Chính thức chuyển giao bắt buộc ngân hàng OceanBank và CBBank

Đông Bắc 19:25 | 17/10/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lễ chuyển giao bắt buộc ngân hàng CBBank và OceanBank về với Vietcombank và MB diễn ra chiều 17/10.

  

Tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III diễn ra hôm nay (17/10), ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, lễ chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng yếu kém sẽ diễn ra vào chiều nay.

"Hôm nay sẽ thực hiện chuyển giao 2 ngân hàng. Một ngân hàng nữa sẽ được chuyển giao trong thời gian tới. Một ngân hàng được kiểm soát đặc biệt khác là DongA Bank đang được triển khai lộ trình. Còn SCB thì duy trì ổn định", ông Tú cho biết.

Chia sẻ chi tiết hơn về thông tin 2 ngân hàng được chuyển giao bắt buộc, ông Nguyễn Đức Long, Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát (NHNN) cho biết 2 ngân hàng được dự kiến chuyển giao là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (OceanBank).

 

 Toàn cảnh họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/ 2024. (Ảnh: SBV).

"Trong đó, CBBank sẽ về với Vietcombank, còn OceanBank về với MB", ông Long phát biểu. Ngoài ra, còn 2 ngân hàng khác là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongA Bank) dự kiến sẽ tiếp tục được chuyển giao lần lượt trong thời gian tới.

Phó chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát NHNN cũng cho biết mục tiêu chuyển giao bắt buộc là để các ngân hàng quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế, đảm bảo các quy định về an toàn. "Quyền lợi người gửi tiền đảm bảo trước trong và sau quá trình chuyển giao", ông Long nhấn mạnh tại họp báo.

Đối với DongA Bank và ngân hàng còn lại, NHNN chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao thực hiện và rà soát phương án để trình các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.

Trước đó, tại báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2022, Chính phủ cho biết đã triển khai nhiều biện pháp để xử lý 3 ngân hàng mua lại bắt buộc, tức mua 0 đồng (CBBank, OceanBank, GPBank) và ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt (DongA Bank). Kiểm soát đặc biệt là biện pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng đó và hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung.

Các biện pháp được đưa ra gồm tìm kiếm đối tác, đàm phán với các nhà đầu tư có nguyện vọng tham gia cơ cấu lại ngân hàng, đồng thời sắp xếp lại mạng lưới hoạt động, tiết giảm chi phí, triển khai các hoạt động kinh doanh an toàn...

Trong đó, CBBank và OceanBank đã có phương án xử lý. Với SCB, NHNN nêu đang triển khai các trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật về đánh giá tổng thể thực trạng và chủ trương cơ cấu lại để có cơ sở xây dựng phương án cơ cấu lại ngân hàng này, báo cáo cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Tăng trưởng tín dụng 9 tháng năm 2024 đạt 9%

Cũng tại họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/ 2024, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú đánh giá bối cảnh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng (TCTD) không đồng đều, có TCTD tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo.

Cuối tháng 8, NHNN đã thông báo mức tăng trưởng tín dụng tăng thêm cho các TCTD đảm bảo công khai, minh bạch. Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của TCTD.

Theo số liệu từ NHNN, tín dụng toàn hệ thống đến nay tăng khoảng 9% so với cuối năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng cuối tháng 9. Với thanh khoản tốt và còn nhiều dư địa tăng trưởng tín dụng, các TCTD hiện có điều kiện thuận lợi để cung ứng vốn cho vay đối với nền kinh tế.

"Tăng trưởng tín dụng đến nay khoảng 9%, so với cùng kỳ tăng hơn 16%. Huy động tăng trưởng 5,28% so với đầu năm, thấp hơn mức tăng trưởng tín dụng. Huy động của nền kinh tế khoảng 14,5 triệu tỷ, cho vay khoảng 14,7 triệu tỷ", Phó Thống đốc Đào Minh Tú chia sẻ.

Giải thích kỹ hơn về phần chênh lệch giữa huy động và tín dụng, ông Đào Minh Tú cho biết con số trên cho thấy rằng các ngân hàng huy động được bao nhiêu thì đều đã rót vào nền kinh tế và phần chênh lệch làphần thanh khoản từ vốn điều lệ của các ngân hàng thương mại.

Tăng trưởng tín dụng cũng tập trung vào một số lĩnh vực trọng điểm, lĩnh vực nông nghiệp nông thôn tăng 4,64%, lĩnh vực doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng hơn 25%; lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ tăng 18,6%,... (tính đến cuối tháng 8).

Về giảm lãi suất điều hành, ông Tú cho biết trong thời gian tới NHNN sẽ có quan điểm điều hành chính sách tiền tệ cởi mở hơn cho vấn đề tăng trưởng hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp trong bối cảnh nền kinh tế đang phục hồi.

Cụ thể, NHNN đảm bảo thanh khoản, đảm bảo vốn cho các ngân hàng thương mại, điều hành lãi suất ổn định. NHNN tiếp tục để ngỏ câu chuyện quan điểm về điều hành lãi suất là tiếp tục duy trì hay giảm lãi suất điều hành nhằm hỗ trợ cung ứng vốn cho nền kinh tế, không phải chỉ trong ngắn hạn mà trong trung hạn, dài hạn

Về điều hành tỷ giá, NHNN cho biết sẽ điều hành tỷ giá  linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ. NHNN sẽ đáp ứng hết nhu cầu ngoại tệ, kể cả với những nhà đầu tư nước ngoài.