Chứng khoán Mirae Asset: Chưa cần thiết giảm thêm lãi suất điều hành trong 6 tháng cuối năm

Diên Vỹ 10:45 | 07/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Theo Chứng khoán Mirae Asset, việc cắt giảm thêm lãi suất điều hành trong giai đoạn còn lại của năm 2023 chưa thực sự cần thiết khi lãi suất huy động cũng như cho vay cần thời gian để phản ánh mức giảm của lãi suất điều hành trước đó trong 6 tháng đầu năm 2023.

 

 

Dự báo tín dụng năm nay tăng khoảng 10-12%, huy động chịu áp lực khi dòng tiền chảy sang đầu tư chứng khoán, BĐS

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên có động thái nới lỏng chính sách tiền tệ trong nửa đầu năm 2023. Trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam (MAS) chỉ ra rằng các chỉ số vĩ mô những tháng đầu năm từ tăng trưởng GDP, sản xuất, xuất khẩu đến lạm phát là yếu tố quan trọng thúc đẩy NHNN liên tục hạ lãi suất điều hành 4 lần liên tiếp với tổng mức giảm 0,5-2,0 %/năm.

Theo đó, bên cạnh tăng trưởng GDP giảm tốc (Tổng cục Thống kê công bố GDP quý II/2023 ước tính tăng 4,14% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng năm 2023, GDP ước tính tăng 3,72%, chỉ cao hơn tốc độ tăng 1,74% của 6 tháng đầu năm 2020 trong 12 năm gần nhất) thì các chỉ số vĩ mô khác cũng cho NHNN có dư địa và sự cấp thiết để điều chỉnh chính sách điều hành nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng trung và dài hạn.

Cụ thể, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất do S&P Global công bố hàng tháng đã ghi nhận mức 46,2 điểm trong tháng 6 qua, nhỉnh hơn một chút so với tháng 5 nhưng vẫn là tháng thứ tư liên tiếp Việt Nam ghi nhận PMI dưới ngưỡng trung lập 50 điểm. 

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2023, theo số liệu mới công bố từ Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 164,45 tỷ USD, giảm 12,1% so với cùng kỳ năm trước trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 152,2 tỷ USD, giảm 18,2%.

Cùng đó, lạm phát tháng 6 tiếp tục ghi nhận mức tăng nhẹ 0,27% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước tăng 2%.  Bình quân 6 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,29%. Áp lực lạm phát không đáng kể là một trong những yếu tố quan trọng tạo dư địa cho NHNN đảo chiều chính sách tiền tệ linh hoạt trong nửa đầu năm.

 NHNN liên tục giảm lãi suất điều hành trong nửa đầu năm. Ảnh: MAS

Sau nỗ lực giảm lãi suất điều hành liên tục của NHNN, lãi suất cả thị trường sơ cấp (tiền gửi) và thứ cấp (liên ngân hàng) được nhận định đã đảo chiều, điều chỉnh về gần mức trước dịch COVID. Bên cạnh đó, NHNN cũng đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giảm lãi suất, gián tiếp giảm chi phí đi vay để hỗ trợ nền kinh tế, qua đó giúp lãi suất cho vay phần nào hạ nhiệt. Dù vậy, ngoại trừ lãi suất thị trường thứ cấp đã ghi nhận mức giảm đáng kể, lãi suất thị trường một vẫn chưa phản ánh đầy đủ mức giảm của lãi suất điều hành. 

Nhận định về điều hành chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm, nhóm phân tích MAS cho rằng diễn biến kinh tế vĩ mô hiện tại và việc tỷ giá hối đoái tiếp tục ổn định sau các đợt cắt giảm lãi suất gần đây sẽ tạo dư địa cho NHNN duy trì môi trường nới lỏng tiền tệ trong thời gian còn lại của 2023.

Nhìn sâu hơn, MAS nhận định các đợt cắt giảm lãi suất liên tục và chỉ đạo hạ lãi suất cho vay của NHNN gần đây có thể tạo nên “luồng gió mới” cho tăng trưởng tín dụng. Theo đó, nhóm phân tích dự báo tăng trưởng tín dụng sẽ dần phục hồi từ quý III với tăng trưởng kỳ vọng cho năm 2023 vào khoảng 10-12%.

Trong khi đó, tăng trưởng huy động dự kiến vẫn sẽ chịu áp lực trong thời gian còn lại của năm 2023 trong bối cảnh sự phục hồi của nền kinh tế quốc nội vẫn chưa thực sự rõ ràng trong khi triển vọng kinh tế toàn cầu vẫn kém khả quan, dẫn đến dòng tiền mới sẽ khó tăng trưởng mạnh. Cùng đó, lãi suất tiền gửi giảm cũng dịch chuyển dòng tiền phân bổ vào các loại tài sản khác ngoài tiền gửi như đầu tư chứng khoán hay BĐS.

Chưa cần thiết cắt giảm thêm lãi suất điều hành trong phần còn lại của năm

Tuy nhiên, nhóm phân tích MAS cho rằng việc cắt giảm thêm lãi suất điều hành trong giai đoạn còn lại của năm 2023 chưa thực sự cần thiết khi lãi suất huy động cũng như cho vay cần thời gian để phản ánh mức giảm của lãi suất điều hành trước đó trong 6 tháng đầu năm 2023. 

“Về dài hạn, việc cắt giảm lãi suất tạm thời nhằm chấm dứt sự trì trệ của tăng trưởng kinh tế, do đó, khả năng điều chỉnh tăng lãi suất vẫn có thể xảy ra trong 2024 khi tăng trưởng GDP quay trở lại mức 6,5% hoặc cao hơn”, báo cáo nhận định.

Ở một góc nhìn khác, bộ phận Nghiên cứu toàn cầu của HSBC trong báo cáo Vietnam At A Glance tháng 7/2023 với tựa đề “Mùa hè kém sôi động” vừa công bố nhận định rằng NHNN có khả năng sẽ cắt giảm lãi suất thêm 0,5 điểm % trong quý III/2023, đưa lãi suất điều hành về 4,0%. Điều này có thể sẽ đảo ngược nỗ lực thắt chặt của NHNN trong năm 2022, và cũng tương ứng với mức độ hỗ trợ tiền tệ trong thời kỳ đại dịch.

Theo HSBC, những số liệu vĩ mô 6 tháng đầu năm chỉ ra rằng thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam vẫn còn hiện hữu. Trong bối cảnh đó, chính phủ Việt Nam đã tăng cường nỗ lực đưa ra các biện pháp kích cầu kinh tế. Về mặt tiền tệ, NHNN đã có hàng loạt động thái bất ngờ trong quý II khi cắt giảm lãi suất điều hành 3 lần trong vòng chưa đầy 3 tháng, mỗi lần hạ 0,5 điểm %.

Với kỳ vọng các biện pháp hỗ trợ tiền tệ tiếp tục gia tăng trong phần còn lại của năm (thể hiện qua dự báo thêm một đợt giảm lãi suất điều hành trong quý III tới), HSBC cho rằng tăng trưởng sẽ có bước ngoặt lớn vào quý IV.