Chính phủ yêu cầu quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường những tháng cuối năm
Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết số 85/NQ-CP về hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương và Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022. Trong đó, việc quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường, tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại; thúc đẩy phát triển thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần phải thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2022.
Nghị quyết nêu rõ, thời gian tới, dự báo kinh tế thế giới phục hồi chậm lại, diễn biến khó lường và gặp nhiều khó khăn; lạm phát tiếp tục ở mức cao ở một số nền kinh tế lớn; xung đột tại Ukraine có thể kéo dài, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục gay gắt; tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng trong 6 tháng cuối năm có thể nghiêm trọng hơn; dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Ở trong nước, nền kinh tế có khả năng phục hồi nhanh hơn; tuy nhiên, khó khăn, thách thức còn rất lớn, nhất là giá xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, áp lực lạm phát gia tăng, chịu nhiều tác động, ảnh hưởng của những biến động bên ngoài do độ mở cao, trong khi sức chống chịu và khả năng thích ứng của nền kinh tế còn hạn chế...
Trước tình hình đó, Chính phủ yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, theo dõi chặt chẽ tình hình, sẵn sàng phương án điều hành chủ động, linh hoạt, sáng tạo ứng phó kịp thời với diễn biến thế giới, trong nước.
Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, nguyên liệu phục vụ sản xuất...) để bảo đảm cân đối cung cầu hàng hóa trong nước.
Nghị quyết nêu rõ: "Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ nâng giá; điều hành giá xăng dầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu có giá ưu đãi hơn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu để bảo đảm sản xuất, nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước, bình ổn giá cả; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền để tạo đồng thuận xã hội".
Bên cạnh đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương thường xuyên đôn đốc, kiểm tra để sớm đưa vào vận hành các dự án trọng điểm trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo; chỉ đạo các doanh nghiệp ngành năng lượng có phương án vận hành hiệu quả, tối ưu công suất nhà máy, góp phần bảo đảm nguồn cung nhiên liệu thiết yếu (xăng, dầu, điện, than...), nhất là bảo đảm cung ứng điện trong thời gian nắng nóng cao điểm năm 2022.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương tập trung chỉ đạo, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu nông sản; bảo đảm nguồn cung lương thực thực phẩm và an ninh lương thực quốc gia trong mọi tình huống.
Thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu
Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương chủ động, tích cực theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, nhất là các mặt hàng thiết yếu (xăng dầu, nguyên liệu phục vụ sản xuất,…) để đảm bảo cân đối cung cầu hàng hóa trong nước.
Kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm theo quy định đối với các hành vi đầu cơ, găm hàng chờ nâng giá.
Điều hành xăng đầu chủ động, kịp thời, hiệu quả; tìm kiếm các nguồn cung xăng dầu có giá ưu đãi hơn; tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất xăng dầu để bảo đảm sản xuất, nguồn cung và dự trữ xăng dầu trong nước, bình ổn giá cả; chú trọng công tác thông tin tuyên truyền để tạo đồng thuận xã hội.
Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể hỗ trợ hiệp hội, doanh nghiệp về thông tin thị trường, xúc tiến xuất khẩu, tận dụng các cam kết trong các hiệp định thương mại tự do để mở rộng, tìm kiếm thị trường mới; tăng cường quản lý nhập khẩu, bảo đảm cán cân thương mại hài hòa, bền vững.
Hiện Bộ Tài chính trình Chính phủ giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi (MFN) với xăng không chì về 10%. Quyết định giảm sắc thuế này thuộc thẩm quyền của Chính phủ.
Dự báo giá xăng có thể tiếp tục ở ngưỡng cao trước những căng thẳng định chính trị, khan hiếm nguồn cung do xung đột Nga - Ukraine, việc đưa ra các biện pháp về thuế để hạ nhiệt giá xăng dầu sẽ giúp giảm áp lực lạm phát ở nửa cuối năm.
Giá xăng bán lẻ trong nước đã qua 18 đợt điều chỉnh từ đầu năm, trong đó 13 lần tăng và 5 lần giảm giá. So với hồi đầu năm, mỗi lít xăng RON 95-III vẫn đắt hơn 5.800 đồng; E5 RON92 là 4.630 đồng; còn dầu diesel vẫn cao hơn gần 8.400 đồng...