Chu kỳ kinh doanh mới đã và đang bắt đầu?

Giang/V.B 14:14 | 06/06/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Đồng Chủ tịch Ted Pick của Morgan Stanley cho rằng kỷ nguyên lãi suất thấp và nợ doanh nghiệp giá rẻ kéo dài 15 năm trên thị trường toàn cầu đã đến hồi kết. Giai đoạn chuyển tiếp tới thời đại mới có thể kéo dài tới 24 tháng, sau đó chu kỳ kinh doanh mới sẽ bắt đầu.

 

Ông Ted Pick, đồng Chủ tịch Morgan Stanley, cho biết thị trường toàn cầu đang bắt đầu diễn ra một cuộc chuyển đổi lớn sau 15 năm được hưởng lợi từ môi trường lãi suất thấp và nợ doanh nghiệp giá rẻ. Ông Pick nói thêm rằng có thể mất "12, 18 hoặc 24 tháng" để cuộc chuyển đổi diễn ra. 

Tại hội thảo tài chính tổ chức ở New York tuần vừa rồi, ông Pick phát biểu: “Đây là thời khắc hiếm có, thế giới có đại dịch đầu tiên trong 100 năm. Châu Âu có xung đột quân sự giữa hai quốc gia đầu tiên trong 75 năm.

Và lần đầu tiên trong 40 năm, lạm phát xuất hiện trên quy mô toàn cầu. Khi nhìn vào sự kết hợp giữa các yếu tố dịch bệnh, chiến sự, lạm phát, chúng báo hiệu một sự thay đổi mô hình, đặt dấu chấm hết cho 15 năm áp chế tài chính và mở ra một kỷ nguyên mới".

Các nhà lãnh đạo hàng đầu Phố Wall góp mặt tại những hội thảo tài chính tuần qua đều đưa ra cảnh báo tăm tối về nền kinh tế. Tiêu biểu nhất, CEO Jamie Dimon của JPMorgan nói rằng “cơn bão kinh tế đang ở ngay ngoài kia, trên đường tiến tới chỗ chúng ta”.

Ông John Waldron, Chủ tịch Goldman Sachs cũng có quan điểm tương tự, khi chỉ ra rằng chưa bao giờ nền kinh tế Mỹ phải trải qua “những cú sốc chồng chéo...” như hiện nay. Ông Bill Demchak, CEO PNC Financial Services Group, còn nói thẳng rằng suy thoái là điều không thể tránh khỏi.

Ông Pick, người đứng đầu bộ phận ngân hàng và giao dịch của Morgan Stanley, không chỉ phát đi cảnh báo mà còn đưa ra một số bối cảnh lịch sử cũng như dự đoán về giai đoạn hỗn loạn sắp tới. 

Lửa và băng

Ông Pick nhận định thị trường chứng khoán sẽ bị thống trị bởi hai yếu tố là lo ngại về lạm phát – “lửa” và về suy thoái – “băng”. Ông nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ có những giai đoạn nóng như lửa và những giai đoạn khác thì lạnh giá như băng tuyết. Nhà đầu tư sẽ phải tìm cách xoay xở trong môi trường này”.

Đối với các ngân hàng Phố Wall, một số ngành kinh doanh sẽ bùng nổ, số khác sẽ trì trệ. Sự khó lường của giai đoạn kế tiếp còn làm suy yếu hoạt động mua bán và sáp nhập, bởi doanh nghiệp đang phải dò đoán các ẩn số mới.

Ông Ted Pick, đồng Chủ tịch Morgan Stanley, đang được coi là ứng viên hàng đầu để kế nhiệm CEO James Gorman. (Ảnh: Morgan Stanley). 

 

Ông Pick cho rằng trong ngắn hạn, nếu tăng trưởng được giữ vững và lạm phát dịu đi trong nửa cuối năm, nền kinh tế sẽ ở trong trạng thái lý tưởng, không quá lạnh cũng không quá nóng. Nhờ vậy, thị trường chứng khoán sẽ được củng cố.

Nhưng trò kéo - đẩy giữa lo ngại về lạm phát và suy thoái sẽ không kết thúc nhanh chóng. Trong lúc phát biểu, ông Pick vài lần gọi giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính năm 2008 là khoảng thời gian “áp chế tài chính".

Áp chế tài chính là một giả thuyết cho rằng các nhà hoạch định chính sách đã duy trì lãi suất thấp nhằm cung cấp vốn vay giá rẻ cho doanh nghiệp và nhà nước.

“15 năm áp chế tài chính không thể chuyển sang thời kỳ mới chỉ trong vòng 3 hoặc 6 tháng. Chúng ta sẽ còn phải nói về chủ đề này trong 12, 18, hoặc 24 tháng tới”, đồng Chủ tịch Morgan Stanley nói.

Thấp hơn 0

Trụ cột của thời kỳ trước là lãi suất thấp hay thậm chí là âm, cùng các biện pháp nhằm rót tiền vào hệ thống tài chính như chương trình mua trái phiếu (tức nới lỏng định lượng). Các chính sách này có thể gây hại cho người gửi tiết kiệm và khuyến khích vay mượn tràn lan, tờ CNBC cho hay.

Các ngân hàng trung ương đã buộc giới đầu tư phải liều lĩnh hơn để kiếm lợi nhuận. Nhiều doanh nghiệp không sinh lời thoát khỏi cảnh phá sản nhờ tiếp cận được với nợ giá rẻ. Hàng nghìn startup mọc lên trong những năm qua với nhiệm vụ đốt tiền, tăng trưởng bằng mọi giá. 

Nhưng những ngày này đã lùi vào dĩ vãng khi các ngân hàng trung ương ưu tiên cho cuộc chiến chống lạm phát. Lập trường chính sách mới của các ngân hàng trung ương sẽ ảnh hưởng tới mọi người, từ người lao động cho đến các startup Thung lũng Silicon.

Giới đầu tư mạo hiểm đã bắt đầu chỉ đạo startup phải dự trữ tiền mặt và nhắm đến khả năng sinh lời thực sự. Lãi suất trên nhiều tài khoản tiết kiệm trực tuyến ở Mỹ đã nhích gần lên mức 1%.

Bài học gì từ năm 2018?

Lần cuối cùng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cố gắng thắt chặt định lượng vào năm 2018, những chuyện lạ đã xảy ra trên thị trường chứng khoán, ngoại hối và dầu mỏ. Sau chưa đầy một năm, Fed đã phải ngừng chiến dịch thắt chặt định lượng do tăng trưởng giảm tốc.

Hiện tại, một số nhà quan sát lo ngại rằng các sự kiện "thiên nga đen" sẽ xảy ra trong lúc hệ thống tài chính điều chỉnh. Một nhà quản lý quỹ đầu cơ từng cảnh báo “bong bóng tín dụng lớn nhất trong lịch sử nhân loại” có thể đổ vỡ.

CEO Jamie Dimon của JPMorgan thận trọng nói rằng “trong kịch bản nhẹ nhàng nhất, thị trường vẫn sẽ biến động cực kỳ lớn" vì các ngân hàng trung ương - "khách sộp" trên thị trường trái phiếu chính phủ, không còn năng lực hay mong muốn can thiệp vào thị trường.

Song, ông Pick cũng nói rằng một chu kỳ kinh doanh mới sẽ nổi lên từ đống tro tàn của giai đoạn chuyển tiếp. Ông mường tượng: “Đến một lúc nào đó, sự thay đổi mô hình sẽ mang tới một chu kỳ mới".