Chủ tịch Quốc hội: Cần họp báo công khai kết quả kiểm toán
Sáng 12/9, mở đầu phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước.
Trình bày báo cáo của Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2023, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết với phương châm "làm ít nhưng chất", kế hoạch kiểm toán năm 2023 đã giảm 49 nhiệm vụ (tương ứng giảm 67 đoàn) so với năm 2022.
Kế hoạch kiểm toán cũng lựa chọn kiểm toán các chủ đề lớn, chuyên đề có phạm vi rộng được Quốc hội, dư luận xã hội quan tâm. Đồng thời kịp thời bổ sung một số nhiệm vụ kiểm toán theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực và của Thủ tướng Chính phủ.
Theo ông Thơ, tính đến 31/8/2023 toàn ngành đã xét duyệt 127 kế hoạch kiểm toán, triển khai 114/166 đoàn kiểm toán, kết thúc kiểm toán 93 cuộc, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước đã tổ chức xét duyệt 94 dự thảo báo cáo kiểm toán, phát hành 61 báo cáo kiểm toán.
"Sơ bộ kết quả kiểm toán đối với 61 bảo cáo kiểm toán đã phát hành, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý 10.723 tỷ đồng; kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 90 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý không phù hợp; kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhiều tập thể, cá nhân đối với từng sai phạm", Phó Tổng Kiểm toán Doãn Anh Thơ cho biết.
Về kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, theo ông Thơ, sơ bộ đến 31/8/2023, số thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2022 về xử lý tài chính là 48.227/71.605 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 67,4% (cùng kỳ năm trước 56,3%). Các cơ quan đã sửa đổi, bổ sung và ban hành mới 19/270 văn bản quy phạm pháp luật thay thế các văn bản không phù hợp. Có 33/183 báo cáo có kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân được thực hiện.
Thẩm tra báo cáo, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách Nguyễn Thị Phú Hà cho biết việc triển khai kế hoạch kiểm toán 8 tháng đầu năm 2023 chậm và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước cũng như năm 2021.
Cũng theo bà Hà, so với cùng kỳ năm 2022, số kiến nghị sửa đổi, bổ sung ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tương đương cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số kiến nghị xử lý 8 tháng đầu năm 2023 chỉ bằng 20,6% cùng kỳ năm 2021 và 48,7% cùng kỳ năm 2022.
Do đó, Đề nghị Kiểm toán Nhà nước làm rõ lý do việc triển khai thực hiện chậm hơn so với cùng kỳ các năm trước.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2024, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Doãn Anh Thơ nhấn mạnh mục tiêu tiếp tục phát huy vai trò Kiểm toán Nhà nước là công cụ hữu hiệu trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.
Về dự kiến kế hoạch kiểm toán trong năm 2024, Kiểm toán Nhà nước sẽ lựa chọn kiểm toán các dự án trọng điểm, quan trọng quốc gia trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, như: Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1; các dự án đầu tư xây dựng các đường vành đai; các tuyến đường ven biển kết nối liên vùng; các dự án hạ tầng các khu kinh tế ven biển, các dự án cải tạo môi trường...
Ngoài ra, dự kiến sẽ lựa chọn một số tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tổ chức tài chính – ngân hàng có quy mô lớn để kiểm toán báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước kết hợp với việc đánh giá công tác thực hiện quyền trách nhiệm của đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp, xử lý nợ xấu, việc thực hiện cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh… Trong đó có các doanh nghiệp liên quan đến vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như xăng dầu, khoáng sản…
Cần họp báo công khai kết quả kiểm toán
Tại phiên họp, lưu ý hoạt động kiểm toán phải làm sao để siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính ngân sách, tiền tệ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phân tích, mỗi năm công bố kết quả kiểm toán, thanh tra phát hiện nhiều sai phạm, một mặt thì thấy các cơ quan làm đến nơi đến chốn. Nhưng mặt thứ hai lại lo, vì làm sao các công cụ hoạt động thường xuyên, liên tục như thế nhưng vi phạm không giảm mà có vẻ lại tăng lên.
Qua kiểm toán hàng năm rất nhiều vấn đề liên quan dự toán quyết toán ngân sách nói hết năm nọ sang năm kia, kỳ họp này đến kỳ họp khác vẫn tiếp diễn, phải trả lời được việc này, ông Huệ nói.
Dẫn báo cáo kiểm toán cho thấy từ đầu năm tới nay đã kiến nghị xử lý hơn 10.000 tỷ đồng sai phạm phải xử lý, Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề, sai phạm cụ thể là gì, ở đâu, tại sao lại thế?
“Kiểm toán nhà nước là bác sĩ của nền kinh tế, càng ít sai phạm phải kiến nghị xử lý càng tốt. Nếu cần thiết phải làm cho rõ ra. Trong 10.000 tỷ là cái gì là sai phạm, là thất thoát, cái gì là điều chỉnh số liệu thôi, không nghe con số cử tri người ta thấy suy nghĩ”, Chủ tịch Quốc hội phát biểu.
Về dự kiến kế hoạch kiểm toán năm sau, Chủ tịch Quốc hội đồng ý với phương châm “thà ít mà tốt” của Kiểm toán nhà nước.
“Đừng rải mành mành ra, làm gì cũng cần có trọng tâm trọng điểm, có tác động lan tỏa, làm gì cũng phải hiệu lực, hiệu quả. Các đồng chí làm theo hướng này tôi đánh giá rất cao và tiếp tục theo hướng này”, ông Huệ nói.
Vấn đề tiếp nữa, theo Chủ tịch Quốc hội là cần là tiếp tục đề cao công khai, minh bạch, khách quan trung thực, bởi công khai, minh bạch là vũ khí quan trọng nhất của hoạt động kiểm toán.
Lưu ý riêng báo cáo kiểm toán hàng năm phải công khai, đồng thời cần lựa chọn các kiểm toán chuyên đề để công khai, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, công khai là sức mạnh của kiểm toán, mặt khác là để dư luận giám sát.
“Người ta giám sát kiểm toán anh làm có đúng không, có đàng hoàng không, như vậy rất tốt. Có vẻ các đồng chí ngày càng giảm nhiệt đi”, ông Huệ nhận xét.
Nhớ lại thời còn làm Tổng Kiểm toán nhà nước, ông Huệ nói: “Bao giờ cho đến ngày xưa, thời anh em chúng tôi là các cơ quan báo chí thường xuyên có mặt ở cơ quan Kiểm toán nhà nước. Mỗi lần họp báo là chuẩn bị toát mồ hôi, như thế kiểm toán viên người ta mới chịu khó làm cho đúng. Chứ không phải anh muốn nói gì thì nói. Nhiều cán bộ không sợ bị kỷ luật đâu mà sợ bị dự luận”.
Chủ tịch Quốc hội cũng yêu cầu, kế hoạch kiểm toán phải bám sát các vấn đề đã được Quốc hội nêu tại Kỳ họp thứ năm vừa qua.
“Dù thực hiện kiểm toán riêng hay kiểm toán chung thì tất cả các cuộc kiểm toán phải hướng tới đánh giá thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, đất đai, bất động sản, dự lường các vấn đề rủi ro kinh tế vĩ mô”, ông Huệ nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch Quốc hội, qua kiểm toán phải trả lời được vì sao tín dụng ngân hàng tăng chậm. Hiện nay hệ thống tài chính ngân hàng khó khăn, nợ xấu tăng, tình trạng chậm trả nợ vay trái phiếu đáo hạn, nhất là trong lĩnh vực bất động sản tăng, ông Huệ lưu ý.
“Rồi khó khăn trong mua sắm vật tư trang thiết bị y tế vẫn chưa giải quyết dứt điểm. Hay vừa rồi Quốc hội kiến nghị thanh tra toàn diện về thị trường bảo hiểm. Các đồng chí phải có chuyên đề riêng cái này hoặc thông qua kiểm toán các tổ chức tín dụng, bảo hiểm trả lời câu hỏi này. Xem có sự bắt tay giữa ngân hàng bảo hiểm hay không. Những vấn đề đó là thời sự và các đồng chí phải trả lời”, ông Huệ nhấn mạnh.
Vẫn nằm trong các vấn đề thời sự được Chủ tịch Quốc hội lưu ý là tình hình khó khăn của đoanh nghiệp.
“Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam có khảo sát, Chính phủ có khảo sát, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn lắm. Qua một cuộc kiểm toán chuyên đề riêng hoặc qua các cuộc kiểm toán cần trả lời về tình hình khó khăn của doanh nghiệp”, Chủ tịch Quốc hội nêu vấn đề.
Đề nghị kế hoạch kiểm toán năm tới nên tập trung vào vấn đề thiết thực, sát thực tiễn hơn, ông Huệ tiếp tục gợi ý, cần đi vào những câu hỏi hiện nay đang rất thời sự như năng lực về điện, giá điện thế nào.
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cho biết, sẽ chỉ đạo các cơ quan phối hợp thanh tra, kiểm toán hợp lý nhất, tránh chồng chéo; đồng thời kết nối chia sẻ thông tin theo hướng chuyển đổi số; và thúc đẩy thực hiện nghiêm kiến nghị kiểm toán.
Phó Thủ tướng cũng kiến nghị lựa chọn đối tượng được kiểm toán đang có sự ảnh hưởng lớn, các dự án đang tồn đọng, cơ sở hạ tầng; đồng thời có sự chia sẻ khó khăn với đơn vị kiểm toán, vì thực tế có tình trạng như doanh nghiệp phá sản, đã chết nên không thể khắc phục được.