Luật Đất đai sửa đổi: Thời gian ban hành bảng giá đất lần đầu khi nào?

Nhật Di 15:52 | 23/01/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025 đã bỏ khung giá đất và quy định bảng giá đất được xây dựng hằng năm.

  

Bảng giá đất lần đầu được áp dụng từ ngày 1/1/2026

Luật quy định UBND cấp tỉnh xây dựng, trình HĐND cùng cấp quyết định Bảng giá đất lần đầu để công bố và áp dụng từ 1/1/2026. Hằng năm, UBND cấp tỉnh phải trình HĐND cùng cấp quyết định điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất để công bố và áp dụng từ 1/1 của năm tiếp theo. Trường hợp Bảng giá đất cần thiết phải điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung trong năm, UBND cấp tỉnh có trách nhiệm trình HĐND cấp tỉnh quyết định.

Cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp tỉnh có trách nhiệm giúp UBND xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất. Trong quá trình thực hiện, cơ quan này được thuê tổ chức tư vấn xác định giá đất để xây dựng, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung bảng giá đất.

 Bảng giá đất lần đầu được áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết một số đại biểu đề nghị quy định bảng giá đất 5 năm một lần như luật hiện hành và hàng năm biến động thì điều chỉnh hệ số K. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng  Luật Đất đai năm 2013 quy định bảng giá đất được xác định 5 năm một lần và phải điều chỉnh, bổ sung đối với trường hợp có biến động về giá đất thị trường. Song thực tế rất ít trường hợp điều chỉnh bảng giá đất trong quá trình áp dụng dẫn đến bảng giá không phản ánh đúng giá đất thực tế trên thị trường.

"Luật quy định ban hành bảng giá đất hằng năm để bảo đảm bám sát diễn biến thực tế thị trường và mở rộng phạm vi áp dụng bảng giá đất", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nói.

Theo đó, Điều 159 Luật Đất đai sửa đổi quy định Bảng giá đất. Theo đó, Bảng giá đất được áp dụng cho các trường hợp:

 Tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất ở của hộ gia đình, cá nhân; chuyển mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân; Tính tiền thuê đất khi Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm, trừ trường hợp cho thuê đất thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; Tính thuế sử dụng đất.

Tính thuế thu nhập từ chuyển quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân; Tính lệ phí trong quản lý, sử dụng đất đai; Tính tiền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; Tính tiền bồi thường cho Nhà nước khi gây thiệt hại trong quản lý, sử dụng đất đai; Làm căn cứ tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất khi công nhận quyền sử dụng đất có thu tiền sử dụng đất, đất thuê trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với hộ gia đình, cá nhân.

Tính giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp thửa đất, khu đất đã được đầu tư hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch chi tiết xây dựng; Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân; Tính tiền sử dụng đất đối với trường hợp bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước cho người đang thuê.

Theo quy định Luật Đất đai sửa đổi, Bảng giá đất được xây dựng theo khu vực, vị trí. Đối với khu vực có bản đồ địa chính số và cơ sở dữ liệu giá đất thì xây dựng bảng giá đất đến từng thửa đất trên cơ sở vùng giá trị, thửa đất chuẩn.

Bốn phương pháp định giá đất

Tại khoản 5 Điều 158  Luật Đất đai quy định 4 phương pháp định giá đất, gồm: Phương pháp so sánh, phương pháp thu nhập, phương pháp thặng dư, phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất.

Theo đó, phương pháp so sánh được thực hiện bằng cách điều chỉnh mức giá của các thửa đất có cùng mục đích sử dụng đất, tương đồng nhất định về các yếu tố có ảnh hưởng đến giá đất đã chuyển nhượng trên thị trường, đã trúng đấu giá quyền sử dụng đất mà người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quyết định trúng đấu giá thông qua việc phân tích, so sánh các yếu tố ảnh hưởng đến giá đất sau khi đã loại trừ giá trị tài sản gắn liền với đất (nếu có) để xác định giá của thửa đất cần định giá.

Phương pháp thu nhập được thực hiện bằng cách lấy thu nhập ròng bình quân năm trên một diện tích đất chia cho lãi suất tiền gửi tiết kiệm bình quân của loại tiền gửi bằng tiền Việt Nam kỳ hạn 12 tháng tại các ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết trên địa bàn cấp tỉnh của 03 năm liền kề tính đến hết quý gần nhất có số liệu trước thời điểm định giá.

Phương pháp thặng dư được thực hiện bằng cách lấy tổng doanh thu phát triển ước tính trừ đi tổng chi phí phát triển ước tính của thửa đất, khu đất trên cơ sở sử dụng đất có hiệu quả cao nhất (hệ số sử dụng đất, mật độ xây dựng, số tầng cao tối đa của công trình) theo quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Phương pháp hệ số điều chỉnh giá đất được thực hiện bằng cách lấy giá đất trong bảng giá đất nhân với hệ số điều chỉnh giá đất. Hệ số điều chỉnh giá đất được xác định thông qua việc so sánh giá đất trong bảng giá đất với giá đất thị trường.

Cùng với đó, Chính phủ quy định phương pháp định giá đất khác chưa được quy định tại khoản này sau khi được sự đồng ý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

 

Khẩn trương đưa Luật Đất đai vào cuộc sống

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo một số bộ, ngành hữu quan về kế hoạch triển khai thực hiện Luật Đất đai sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ 5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, đất đai, quản lý đất đai là lĩnh vực lớn, quan trọng, phức tạp, liên quan đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, an ninh - quốc phòng và là mối quan tâm của từng người dân...

Luật Đất đai sửa đổi được thông qua sẽ góp phần giải quyết nhiều tồn tại, vướng mắc hiện nay về quản lý đất đai; đồng thời góp phần kiến tạo cho sự phát triển sắp tới với tư duy, quan điểm mới và đột phá.

"Chính vì vậy, sau khi Luật Đất đai sửa đổi được thông qua, vấn đề tiếp theo là làm sao để triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách trong Luật vào cuộc sống, đưa đất đai thực sự là nguồn lực quan trọng, đẩy mạnh thương mại hóa đất đai, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an ninh - quốc phòng…", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu đưa Luật Đất đai sửa đổi vào cuộc sống cần trên tinh thần số lượng nghị định phải ít nhất; triển khai, áp dụng luật khoa học, chặt chẽ.