Chủ tịch Địa ốc First Real mua 1,6 triệu cổ phiếu FIR
Cụ thể, theo văn bản thông báo giao dịch cổ phiếu của người nội bộ gửi lên HOSE, ông Nguyễn Anh Tuấn đăng ký mua 1.587.200 cổ phiếu FIR, mục đích mua theo phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:1. Giá trị giao dịch tính theo mệnh giá dự kiến khoảng 15,87 tỷ đồng.
Trước giao dịch, ông Tuấn nắm giữ 3.174.400 cổ phiếu FIR, tương đương tỷ lệ sở hữu 11,74%. Sau khi giao dịch mua hoàn tất, ông Tuấn sẽ nâng số cổ phiếu FIR nắm giữ lên 5.237.727 đơn vị, trong đó có 476.127 đơn vị từ việc nhận cổ tức bằng cổ phiếu. Tỷ lệ sở hữu sau giao dịch vẫn giữ nguyên là 11,74% do đây là phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Trên thị trường chứng khoán, chốt phiên 8/6, giá cổ phiếu FIR giao dịch ở 42.100 đồng/ cổ phiếu, tăng hơn 52% từ đầu năm đến nay, vẫn trong làn sóng tăng mạnh từ đầu năm.
Doanh thu và lợi nhuận cải thiện nhưng dòng tiền kinh doanh âm
Về kết quả kinh doanh, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 (năm tài chính của FIR bắt đầu từ ngày 1/10 và kết thúc vào 30/9 của năm sau), FIR báo cáo doanh thu thuần từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 94,78 tỷ đồng, tăng mạnh 220% so với mức thực hiện 29,56 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Lợi nhuận sau thuế của công ty mẹ đạt 30,39 tỷ đồng.
Về tình hình tài chính, trong quý kết thúc tại ngày 31/3/2022, FIR ghi nhận tổng tài sản 883,84 tỷ đồng, tăng 30% so với thời điểm kết thúc quý liền trước (682,57 tỷ đồng). Trong đó, tài sản ngắn hạn là 755,23 tỷ đồng, tài sản dài hạn là 128,61 tỷ đồng.
Đáng chú ý, trong tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền đến hết ngày 31/3/2022 là 10,18 tỷ đồng, tức chỉ chiếm hơn 1%. Còn lại, các khoản phải thu ngắn hạn lên tới 432,85 tỷ đồng và hàng tồn kho là 301,65 tỷ đồng.
Cũng tính đến cuối kỳ, nợ phải trả doanh nghiệp là 421,56 tỷ đồng, tăng 68% so với mức cuối năm 2021 là 250,68 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn chiếm tới 89,8%, tương đương 378,5 tỷ đồng, còn lại là nợ dài hạn.
Mặc dù hệ số thanh toán hiện hành (Tài sản ngắn hạn trên Nợ ngắn hạn) khoảng 2 lần nhưng hệ số thanh toán tức thời (Tiền và các khoản tương đương tiền trên Nợ ngắn hạn) khá thấp, chỉ khoảng 0,027 lần.
Sở dĩ hệ số thanh toán tức thời của FIR khá thấp là do tiền và các khoản tương đương tiền trong kỳ 6 tháng tính đến hết ngày 31/3/2022 chỉ đạt 10,18 tỷ đồng, mặc dù con số này đã tăng từ mức 6,96 tỷ đồng vào đầu kỳ, số liệu từ báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của FIR.
Cụ thể, theo báo cáo lưu chuyển tiền tệ trong kỳ 6 tháng kết thúc tại ngày 31/3/2022, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ của FIR đã giảm xuống -96,29 tỷ từ mức -8,9 tỷ cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu do biến động hàng tồn kho (-211,17 tỷ đồng). Cùng đó, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư trong kỳ cũng ghi nhận -7,76 tỷ đồng.
Bù lại, lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính đạt 107,27 tỷ đồng, chủ yếu nhờ tiền thu từ đi vay đạt 149,9 tỷ đồng; dẫn đến lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 3,22 tỷ đồng. Nhờ đó, tiền và tương đương tiền của FIR tính đến hết ngày 31/3/2022 đạt 10,18 tỷ đồng.