Chủ tịch nước gửi thư tới gia đình `người hùng` từ thiện mất vì COVID-19

15:57 | 29/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 28/8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc có thư gửi chị Nguyễn Thị Tuyết Lan vợ anh Vũ Quốc Cường, người tích cực hoạt động thiện nguyện, đã qua đời vì nhiễm virus SARS- CoV-2.


Nội dung thư của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc:

"Chị Tuyết Lan thân mến,

Tôi rất buồn khi biết tin anh Vũ Quốc Cường đã qua đời vì nhiễm virus SARS-CoV-2 vào ngày 22/8/2021.

Những việc làm thiện nguyện cao đẹp của anh Cường như những bông hoa sen sẽ tiếp tục tỏa hương thơm, nhắc nhở và khơi dậy hơn nữa những trái tim nhân ái, những lẽ sống cao đẹp, cống hiến vì cộng đồng và xã hội.

Với lẽ đó, tôi mong chị cùng với các cháu và gia đình ta lúc này hãy mạnh mẽ như cách sống, niềm tin và tinh thần thiện nguyện của anh Vũ Quốc Cường. Xin nén đau thương và hãy tự hào về người chồng, người cha, người con, người bạn của mình.

Sự ra đi của anh Cường không chỉ là lời nhắc nhở về mức độ nguy hiểm của dịch bệnh, hình ảnh kiên cường, tận tâm của anh với cộng đồng trong lúc khó khăn, mà còn là niềm tự hào của tất cả chúng ta về sự quả cảm và những tấm lòng nhân ái, thiện nguyện trong xã hội, sẵn sàng phụng sự, dấn thân vì cộng đồng, về tinh thần một Việt Nam. Và tôi càng thêm xúc động khi một cháu là con của anh, chị cũng đang tham gia tuyến đầu chống dịch.

Chủ tịch nước đã chỉ đạo các cơ quan chức năng sớm trình, đề xuất tôn vinh tấm gương hy sinh, cống hiến của anh Vũ Quốc Cường. Qua đây, Chủ tịch nước cũng yêu cầu các cơ quan nhà nước các cấp kịp thời phát hiện, tuyên dương và nhân rộng những tấm gương sáng, sẵn sàng xả thân, hy sinh quên mình vì cộng đồng, những trái tim thiện nguyện đôi khi không ồn ào mà lặng lẽ đóng góp cho xã hội tốt đẹp hơn. Những con người bình dị nhưng phi thường đó, tôi tin rằng họ đã sống và làm theo tấm gương của cha ông mình, những người anh hùng vệ quốc thời chiến.

Trân trọng!

Nguyễn Xuân Phúc"

Chủ tịch nước gửi thư tới gia đình `người hùng` từ thiện mất vì COVID-19 - ảnh 1

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cơ quan chức năng sớm trình, đề xuất tôn vinh tấm gương hy sinh, cống hiến của anh Vũ Quốc Cường

Bao nhiêu tài sản dồn hết vào thiện nguyện

Nhiều năm qua, Cường”béo” (tên thật là Vũ Quốc Cường, sinh năm 1975, ngụ phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM) có tiếng thơm bay xa khi mở 2 quán cơm chay xã hội.

Mục đích của anh là hỗ trợ người nghèo. Tuy chỉ nằm trong hẻm nhỏ, thế nhưng quán cơm này luôn là địa chỉ thân thuộc của hàng ngàn người nghèo tại TP.HCM khiến nhiều người biết đến cái tên Cường “béo”.

Khi còn sống, anh Cường nổi tiếng là người có đam mê làm từ thiện. Anh mở quán cơm chay xã hội để giúp người nghèo.

Chủ tịch nước gửi thư tới gia đình `người hùng` từ thiện mất vì COVID-19 - ảnh 2

Khi còn sống, anh Vũ Quốc Cường mở quán cơm chay miễn phí để giúp người nghèo.

Không ít người có cảm giác nhờ những người có tấm lòng như anh mà được truyền thêm cảm hứng về lối sống đẹp, sống có ích. Anh là tấm gương sáng luôn sống hết lòng với cộng đồng. 

Khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, anh và bạn bè tiếp tục thành lập bếp cơm từ thiện để nấu cơm cho những người tuyến đầu chống dịch. 

Tuy nhiên, sau 2 tháng, do thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện giúp dân nơi tâm dịch nên anh cũng bị nhiễm virus Sars CoV-2 vào hôm 16/8. Sau đó, cả gia đình anh gồm vợ và một số người thân cũng có kết quả dương tính.

Hôm 17/8, anh được đưa vào khu cách ly tập trung để điều trị và mất vào ngày 22/8.

Một điều khiến nhiều người quan tâm quặn thắt ấy là cả gia đình anh lần lượt nhiễm Covid-19. Khi Cường mất thì cũng là lúc vợ anh còn nằm viện. Chị vừa có kết quả âm tính và trở về nhà chịu tang chồng. Nỗi đau lại nhân đôi khi gian nhà gần 20m2 mà vợ chồng anh đang thuê để sống lại nằm trong diện phong tỏa bởi F0.

Vợ anh vì thế phải sang nhà người thân ở nhờ và sẽ nhận hộp tro của người quá cố cũng từ nơi đây.

Theo báo VietNamNet, đến khi phải nhập viện (do neo người không thể làm cơm từ thiện như trước mà chuyển sang làm bánh mì), anh Cường vẫn gọi điện, nhờ bạn bè trong nhóm đem số bánh mì còn lại đi gửi tặng cho các bác sĩ và nhân viên y tế…  

Lúc nào anh cũng chỉ nghĩ cho người khác, còn mình thì cứ dung dị như vậy. Anh ra đi mà không để lại chút tiết kiệm nào vì có bao nhiêu kiếm được cũng bỏ ra hết cứu giúp mọi người nghèo khó.

Chị Nguyễn Thị Tuyết Lan, vợ anh Cường cho biết: “Hiện nay, gia đình chúng tôi ly tán. Mẹ và chồng đều mất vì dịch bệnh. Các con tôi vẫn đang cách ly mỗi đứa mỗi nơi. Chỉ có một đứa đang học Đại học Y và tham gia tuyến đầu chống dịch là còn chạy đi chạy về lo việc nhà. Tôi vừa xuất viện, đến ở nhờ nhà người em để đợi nhận tro cốt chồng. Căn nhà thuê ở quận 1 vẫn đang bị phong tỏa”.

 “Anh Cường ra đi không để lại tài sản gì vì có bao nhiêu đã dồn hết vào việc thiện nguyện. Có chăng, anh chỉ để lại nhân đức và tấm lòng vì cộng đồng”, chị Tuyết Lan nói thêm.

Một chi tiết thật đáng trân quý ở chị Tuyết Lan, đó là chưa khi nào chị trách chồng một lời khi anh chỉ nghĩ đến mọi người mà không lo tích luỹ cho vợ con, đến mái nhà riêng cũng chưa thể có nổi. Và giờ đây, khi anh ra đi, chị vẫn mong mỏi rằng, các con sẽ giữ mãi nhiệt huyết sống vì mọi người như người cha của mình.

 Theo thông tin từ Sở Y tế TP.HCM, sau hơn hai tuần từ lúc PGS.TS Nguyễn Trường Sơn- Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế tại TP.HCM có thư ngỏ kêu gọi chung tay cùng nhau hỗ trợ TP.HCM trong công tác chống dịch, hiện đã có 7322 lượt tình nguyện viên tham gia đăng ký trong đó có 6127 tình nguyện viên hiện đang sinh sống tại TP.HCM và gần 1200 tình nguyện viên ở các địa phương khác.

Về thành phần các tình nguyện viên, BSCKII Nguyễn Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, trong số hơn 7300 tình nguyện viên đăng ký có 1431 người có chuyên môn về y tế bao gồm 799 bác sĩ, 652 điều dưỡng, 20 hộ sinh, ngoài ra còn có sự tham gia của 477 dược sĩ và hơn 5000 tình nguyện viên ở các ngành nghề khác.

Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký online từ các tình nguyện viên, dựa trên thông tin địa chỉ bộ phận tiếp nhận của Sở Y tế đã chia các tình nguyện viên thành 2 nhóm nội thành và ngoại thành để thuận tiện cho công tác điều động.

Đến nay Sở Y tế đã phân công 751 tình nguyện viên viên trong đó chuyên môn Tây Y là 607 nhân sự (197 bác sĩ, 410 điều dưỡng) cùng 61 dược sĩ và 83 tình nguyện viên từ các ngành nghề khác;

"Hiện đã có 492 tình nguyện viên đã đến nhận nhiệm vụ, hiện đang tiếp tục điều động 870 tình nguyện viên với 148 tình nguyện viên có chuyên môn Tây Y, 107 dược sĩ và 615 tình nguyện viên từ các ngành nghề khác" – Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm.

Nguyễn Triệu

Xem thêm: Đợt vaccine AstraZeneca lớn nhất với hơn 1,4 triệu liều đã chuyển về TP.HCM

Từ khóa: #COVID-19