Chủ tịch Vũ Đức Giang: `Anh cả` của ngành dệt may Việt Nam và hành trình lãnh đạo May Việt Tiến
Trải qua 44 năm xây dựng và phát triển, Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến dưới sự dẫn dắt của chủ tịch Vũ Đức Giang tiếp tục là một trong những doanh nghiệp may mặc hàng đầu Việt Nam.
Chủ tịch Vũ Đức Giang là ai?
Chủ tịch Vũ Đức Giang sinh ngày 10/05/1954 tại Nam Trực, Nam Định. Tốt nghiệp cử nhân kinh tế trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, ông Vũ Đức Giang đã vận dụng những kiến thức được học và kinh nghiệm bản thân để đóng góp vào sự thành công của ngành dệt may trong suốt hành trình sự nghiệp.
Khởi đầu từ vị trí Hạ sỹ, Trung sỹ trong quân đội, tới tháng 3/1981 chủ tịch Vũ Đức Giang chuyển sang đảm nhận vị trí Nhân viên tiếp phẩm nhà ăn XN May Việt Tiến. Bằng khả năng xuất sắc của mình, ông đã được đề bạt lên vị trí trưởng kho. Tới năm 1991, ông trở thành Phó phòng sản xuất-Phụ trách cung ứng kinh doanh XN May Việt Tiến và con đường sự nghiệp từ đó cũng "thuận buồm xuôi gió" hơn cả.
Chân dung chủ tịch Vũ Đức Giang
Ông gắn bó với ban lãnh đạo May Việt Tiến từ tháng 01 năm 2008 đến tháng 08 năm 2010 trong vị trí Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam. Từ tháng 09 năm 2010 đến tháng 05 năm 2015 ông là Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Dệt May Việt Nam kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến. Từ tháng 10 năm 2010 ông Vũ Đức Giang đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty May 10 -CTCP.
Sự nghiệp của chủ tịch Vũ Đức Giang tại May Việt Tiến
Tổng CTCP May Việt Tiến tiền thân là một xí nghiệp may tư nhân “Thái Bình Dương kỹ nghệ công ty” - tên giao dịch là Pacific Enterprise. Xí nghiệp này được 8 cổ đông góp vốn do ông Sâm Bào Tài – một doanh nhân người Hoa làm Giám Đốc được thành lập từ ngày 23/10/1976. Tháng 5/1977 được Bộ Công nghiệp công nhận là Xí nghiệp Quốc doanh và đổi tên thành Xí nghiệp May Việt Tiến.
Ngày 13/11/1979, Xí nghiệp bị hỏa hoạn, thiệt hại hoàn toàn. Ngày 24/03/1993, Công ty được Bộ Công nghiệp cấp giấy phép thành lập Doanh nghiệp. Ngày 29/04/1995 Tổng Công ty Dệt may Việt Nam ra đời. Ngày 09/01/2007 Tổng công ty May Việt Tiến được thành lập . Ngày 13/02/2007, Bộ Công nghiệp ban hành Quyết định về việc Cổ phần hóa Tổng Công ty May Việt Tiến.
May Việt Tiến đã trải qua hơn 40 năm phát triển
Trải qua một quá trình phát triển không ngừng, Tổng Công ty Cổ phần May Việt Tiến đã trở thành Doanh nghiệp tiêu biểu nhất của ngành dệt may Việt Nam. Doanh số ngày càng tăng, thị phần ngày càng được mở rộng. Uy tín của thương hiệu Việt Tiến đã được khách hàng trong và ngoài nước tín nhiệm.
Tại thị trường nội địa: Việt Tiến hiện có trên 1380 cửa hàng, đại lý phân bổ đều khắp các tỉnh thành trong cả nước. Tại thị trường xuất khẩu: Việt Tiến hiện đang giao dịch với trên 50 khách hàng thuộc các nước trên thế giới như: Mỹ, Canada; các nước châu Âu gồm: Anh, Pháp, Đức, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha….; châu Á có: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, Indonesia,...
Chủ tịch Vũ Đức Giang đã gắn bó với May Việt Tiến 39 năm
Với trên 40 năm kinh nghiệm phát triển và duới sự dẫn dắt của chủ tịch Vũ Đức Giang, hiện nay Việt Tiến đã vươn lên khẳng định vị thế một trong những thương hiệu về thời trang công sở hàng đầu tại Việt Nam. Tuy nhiên trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt trên thị trường thời trang Việt, Việt Tiến không tự thỏa mãn với những vinh quang đạt được mà luôn ý thức được việc phải đổi mới và nâng cấp không ngừng. Đó cũng là lý do khiến hương hiệu may mặc nổi tiếng này vẫn đang ngày đêm nỗ lực sáng tạo thông qua việc mở rộng đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm; đồng thời tập trung phát triển hệ thống phân phối chuyên nghiệp nhằm mang đến sự tiện lợi và những trải nghiệm thú vị nhất cho khách hàng.
Chìa khóa thành công của Việt Tiến được ban lãnh đạo định hướng là kiên trì thực hiện chiến lược đã hoạch định từ thuở ban đầu. Thứ nhất, Việt Tiến xâm nhập thị trường bằng phát triển mạng lưới phân phối trong và xuất khẩu, trong đó xúc tiến thương mại luôn được coi trọng. Yếu tố thứ hai giúp Việt Tiến thành công là nhờ đẩy mạnh dòng sản phẩm thương hiệu thời trang công sở đi đôi với đa dạng hóa, ưu tiên phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh. Chú trọng phát triển sản phẩm mới phong cách trẻ trung; vừa đáp ứng nhu cầu nhiều mặt, vừa tận dụng năng lực tay nghề, công suất thiết bị, nguyên phụ liệu. Thứ ba, tạo ra sự khác biệt với điểm nhấn là nâng cao năng lực thiết kế sản phẩm. Trung tâm thiết kế thời trang sớm được thành lập bám sát hơi thở thị trường, tìm hiểu thị hiếu; thương hiệu Việt Tiến tạo ra sự khác biệt trong sản phẩm...
Việt Tiến dưới sự lãnh đạo của chủ tịch Giang vẫn không ngừng đổi mới bản thân
Triển khai, thường xuyên bổ sung hoàn thiện chiến lược trên, trong hành trình xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu, Việt Tiến đã có 8 thương hiệu được đầu tư bài bản, đã đáp ứng cho nhiều phân khúc thị trường. Mỗi thương hiệu là một thông điệp, vừa là tuyên ngôn, vừa là cam kết của Việt Tiến, phục vụ cho từng đối tượng, không chỉ để người Việt ưu tiên dùng mà còn chinh phục khách hàng trên trường quốc tế. Đó cũng là mục tiêu, là giá trị mà các thương hiệu quốc gia đều hướng tới.
Việt Tiến có quyền "mơ xa" khi là thương hiệu thời trang may mặc công nghiệp xuất khẩu lớn nhất Việt Nam. Người anh cả của nền dệt may Việt Nam- Việt Tiến đã chiếm lĩnh thị phần đáng nể ở những nền thời trang tiên tiến: Nhật Bản chiếm 31% sản lượng của Việt Tiến, con số ở Hoa Kỳ là 21%, EU 16.5%, Hàn Quốc 3.9%, các nước khác 27.6%… Bài toán thị phần Việt Tiến đã giải được, bước tiếp theo của quá trình quốc tế hóa là bài toán Thương hiệu.
Chủ tịch Vũ Đức Giang định hướng ngành dệt may năm 2021
Trong tầm ảnh hưởng của dịch COVID-19, May Việt Tiến cũng đã vấp phải không ít khó khăn khiến doanh thu có phần u ám. Nhưng khi nhìn vào bức tranh chung của ngành dệt may Việt Nam, May Việt Tiến vẫn là người "anh cả" mạnh mẽ.
Chủ tịch Vũ Đức Giang trong buổi lễ kỷ niệm 40 năm thành lập May Việt Tiến năm 2016
Chủ tịch Vũ Đức Giang chia sẻ: “Năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp trên toàn cầu, ngành dệt may Việt Nam nói chung và Việt Tiến nói riêng gặp vô vàn nhiều khó khăn, thách thức, thị trường xuất khẩu cũng như thị trường nội địa sụt giảm mạnh, khách hàng hủy, hoãn đơn hàng, thiếu nguồn cung NPL… Trước tình hình đó, Việt Tiến tiếp tục đưa ra những giải pháp kịp thời, vừa chống dịch, vừa duy trì sản xuất, tìm kiếm đơn hàng, đảm bảo thu nhập cho người lao động nhằm giữ ổn định nguồn lực lao động, tài sản lớn nhất của doanh nghiệp, để đến cuối năm 2020, đầu năm 2021, khi nền công nghiệp dệt may khôi phục, Việt Tiến sẽ có đủ nguồn lực lao động ổn định. Với những định hướng và giải pháp kịp thời, tôi tin tưởng năm 2020 Việt Tiến sẽ nỗ lực khắc phục vượt qua khó khăn để có được cơ hội phát triển cho năm 2021 trở đi”.
Thanh Thùy (T/h)