Chính phủ lần thứ 4 xin lùi sửa Luật đất đai

Đông Bắc 15:26 | 17/04/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Chính phủ lần thứ tư xin lùi trình dự án Luật Đất đai sửa đổi dù nội dung này theo Nghị quyết của Quốc hội phải trình vào kỳ họp thứ 3, khai mạc tháng 5.

Báo cáo tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 16/4, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị lùi trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) đến sau thời điểm Trung ương có chủ trương, định hướng về đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai. Điều này làm cơ sở chính trị cho việc sửa đổi dự án luật. Sau đó, Chính phủ sẽ hoàn thiện dự án để trình Quốc hội.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho rằng thời hạn đề xuất lùi của Chính phủ chưa cụ thể, trong khi đây là dự luật rất cấp thiết, phải ban hành sớm. "Dự án luật đã được đưa vào chương trình từ kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, tháng 5/2019, sau đó phải điều chỉnh nhiều lần. Lần này là đề nghị điều chỉnh thứ tư", ông Tùng nhấn mạnh.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, lý do Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình là đợi Hội nghị Trung ương 5 xem xét tổng kết Nghị quyết 19, song đây không phải là vấn đề mới. Quốc hội khi xem xét đưa dự án vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã cân nhắc. Do đó, các cơ quan của Quốc hội đề nghị chỉ nên lùi một kỳ, Chính phủ phải trình Quốc hội cho ý kiến về dự luật này tại kỳ họp thứ 4 vào cuối năm 2022, và vẫn xem xét, thông qua theo quy trình 3 kỳ họp.

Thảo luận sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng các điều kiện cần thiết liên quan đến dự án luật này đã đầy đủ và các vướng mắc từ 19 nhóm vấn đề đã gom lại còn 6 nhóm vấn đề.

Do đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên - Môi trường sớm hoàn thiện dự án luật để đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của đại biểu Quốc hội, nhân dân.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng theo nghị quyết của Quốc hội, dự án luật này sẽ cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 (tháng 5-2022) nhưng đến nay "không thể không lùi" do cần căn cứ chính trị là việc xem xét tổng kết nghị quyết 19 của trung ương.

Ông Nhân thống nhất với báo cáo thẩm tra đề nghị cho phép trình Quốc hội cho ý kiến về dự án luật tại kỳ họp thứ 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng - Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với đề nghị của Chính phủ về lùi thời hạn trình dự án Luật đất đai sửa đổi, song chỉ nên lùi một kỳ họp, trình xin ý kiến Quốc hội vào kỳ họp thứ 4. Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban chỉ đạo tổng kết Nghị quyết 19 của Trung ương về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Sau kỳ họp thứ nhất, Đảng đoàn Quốc hội cũng đã làm việc với Bộ Tài nguyên Môi trường.

Trước đó, trả lời chất vấn tại phiên họp tháng 3/2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Trần Hồng Hà cho biết đang tích cực hoàn thiện dự án Luật đất đai (sửa đổi), thực hiện các thủ tục, trình tự xây dựng dự án luật theo đúng quy định để trình Quốc hội sau khi Ban Chấp hành trung ương xem xét, quyết định những chủ trương lớn cần tiếp tục đổi mới trong quá trình tổng kết nghị quyết 19.

Dự án Luật Đất đai (sửa đổi) quy định về quy hoạch quản lý, sử dụng không gian ngầm và trên không; vấn đề sử dụng đa mục đích; xây dựng hệ thống thông tin đất đai theo mô hình tập trung, thống nhất, kết nối, chia sẻ dữ liệu. Dự luật cũng quy định rõ các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất, sử dụng đất có yếu tố tín ngưỡng, tâm linh; kiểm soát chặt chẽ và công khai trong thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư...

 

Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Chính phủ trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng sau đó, Chính phủ liên tục đề nghị lùi.