Chủ tịch TPBank Đỗ Minh Phú: Mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ, đổi mới cả lĩnh vực nền tảng đang được coi là thắng lợi

Thùy Dung 10:43 | 24/04/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ban lãnh đạo TPBank trình cổ đông thông qua nhiều nội dung, như kế hoạch kinh doanh năm 2025 với mục tiêu lợi nhuận 9.000 tỷ đồng, phương án chia cổ tức tổng tỷ lệ 15%, trong đó bao gồm 10% bằng tiền mặt và 5% bằng cổ phiếu...

Năm 2024 cán mốc 14 triệu khách hàng, lợi nhuận trước thuế tăng trưởng 36%

Ngày 24/4 tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank – HOSE: TPB) tổ chức Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2025. 

 Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú phát biểu tại Đại hội. Ảnh: TPBank.

Phát biểu tại Đại hội, Chủ tịch HĐQT Đỗ Minh Phú nhận định trong năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 7,09% với nhiều động lực tăng trưởng tích cực như xuất khẩu khởi sắc, sản xuất phục hồi, thu hút vốn đầu tư nước ngoài... Tuy nhiên bên cạnh đó vẫn còn nhiều khó khăn. Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và sự điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt và kịp thời, ngành ngân hàng đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.

Tại TPBank, HĐQT, ban điều hành và gần 8.000 cán bộ nhân viên của ngân hàng đã hoàn thành thắng lợi tất cả các chỉ tiêu mà ĐHĐCĐ giao. Ngân hàng đã duy trì vị thế dẫn đầu là một ngân hàng số. Đồng thời, cán mốc 14,1 triệu khách hàng, tăng 2,1 triệu khách hàng trong năm, qua đó tạo nền tảng để phát triển ngân hàng số cũng như các hoạt động khác trong tương lai.  

Theo đó, trong năm 2024, lợi nhuận trước thuế của TPBank đạt 7.600 tỷ. Mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 36%, gần như cao nhất trong toàn hệ thống. Tổng tài sản vượt 418.000 tỷ, tức tăng trưởng khoảng trên 10%.  Dư nợ tín dụng  đạt 261.500 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với năm trước, cao hơn mức trung bình ngành. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) đạt trên 14% theo chuẩn Basel III. Tỷ lệ CASA trên tổng tiền gửi đạt hơn 22,2%. Tỷ lệ nợ xấu theo Thông tư 31 của NHNN ở mức 1,12%.

Về quản trị rủi ro, theo lãnh đạo ngân hàng, quan điểm của TPBank là kiểm soát nợ xấu. "Tất cả những danh mục nào có thể thấy xuất hiện yếu tố nợ xấu tiềm ẩn thì chúng tôi chủ động xử lý. Trong năm 2024, chúng tôi đã xử lý quyết liệt những khoản nợ xấu tiềm ẩn, đặc biệt là cho vay tiêu dùng. Tỷ lệ nợ xấu của TPBank tại thời điểm cuối năm 2024 đã được kéo giảm còn 1,12%".

Về định hướng mở rộng hệ sinh thái, lãnh đạo TPBank cho biết ngân hàng đã hoàn thành việc mua lại cổ phần của Công ty Quản lý quỹ Việt Cát (VFC), với mức vốn nắm giữ tính đến thời điểm hiện tại là 99,9%, qua đó 'lấn sân' sang lĩnh vực quản lý tài chính và đầu tư.

Năm 2025: Kế hoạch lợi nhuận đạt 9.000 tỷ đồng, chia cổ tức tổng tỷ lệ 15%

 Tại ĐHĐCĐ TPBank 2025, ban lãnh đạo ngân hàng đã trình cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh năm với mục tiêu kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, nhằm đưa lợi nhuận trước thuế đạt 9.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm trước. Tổng tài sản dự kiến tăng 7,6% lên 450.000 tỷ đồng. Dư nợ cho vay tăng khoảng 20% lên 313.750 tỷ đồng, huy động vốn tăng 12,3% lên 420.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2,5%.  

Trong quý I/2025, TPBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 2.100 tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và đạt khoảng 23% kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tổng huy động vốn quý I đạt 337.800 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ. Trong khi đó, dư nợ thị trường một đạt hơn 271.500 tỷ đồng, tăng mạnh 28% so với quý I/2024. Riêng cho vay khách hàng đạt hơn 263.100 tỷ đồng, tương ứng tăng 30% so với cùng kỳ 2024. Tỷ lệ tăng trưởng tín dụng quý I đạt 3,75%, cao hơn mức trung bình ngành (2,5%; tính đến ngày 25/3).  

"Tôi đánh giá năm 2025 là một năm vô cùng thách thức. Thế giới đang đứng trước xu hướng phân hóa và đối đầu. Trước đây nói đến chiến tranh thì có rất nhiều loại chiến tranh như chiến tranh quân sự, chiến tranh hạt nhân... nhưng ngày nay chúng ta có thêm một loại chiến tranh đầy thách thức là chiến tranh thương mại, tức là sự đối đầu kéo theo rất nhiều thành viên.

Có những diễn biến mà chúng ta có thể không lường trước được rằng một quốc gia nào đó có thể áp đặt thuế nhập khẩu 145%, thậm chí 245% lên một quốc gia khác. Và những thách thức đó sẽ tác động đến tất cả các ngành kinh tế. Không phải tự nhiên mà giá vàng vượt qua mốc kỷ lục thời đại. Người ta đang tìm đến tài sản trú ẩn", Chủ tịch TPBank chia sẻ.

Việt Nam không đứng ngoài xu hướng khó lường và thách thức đó, bởi độ mở lớn của nền kinh tế. Riêng với ngành ngân hàng, thách thức còn lớn hơn nhiều, theo ông Phú. Bởi vậy ngay từ đầu năm, một trong những mục tiêu trọng tâm của TPBank là đổi mới toàn diện. "Chúng tôi đổi mới cơ cấu tổ chức, đổi mới quy trình quy định, đổi mới cả lĩnh vực nền tảng mà chúng tôi coi rằng thắng lợi là hoạt động ngân hàng số. Chúng tôi đổi mới toàn diện để tối ưu hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động", lãnh đạo ngân hàng khẳng định.

Cùng đó, ban lãnh đạo ngân hàng cũng nỗ lực kiểm soát chi phí để hướng tới mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 18% 'đầy tham vọng'. "Năm 2024, chúng ta hạ được CIR (tỷ lệ chi phí trên thu nhập) xuống gần 35% từ mức 41% của 2023. Đây là nền tảng để chúng ta tiếp tục kiểm soát chi phí trong 2025".

Trong bối cảnh Chính phủ chỉ đạo toàn ngành ngân hàng giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay hỗ trợ nền kinh tế, ban lãnh đạo TPBank khẳng định nỗ lực cân đối các mục tiêu, phấn đấu hoàn thành mục tiêu lợi nhuận cũng như đảm bảo lợi ích của cổ đông.

ĐHĐCĐ 2025 của TPBank cũng trình cổ đông phương án chi trả cổ tức bằng tiền mặt với tổng tỷ lệ 15% và phương án tăng vốn điều lệ năm 2025.

Theo đó, TPBank đề xuất chia cổ tức 10% bằng tiền mặt (1 cổ phiếu nhận được 1.000 đồng) từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024, theo BCTC hợp nhất năm 2024 đã được kiểm toán.

Đồng thời, TPBank phát hành tối đa hơn 132 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông với tỷ lệ 5% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền sẽ được nhận thêm 5 cổ phiếu mới). Nguồn thực hiện lấy từ lợi nhuận chưa phân phối sau khi trích lập các quỹ tính đến thời điểm 31/12/2024.

Sau phát hành, vốn điều lệ của TPBank sẽ tăng tối đa 1.320,9 tỷ đồng, từ 26.420 tỷ đồng lên hơn 27.740 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, TPBank thực hiện chia cổ tức bằng cả tiền mặt và cổ phiếu.