Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính trước 15/6 trình giải pháp khả thi xử lý dứt điểm tồn tại trên thị trường TPDN

Diên Vỹ 14:34 | 12/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại Nghị quyết số 88/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi đến hạn trong năm 2023....

 

Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính theo dõi sát tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức phát hành có khối lượng phát hành lớn và gặp khó khăn trong nghĩa vụ thanh toán gốc, lãi đến hạn trong năm 2023. Từ đó, hoàn thiện báo cáo về tình hình thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2022 - 2023, cùng với đề xuất các giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để xử lý dứt điểm các vấn đề tồn tại, hạn chế hiện nay, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15/6 tới đây.

Cũng liên quan đến vấn đề giải pháp tháo gỡ khó khăn dòng vốn cho nền kinh tế, Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương trong điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất huy động và cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. 

Cùng đó, có các giải pháp mạnh mẽ, cụ thể để thúc đẩy khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế, hướng nguồn vốn tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Rà soát gói tín dụng 40 nghìn tỷ đồng và 120 nghìn tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn.

Theo dữ liệu của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính từ đầu năm đến ngày 1/6, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp được ghi nhận là 34.258 tỷ đồng, với 7 đợt phát hành công chúng trị giá 5.521 tỷ đồng (chiếm 16% tổng giá trị phát hành) và 19 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 28.737 tỷ đồng (chiếm 84% tổng số).

Xét theo nhóm ngành, bất động sản là nhóm ngành có giá trị phát hành lớn nhất với tỷ trọng 56,7% trong tổng giá trị phát hành. Đứng sau lần lượt là nhóm ngành hàng tiêu dùng với 30,2%,  ngành nguyên vật liệu với 7,6%.

Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp đã thực hiện mua lại 22.789 tỷ đồng trái phiếu trước hạn. Riêng trong tháng 5, quy mô mua lại trái phiếu trước hạn đã tăng 73% so với cùng kỳ năm 2022 và tăng hơn 50% so với giá trị mua lại vào tháng 4.

Trước đó, báo cáo Thủ tướng tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 diễn ra ngày 3/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhận định trong tháng 5, hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục có chuyển biến. Các vấn đề tồn đọng, vướng mắc tiếp tục được tập trung tháo gỡ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản bước đầu chuyển biến tích cực, giải ngân vốn đầu tư công được đẩy nhanh... đã hỗ trợ tích cực, từng bước khơi thông dòng tiền cho doanh nghiệp, nâng cao khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Tại phiên chất vấn ngày 8/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho hay thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập hai tổ công tác do hai đồng chí Phó Thủ tướng làm tổ trưởng, để nghiên cứu, đánh giá những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân, từ đó đưa ra giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường bất động sản. Hai Tổ công tác đã có báo cáo, Chính phủ đang tiếp tục chỉ đạo để tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã ban hành, sửa đổi nhiều Nghị định như Nghị định 08 liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo Phó Thủ tướng, gần đây, tín hiệu của thị trường trái phiếu doanh nghiệp dù còn nhiều khó khăn nhưng việc phát hành, thanh toán bằng tài sản, gia hạn, đáo hạn đã ổn định.