với đề xuất giảm mức thuế suất thuế giá trị gia tăng như nêu trên thì đối tượng được thụ hưởng trực tiếp chính sách này là người mua hàng hóa, dịch vụ (do mức giảm 30% thuế suất thuế giá trị gia tăng thể hiện trên hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ của người bán, qua đó giảm số tiền mà người mua phải thanh toán); đồng thời cũng sẽ gián tiếp hỗ trợ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, khuyến khích bán hàng tốt hơn, nhiều hơn, qua đó góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Về tiền phạt chậm nộp, Chính phủ đề xuất miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ trong năm 2020. Tuy nhiên, quy định này không áp dụng với các trường hợp đã nộp tiền chậm nộp.
Nội dung đề xuất này về thực chất cũng tương tự với việc gia hạn thời hạn nộp thuế còn nợ của doanh nghiệp, tổ chức trong các năm 2020, 2021 và số tiền chậm nộp của các doanh nghiệp, tổ chức bị thua lỗ, khó có khả năng nộp ngân sách nên có tác động giảm gánh nặng nợ để doanh nghiệp, tổ chức có thể yên tâm và sớm hồi phục hoạt động sản xuất kinh doanh. Dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước theo phương án này là khoảng 5.300 tỷ đồng.
Theo tính toán của Chính phủ, việc thực hiện 4 đề xuất nêu trên có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 21.300 tỷ đồng, giảm thêm 1.300 tỷ đồng so với đề xuất trước đây.
Hỗ trợ cần phải chọn lọc, đúng đối tượng
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Bộ Tài chính làm rõ đối tượng được thụ hưởng, tránh tình trạng “không bị tác động của đại dịch vẫn được thụ hưởng từ chính sách."
"Trên thực tế có những vùng, lĩnh vực không bị tác động bởi đại dịch Covid-19, thậm chí được hưởng lợi, có điều kiện phát triển hơn như sản xuất khẩu trang, thiết bị vật tư y tế, ngành nghề thương mại điện tử, kinh doanh trực tuyến... Trong khi đó, nguyên tắc thuế là tiền khai, hậu kiểm; chúng ta chỉ hỗ trợ đúng, trúng những đối tượng bị tác động. Sau khi kê khai, cơ quan thuế sẽ cho các doanh nghiệp hưởng và sẽ hậu kiểm lại," Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với 4 nhóm chính sách theo tờ trình của Chính phủ; đề nghị Bộ Tài chính tiếp thu các ý kiến được trao đổi để hoàn chỉnh các nội dung trên.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2021 không quá 200 tỷ đồng với điều kiện tổng doanh thu năm 2021 giảm so với tổng doanh thu năm 2019 đã thể hiện tính thuyết phục của chính sách bởi nếu chỉ so với năm 2020 sẽ không thuyết phục. Đây cũng là mốc tiêu chuẩn để so sánh, giải quyết chính sách trong dài hạn.
Đối với việc miễn thuế phải nộp của quý 3, 4 năm 2021 cho các hộ, cá nhân kinh doanh, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu phải chú ý tới các hộ, cá nhân kinh doanh, không chỉ có doanh nghiệp vừa và nhỏ. Một số ý kiến đề nghị phải được phân định các đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp theo lĩnh vực, vùng chính xác, phù hợp.
Về giảm thuế giá trị gia tăng từ 1/10/2021 đến 31/12/2021 cho một số lĩnh vực, dịch vụ, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát trong các lĩnh vực đang đề nghị giảm thuế giá trị gia tăng để loại trừ không giảm cho một số hoạt động xuất bản phần mềm, các hoạt động kinh doanh cung cấp dịch vụ hàng hóa trên nền tảng trực tuyến.
Đồng thời, Nghị quyết cần thể hiện rõ trách nhiệm của Chính phủ trong tổ chức thực hiện để đảm bảo giảm thuế giá trị gia tăng đạt được mục tiêu là người tiêu dùng được hưởng chính sách.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết về miễn tiền hỗ trợ phát sinh năm 2020 và 2021 cho các doanh nghiệp, tổ chức phát sinh lỗ trong năm 2020, Chính phủ cần tiếp tục rà soát để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp thẩm quyền ban hành chính sách khác để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua khó khăn của đại dịch; lưu ý các chính sách hỗ trợ về lãi suất tín dụng, hỗ trợ chi phí cho doanh nghiệp bị lỗ.
Riêng vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội có ý kiến về gói hỗ trợ kích cầu, hỗ trợ doanh nghiệp trong dịch Covid-19; lưu ý sử dụng cả hai kênh hỗ trợ lãi suất của hệ thống ngân hàng.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước triển khai gói hỗ trợ từ ngân sách nhà nước tạm khóa về vấn đề hỗ trợ huy động lãi suất cho các doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ nghiên cứu, đề xuất gói hỗ trợ dựa trên chi phí hoạt động của các doanh nghiệp, ưu tiên cho các ngành nghề bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid-19.