Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ tính toán cải cách tiền lương từ 1/7/2022

20:44 | 17/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tại phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra vào chiều ngày 17/8, Chủ tịch Quốc hội đã yêu cầu dứt khoát phải cải cách tiền lương từ 1/7/2022, không thể chậm vì lương là một nội dung để kích thích kinh tế.

Chiều 17/8, tiếp tục Phiên họp thứ 2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) xem xét, thẩm tra về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022.

Thẩm tra báo cáo của Chính phủ, Ủy ban Tài chính Ngân sách lưu ý, từ 1/7/2022 sẽ thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27 của Trung ương khóa XII.

"Thời gian còn lại không nhiều, đề nghị Chính phủ bảo đảm các phương án triển khai; đồng thời khi xây dựng chế độ tiền lương mới cần có phương án bảo đảm nguyên tắc tiền lương theo đúng tinh thần Nghị quyết 27", Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói.

Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Chính phủ tính toán cải cách tiền lương từ 1/7/2022 - ảnh 1

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Cơ quan thẩm tra lưu ý, từ 1/7/2022 thực hiện cải cách tiền lương thì phải xóa bỏ cơ chế đặc thù tài chính, thu nhập đặc thù.

Cho ý kiến tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu Chính phủ có thể bị ảnh hưởng vì dịch bệnh nhưng phải quyết tâm tính toán cải cách tiền lương từ 1/7/2022.

"Dứt khoát phải cải cách tiền lương vào 1/7/2022, không thể chậm được vì lương là để kích thích kinh tế, đầu tư. Có thể dịch bệnh ảnh hưởng nhưng quyết tâm vẫn làm được, vì vẫn còn nguồn dư cho cải cách tiền lương", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Theo Nghị quyết 27 của Ban chấp hành Trung ương Đảng, lương cơ sở điều chỉnh từ 1/7/2020, nhưng do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp nên đã không tăng theo lộ trình. Hiện mức lương cơ sở áp dụng là 1,49 triệu đồng một tháng.

Tuy nhiên, theo Nghị quyết kế hoạch tài chính và vay trả nợ 5 năm (2021-2025) được thông qua ngày 28/7, Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ tập trung nguồn lực để tăng lương hưu, lương cơ sở từ 1/7/2022.

Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, nghị quyết của Trung ương đã khẳng định khi thực hiện cải cách tiền lương thì tất cả các cơ chế đặc thù phải được bãi bỏ, không thể có công chức loại 1, loại 2, loại 3 nữa.

"Các địa phương lúc nào cũng khẳng định là có đủ nguồn cho cải cách tiền lương nhưng nếu sau này không đảm bảo được thì ai là người chịu trách nhiệm. Lúc nào Bộ Tài chính cũng kêu không có nguồn cải cách tiền lương nhưng vẫn duyệt cho chi từ nguồn cải cách tiền lương", người đứng đầu Quốc hội nói.

Giải trình về nguồn cải cách tiền lương, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, các địa phương hiện còn 252.000 tỷ đồng còn dư cho tăng lương.

"Nguồn để dành tăng lương từ tháng 7 năm 2022 đã sẵn sàng", ông Phớc khẳng định.

Bộ trưởng Bộ Tài chính thông tin thêm, Vừa rồi Bộ Tài chính nhận được 7 tỉnh đề nghị dùng tiền này chống dịch, tuy nhiên thực hiện theo Nghị quyết 23, nguồn này Bộ dứt khoát sử dụng để cải cách tiền lương, còn thực hiện giải pháp khác lấy từ nguồn dự trữ tài chính, nguồn tiết kiệm chi (10% chi thường xuyên, 5% các khoản chi hội họp, tiếp khách, đi công tác nước ngoài, trong nước...) để chi.

"Nếu vẫn chưa đủ thì phải điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, thực hiện cắt giảm một số nhiệm vụ chi không cần thiết. Theo hướng đó, Bộ Tài chính sẵn sàng để thực hiện chính sách cải cách tiền lương vào tháng 7/2022", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.

Cũng liên quan đến nguồn cải cách tiền lương còn dư, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Thị Thu Vân cho hay, vừa qua Văn phòng Chính phủ cũng như Bộ Tài chính nhận được đề xuất của hơn chục địa phương đề nghị cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đảm bảo nhiệm vụ chi theo Nghị quyết 27.

"Hiện nay, những tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bình Dương rất khó khăn. Nếu được Chủ tịch Quốc hội đồng ý, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình sang Quốc hội cho phép sử dụng nguồn tiền này thực hiện nhiệm vụ chống dịch COVID-19, chỉ chuyên về chống dịch chứ không được thực hiện nhiệm vụ khác, không được đầu tư", Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị.

Kết lại phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, UBTVQH thống nhất ban hành nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách nhà nước năm 2022 và thời kỳ ổn định mới. Do còn vấn đề cần làm rõ thêm nên UBTVQH chỉ ban hành về nguyên tắc, giao Ủy ban Tài chính Ngân sách chủ trì, phối hợp Ủy ban Pháp luật, các Ủy ban của Quốc hội và Bộ Tài chính rà soát, thống nhất các nội dung, hoàn chỉnh Nghị quyết gửi xin UBTVQH trước khi ban hành. Về thời kỳ ổn định ngân sách mới, Chính phủ làm Tờ trình báo cáo Quốc hội quyết định tại Kỳ họp thứ 2 (tháng 10/2021) với phương án phù hợp.

UBTVQH đề nghị rà soát và thể hiện trong Nghị quyết về việc đảm bảo nguồn lực để thực hiện các tiêu chí, định mức và thực hiện cải cách tiền lương từ 1/7/2022 như Nghị quyết của Quốc hội, đồng thời dự phòng các rủi ro, việc đảm bảo hợp lý, tương thích tỷ lệ phân chia ngân sách, trình Quốc hội quyết định vào kỳ họp tháng 10/2021.

Tại phiên họp, UBTVQH cũng đã biểu quyết thông qua nguyên tắc, nội dung cơ bản của Nghị quyết. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Tài chính Ngân sách tiếp thu ý kiến của UBTVQH, chủ trì phối hợp với Ủy ban Pháp luật và Bộ Tài chính thay mặt Chính phủ rà soát, thống nhất dự thảo Nghị quyết, xin ý kiến UBTVQH và trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

H.A

Xem thêm: Tránh chồng chéo, hình thức, bệnh thành tích trong công tác thi đua, khen thưởng