Chính sách thích ứng với COVID-19 của Chính phủ đã 'trả lại không gian kinh tế và quyền tự do kinh doanh cho DN'

Dương Thùy 08:51 | 06/12/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam nhận định việc thay đổi thích ứng với dịch đã khôi phục niềm tin của nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, trong đó có việc cam kết vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến thời điểm này đạt gần 27 tỷ USD.

TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam đã có những chia sẻ với người viết về những tín hiệu tích cực của nền kinh tế sau khi Chính phủ triển khai 128/NQ-CP về tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", cũng như những giải pháp để phục hồi tăng trưởng kinh tế thông qua gói hỗ trợ đang được Bộ KH&ĐT xây dựng.

TS. Lê Duy Bình - Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam. (Ảnh: Khoa học & Đời sống)

Ông có đánh giá gì về hiệu quả chuyển biến trong phát triển kinh tế của Việt Nam sau khi chúng ta chuyển từ chiến lược "zero F0" sang thích ứng, linh hoạt sống chung với dịch?

TS. Lê Duy Bình: Có thể thấy sau gần 2 tháng từ khi Nghị quyết 128 được ban hành đã cho thấy sự linh hoạt của Chính phủ trong công tác điều hành. Tư duy chuyển từ zero COVID-19 sang thích ứng phòng chống chủ động COVID-19 là phù hợp trong bối cảnh chung toàn cầu.

Tư duy này tác động trực tiếp tới doanh nghiệp, trả lại quyền tự do kinh doanh, lưu thông hàng hoá, không gian kinh tế cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã; qua đó tạo ra tác động trực tiếp của nền kinh tế, minh chứng rõ nét là một số chỉ số vĩ mô dần được cải thiện.

Doanh nghiệp phục hồi sản xuất nên hai tháng qua hoạt động xuất nhập khẩu tăng mạnh. Năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu dự kiến đạt mức kỷ lục khoảng 600 tỷ USD.

Niềm tin nhà đầu tư trong nước cũng được khẳng định thông qua số doanh nghiệp thành lập mới, quay trở lại tăng cao. Điều này cho chúng ta bài học, không nhất thiết hỗ trợ bằng gói kích thích còn có biện pháp hỗ trợ khác cũng có tác động lớn tới doanh nghiệp, nhà đầu tư, nền kinh tế.

Vậy bên cạnh gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, theo ông chúng ta còn cách thức nào để hỗ trợ nền kinh tế nhanh chóng phục hồi sau đại dịch? Thế giới đang chứng kiến biến chủng mới, Việt Nam có nên đặt ra vấn đề quay lại chiến lược zero Covid-19?

TS. Lê Duy Bình: Tôi cho rằng quan trọng nhất là kiểm soát dịch bệnh - đây là nền tảng phát triển. Đồng thời tiếp tục quan điểm ổn định kinh tế vĩ mô, chấp nhận chi ngân sách, thâm hụt ngân sách ở mức cho phép. Đây là nguyên tắc không thể thoả hiệp. Ngoài ra, cải cách thủ tục hành, rà soát quy định pháp luật, hỗ trợ doanh nghiệp về môi trường kinh doanh.

Liên quan tới những lo ngại về biến chủng Omicron, tôi cho rằng không chỉ biến chủng này mà sau này nếu dịch bệnh vẫn chưa được khống chế hoàn toàn thì có thể còn nhiều biến chủng mới xuất hiện. 

Về y tế, đề cao biện pháp phòng chống dịch, cảnh giác với virus, nghiên cứu tự chủ vắc xin, nâng cao chất lượng của hệ thống chữa trị. Điều này cần duy trì và làm hiệu quả hơn.

Chúng ta có bài học kinh nghiệm trong thời gian vừa qua, bài học này giúp ta phòng chống dịch hiệu quả hơn, để không xảy ra tình trạng giãn cách xã hội quá mức, phong tỏa diện rộng để ảnh hưởng tới quá trình sản xuất kinh doanh.

Dù biến chủng mới, nhưng tôi tin rằng với cách thức phòng chống dịch, quản trị chống dịch mình của tốt hơn thì không lặp lại những tình trạng gặp phải vừa qua.

Trước những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt khi dịch bệnh chưa được kiểm soát, liệu rằng còn cơ hội để chúng ta vượt lên trở thành quốc gia phát triển như kỳ vọng hay không thưa ông?

Dễ thấy nhất là ngay trong tháng 11/2021, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng 44,6% về số lượng và 38% về số vốn đăng ký. Đây là tín hiệu vô cùng tốt để phục hồi kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Năm nay, thu hút FDI cũng đạt kỳ vọng xấp xỉ 30 tỷ USD. Thu hút FDI được đẩy mạnh gắn với chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu, hỗ trợ tốt cho phục hồi kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, lực lượng lao động của Việt Nam trẻ, dồi dào thuận lợi phát triển kinh tế số. Bệnh dịch chất xúc tác để chuyển đổi số Việt Nam diễn ra nhanh, bắt kịp Cách mạng công nghiệp 4.0.

Đồng thời, Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do cũng đảm bảo thị trường ổn định... Với những điều kiện trên, nếu có biện pháp, chính sách đúng, thực hiện hiệu quả thì triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam là rất tốt trong thời gian tới.

Tuy nhiên, chúng ta tuyệt đối không nên chủ quan, gây khó cho mình bằng hành động, chính sách sách tác động tiêu cực tới triển vọng phát triển này. Cơ hội trở thành cường quốc phát triển, hóa rồng, hóa hổ vẫn rất lớn, vấn đề chúng ta sẽ "nắm bắt và biến nó" thành hiện thực.

Việc triển khai gói kích thích cũng có những rủi ro như lạm phát, vốn rẻ chảy vào một số lĩnh vực nóng, không khuyến khích. Theo ông đâu là bài học để chúng ta rút kinh nghiệm từ các gói kích thích như năm 2008?

TS. Lê Duy Bình: Đúng là chúng ta có bài học mới đây thôi là giai đoạn 2008-2010, thời điểm nền kinh tế chịu một khủng hoảng nặng nề, do tác động từ bên ngoài.

Khi đó, chúng ta có gói cứu trợ lớn so với quy mô kinh tế thời điểm đó. Một trong những biện pháp thực hiện là cấp bù lãi suất, điều này tạo ra nhiều méo mó thị trường.

Với gói cấp bù bơm lượng tiền rất lớn ra thị trường, năm 2009-2010, lạm phát có thời điểm lên tới 15-18%, doanh nghiệp phải trả lãi suất vay vốn ngân hàng tới 21-22%, rõ ràng không một doanh nghiệp nào mong muốn.

Như vậy, có thể một số bộ phận doanh nghiệp được hưởng lãi suất cấp bù trong thời gian ngắn nhưng để lại hệ luỵ lớn là rất nhiều doanh nghiệp khác, có cả những doanh nghiệp đang khoẻ mạnh, hay chính những doanh nghiệp đang được hưởng cấp bù lãi suất bị tác động tiêu cực phải vay vốn với lãi suất cao. Đây là hệ luỵ chúng ta đã nhìn thấy, chứ không quá xa.

Bên cạnh đó khi thực hiện chính sách cấp bù lãi suất cho một số nhóm doanh nghiệp vô tình tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với người tiếp cận nguồn vốn này. Để sản xuất kinh doanh, không loại trừ nhiều doanh nghiệp để vay đảo nợ, trả nợ cũ, không đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Thậm chí nhiều trường hợp, doanh nghiệp vay vốn dù không có nhu cầu, người biết cách tiếp cận nguồn vốn hưởng lợi chứ không phải người cần vốn thực sự, vay rồi họ cho vay lại để hưởng chênh lệch. ...

Thêm vào đó, điều này làm phương hại, xói mòn nguyên tắc thương mại, phân bổ nguồn lực, tạo ra quyết định về tín dụng mang tính chất không khách quan dẫn tới, sức khỏe của hệ thống ngân hàng thương mại bị suy yếu. 

Rõ ràng sau đó, dù không hoàn toàn do cấp bù lãi suất nhưng đây là một nguyên nhân khiến một số ngân hàng thời điểm đó rơi vào tình trạng khó khăn về sức khoẻ tài chính.

Điều này là rủi ro phải tính toán đến, bởi cấp bù lãi suất chỉ đem lại lợi ích trước mắt còn tác động lâu dài thì cần phải tính toán đến. Do vậy cần nhắc phương án hỗ trợ cần thiết, nếu không chính doanh nghiệp sẽ phải trả giá nếu rủi ro đó xảy ra.

Đặc biệt, chúng ta cần phải tính đến sử dụng hết nguồn lực, dư địa hiện có, năng lực giải ngân. Nếu làm được điều này, gói kích thích theo tôi chỉ 300-400 nghìn tỷ đồng là vừa. Chúng ta luôn đặt vấn đề tìm kiếm nguồn lực nhưng sử dụng không hiệu quả thì không nên.

Xin cám ơn ông!

Từ khóa: #COVID-19