Cho vay kinh doanh BĐS nửa đầu 2023 tăng mạnh hơn năm ngoái, tỷ lệ nợ xấu BĐS cũng nhích lên

Diên Vỹ 11:07 | 30/08/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo số liệu từ NHNN được trích dẫn trong báo cáo của VDSC, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng 17,41% so với thời điểm đầu năm, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Theo đó, quy mô dư nợ tín dụng bất động sản ước tăng 120 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm, tương đương 20% tổng quy mô tín dụng tăng thêm của toàn nền kinh tế.

 

Tín dụng vào nông nghiệp, công nghiệp tăng khá thấp, tín dụng cho kinh doanh BĐS tăng 17,4%

Tính đến ngày 30/06/2023, tăng trưởng tín dụng đạt 4,73% so với đầu năm. Tuy nhiên, theo cập nhật của NHNN, tín dụng tính đến cuối tháng 7/2023 chỉ đạt 4,56%, đồng nghĩa với việc tín dụng tăng trưởng âm trong tháng 7. Như vậy, tăng trưởng tín dụng 7 tháng năm 2023 chỉ đạt 9,0% so với cùng kỳ, mức thấp kỷ lục từ trước đến nay. 

Xét về nhóm ngành, lĩnh vực thương mại ghi nhận mức tăng cao nhất (+12,5% svck, quy mô tín dụng tăng 196 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023). Tiếp đến là tín dụng vào lĩnh vực khác (+11,3% svck, quy mô tăng thêm là 170 nghìn tỷ đồng), lĩnh vực xây dựng (+11,8% svck, quy mô tăng thêm là 61 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực còn lại khá thấp, tín dụng vào lĩnh vực vận tải, nông nghiệp và công nghiệp lần lượt tăng 6,1%, 2,9% và 2,7% svck. 

Đáng chú ý, dư nợ kinh doanh bất động sản trong 6 tháng đầu năm đã tăng trưởng 17,41% so với thời điểm đầu năm, vượt tốc độ tăng trưởng của cả năm 2022 (10,73%). Trái lại, dư nợ tiêu dùng, tự sử dụng bất động sản giảm 1,12%. Theo đó, quy mô dư nợ tín dụng bất động sản ước tăng 120 nghìn tỷ đồng trong nửa đầu năm, tương đương 20% tổng quy mô tín dụng tăng thêm của toàn nền kinh tế.

VDSC: NHNN đi dây giữa hỗ trợ và kiểm soát an toàn hệ thống

Theo Phó Thống đốc NHNN, tín dụng sẽ khó tăng trưởng nếu không tạo điều kiện. Tuy nhiên, nếu nới lỏng điều kiện tín dụng thì sẽ dẫn đến nợ xấu. Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định trong báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất rằng thách thức đặt ra đối với NHNN là vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng vừa đảm bảo chất lượng tín dụng, là một điều khó cân đối trong bối cảnh chính sách tiền tệ không độc lập. 

Tính đến cuối tháng 6/2023, gói hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được 590 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,5% tổng quy mô) trên quy mô dư nợ là 56 nghìn tỷ đồng cho khoảng 2.100 khách hàng. Đến cuối tháng 7/2023, tổng số dư nợ gốc và lãi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ tăng mạnh so với kết quả ghi nhận vào cuối tháng 6, đạt 96 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,77% tổng dư nợ nền kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu của lĩnh vực bất động sản có xu hướng tăng so với cuối năm trước, tại thời điểm tháng 6/2023 là 2,47% (~63 nghìn tỷ đồng hay 0,5% tổng dư nợ nền kinh tế). 

Trong một diễn biến liên quan, NHNN đã ban hành thông tư 10 ngay trước thời điểm thông tư 06 có hiệu lực. Nhóm phân tích nhận định có thể xem là một giải pháp tình thế khi khó khăn của thị trường bất động sản kéo dài và nguồn cung ứng vốn chính cho thị trường này lại trở về kênh tín dụng. 

“Việc ngưng hiệu lực thi hành một số quy định được xem là “siết” hoạt động cho vay, kinh doanh bất động sản cho thấy hệ thống (gồm cả bên cho vay và đi vay) vẫn chưa sẵn sàng để nâng cấp. Trước mắt, thông tư 10 sẽ giúp giảm bớt rủi ro thanh khoản tuy nhiên việc vận hành theo phương thức cũ sẽ dẫn đến gia tăng rủi ro nợ xấu, nhất là trong bối cảnh thị trường bất động sản phục hồi chậm và yếu”, chuyên gia VDSC nhận định.

 

Thanh khoản hệ thống dư thừa

Cũng tại báo cáo thị trường tiền tệ mới nhất, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) chỉ ra rằng lãi suất liên ngân hàng duy trì ở vùng thấp trong tháng qua, biến động trong biên độ rất hẹp từ 0,17-0,22%/năm trong suốt một tháng. 

Tại ngày 24/08/2023, lãi suất cho vay qua đêm là 0,17%/năm, giảm 0,02 điểm % so với cuối tháng 7/2023. So với cuối tháng 7, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1-2 tuần cũng giảm từ 8-22 điểm cơ bản về lần lượt 0,43%/năm và 0,48%/năm. Lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng tiếp tục giảm thêm 44 điểm cơ bản về còn 1,69%/năm. Tương tự tháng trước, lãi suất các kỳ hạn dài hơn (3-6 tháng) dù tiếp tục giảm trong tháng qua vẫn cao hơn so với thời điểm Covid-19. Lãi suất trên ngân hàng thấp cũng gắn với việc NHNN không tham gia bơm/hút ròng trên thị trường mở trong tháng 8. 

Dựa trên nền tảng diễn biến lãi suất liên ngân hàng hiện tại vẫn sát với kỳ vọng, nhóm chuyên gia VDSC giữ nguyên quan điểm lãi suất cho vay trên thị trường liên ngân hàng sẽ tăng trở lại vào cuối quý III - đầu quý IV năm nay, trùng với thời điểm nhu cầu vốn khởi sắc trở lại cho mùa cao điểm cuối năm.