Chủ tịch Trần Anh Tuấn với quá khứ `càn quét` Đông Âu và dấu ấn trên cương vị `thuyền trường` MSB
Chủ tịch Trần Anh Tuấn – ông chủ của Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (Maritime Bank-MSB) là một nhân vật điển hình trên thương trường của nền kinh tế Việt Nam.
Chân dung chủ tịch MSB
Chủ tịch Trần Anh Tuấn sinh năm 1969, từng theo học tại Nga và Mỹ với tấm bằng Cử nhân khoa học địa chất của Học viện Địa chất Quốc gia Mátxcơva và sau này bổ sung thêm tấm bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh của Đại học Griggs, Mỹ.
Cũng từng có thời gian bươn chải tại Đông Âu như nhiều đại gia khác của Việt Nam, ông Trần Anh Tuấn đã dành 10 năm thanh xuân học tập và sinh sống ở nước Nga trước khi quay về nước vào năm 1996. Tại Nga, ông đã gặp được vợ mình là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường từng là học sinh giỏi quốc tế môn tiếng Nga, cũng học tại Liên Xô cùng thời gian với ông Tuấn và là một doanh nhân tài ba.
Chân dung chủ tịch MSB Trần Anh Tuấn
Sau khi về nước năm 1996, ông Tuấn nắm vai trò lãnh đạo tại CTCP Nam Thắng và Tập đoàn Đầu tư Phát triển Việt Nam (VID Group) từ đó cho đến nay. Bà Hường cũng khởi đầu với vị trí kế toán viên của CTCP Nam Thắng, chuyên sản xuất giày da xuất khẩu. Không lâu sau đó, bà được tiến cử lên chức Phó Tổng giám đốc điều hành sản xuất công ty này.
Ông Tuấn và vợ là bà Nguyễn Thị Nguyệt Hường
Bên cạnh vai trò là một doanh nhân giỏi giang thâu tóm các tập đoàn lớn, ông Tuấn còn được biết đến với biệt danh “Tuấn chợ” qua những lời đồn cho rằng, sau khi Liên Xô tan rã, ông Tuấn là một trong những người Việt đầu tiên làm “chợ”-khu kiôt buôn bán cho người Việt tại Nga thuê. Cũng có thông tin khác cho rằng, việc ông có biệt danh ‘Tuấn chợ’ là do ông đã từng có thời kỳ thắng thầu rồi làm chủ một khu chợ nổi tiếng ở Hà Nội là chợ Thượng Đình.
Sự nghiệp của chủ tịch MSB
Năm 2007, VID Group mua cổ phần chi phối tại Maritime Bank và từ đó ông Trần Anh Tuấn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng này. Tháng 10/2008, ông trở thành Tổng Giám đốc Maritime Bank. Tới đầu năm 2012, ông đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT Maritime Bank, sau khi ngân hàng bổ nhiệm ông Atul Malik làm Tổng Giám đốc.
Maritime Bank được thành lập năm 1991. Cổ đông lớn gồm có Vinaline, Gemadept và Công ty Vận tại biển (VOS). Trong giai đoạn Vinaline phải tái cơ cấu thì VID Group nhảy vào Maritime Bank, ông Tuấn giữ chức phó chủ tịch.
Ông Tuấn tiến hành cải tổ Maritime Bank toàn diện sau khi đảm đương vị trí "thuyền trường"
Ngay khi tham gia vào bộ máy Maritime Bank, ông Tuấn đã quyết liệt "chèo lái" ngân hàng có tỉ lệ nợ xấu cao này theo hướng khác. Với mong muốn sẽ sớm đổi vận, việc đầu tiên ông Tuấn làm đó là đổi nhận diện thương hiệu ngân hàng từ màu xanh nước biển sang màu đỏ kèm theo hình ảnh tượng trưng con số 1.
Ngoài ra, cũng không thể không nhắc đến sự mạnh tay trong việc cắt giảm nhân sự, tiên phong trong các ngân hàng bổ nhiệm tổng giám đốc là người nước ngoài và cắt giảm nợ xấu nhanh chóng. Tại thời điểm cuối 2013, ngân hàng có tổng cộng 3.536 nhân sự, giảm 1.343 người so với cuối năm 2012. Việc giảm gần 1.350 nhân sự chỉ sau một năm đồng nghĩa với việc ngân hàng sa thải gấp đôi nhân sự so với kế hoạch. Năm 2012, ngân hàng này cũng đã cắt giảm hơn 1.000 nhân sự.
Việc thuê CEO ngoại giàu kinh nghiệm từng là chuyên gia tài chính kỳ cựu làm việc hơn 25 năm cho các tổ chức tài chính quốc tế như Citibank và Deutsch Bank cũng là một trong những nước đi táo bạo của ông Tuấn nhằm cải tổ Maritime Bank.
Bộ nhận diện mới của MSB kể từ năm 2019
Năm 2019 chứng kiến bước chuyển mình to lớn của MSB khi chính thức thay đổi nhận diện thương hiệu và tên viết tắt từ Maritime Bank sang MSB. Đây là lần thứ hai ngân hàng thay đổi nhận diện thương hiệu trong 28 năm hoạt động. Bên cạnh ra mắt thương hiệu mới, MSB cũng thay đổi toàn diện về chiến lược và mô hình trải nghiệm khách hàng.
Tuy chỉ nắm trong tay chưa tới 1% cổ phiếu MSB nhưng ông Trần Anh Tuấn vẫn có ảnh hưởng to lớn trong quá trình phát triển của MSB. Cho đến giữa năm 2018, ông cũng chỉ sở hữu 152.000 cổ phiếu MSB, tương ứng 0,01%. Ngoài ra, ông cũng không giữ cổ phiếu ngân hàng khác. Điều này khá lạ trong giới ngân hàng bởi các ông chủ ở các ngân hàng đối thủ của MSB hầu như nắm rất nhiều cổ phiếu để thể hiện mức độ quyền lực chi phối.
"Con thuyền" MSB dưới sự chèo lái của chủ tịch Trần Anh Tuấn
Dưới "bàn tay sắt" và những chính sách thay đổi quyết liệt của ông Tuấn, MSB đã dần thay đổi theo chiều hướng tích cực. Trong những năm qua, ông đã chỉ đạo ngân hàng thực hiện nhiều thay đổi lớn như hệ thống nhận dạng thương hiệu, tăng vốn và mở rộng mạng lưới kinh doanh.
MSB hiện có trên 260 chi nhánh, phòng giao dịch trên toàn quốc và có giao dịch với hơn 8.000 ngân hàng đại lý tại trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. MSB hiện có hơn 7.000 cán bộ, phục vụ trên 2,2 triệu khách hàng cá nhân và 50.000 khách hàng doanh nghiệp.
Biểu đồ lợi nhuận của MSB từ năm 2015 tới năm 2019
Trong ba năm 2009-2011 dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Trần Anh Tuấn, doanh thu của MSB đều tăng gấp đôi (4,3 nghìn tỷ đồng năm 2009 lên 8,7 nghìn tỉ năm 2010 và 15,5 nghìn tỷ năm 2011). Tổng tài sản cũng tăng từ 64 nghìn tỷ đồng lên 114 nghìn tỷ đồng.
Sau khi thay đổi toàn diện năm 2019, kết quả kinh doanh kết thúc năm cho thấy Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đạt hơn 2.200 tỷ đồng lợi nhuận trước trích lập dự phòng, tăng 23,5% so với với năm 2018. Với chiến lược rõ ràng và sự đầu tư mạnh mẽ để nâng cao trải nghiệm khách hàng. Có thể thấy đây là một sự bứt phá đầy ấn tượng.
Mới đây nhất theo báo cáo của MSB, kết thúc quý III/2020, tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 166.500 tỷ đồng, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế tăng mạnh, đạt trên 1.666 tỷ đồng, bằng 156,6% cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 1.327 tỷ đồng, tăng xấp xỉ 53%. Tổng cho vay khách hàng đạt gần 73.500 tỷ đồng, tăng gần 27% so với cùng kỳ và gần 15,5% so với cuối 2019.
Ông Trần Anh Tuấn và MSB đang hướng tới mục tiêu lọt top 10 ngân hàng đáng tin cậy tại Việt Nam
Đây là kết quả tích cực khi MSB triển khai các gói sản phẩm được cá nhân hóa, đầu tư nâng cao trải nghiệm khách hàng thông qua việc chuyển đổi số, đồng thời triển khai nhiều ưu đãi đặc biệt dành cho khách hàng sử dụng gói tài khoản. Việc thay đổi cơ cấu nguồn vốn theo hướng nâng cao là nhân tố quan trọng giúp MSB giảm chi phí vốn và đem lại tăng trưởng trong tổng thu nhập thuần từ lãi và phí của ngân hàng.
MSB hiện đang từng bước thực hiện mục tiêu chiến lược giai đoạn 5 năm 2018-2023 trở thành ngân hàng đáng tin cậy, thẩu hiểu khách hàng nhất và đạt tỷ suất lợi nhuận cao tại Việt Nam.
Thanh Thùy (T/h)