Chứng khoán Mỹ đứng trước tháng khó khăn nhất trong lịch sử

Minh Trang (Theo Reuters) 09:13 | 27/08/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Mức tăng 13% của chỉ số tổng hợp S&P 500 từ các mức thấp nhất ghi nhận trong tháng 6/2022 sẽ không thể “cứu” thị trường chứng khoán Mỹ thoát khỏi tháng khó khăn nhất trong lịch sử và làm dấy lên lo ngại của một số nhà quản lý quỹ về việc bán tháo trên diện rộng diễn ra vào tháng Chín tới.

Chỉ số S&P đã ở trong thị trường giá xuống (thị trường gấu) kể từ khi giảm mạnh vào đầu năm nay, khi các nhà đầu tư dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ tăng lãi suất quyết liệt để ứng phó với tình trạng lạm phát leo thang. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã hồi phục đáng kể từ tháng 6/2022, bù đắp được một nửa mức giảm kể từ đầu năm.

Sự phục hồi đó đã được thúc đẩy bởi sự kết hợp của doanh thu mạnh mẽ từ các doanh nghiệp và các dấu hiệu cho thấy lạm phát có thể đã đạt đến đỉnh điểm, có khả năng cho phép FED giảm tốc độ nâng lãi suất.

Nhưng khi các nhà đầu tư và giao dịch quay trở lại sau kỳ nghỉ Hè, đã xuất hiện một số quan ngại về triển vọng “sóng gió” hơn của Phố Wall vào tháng 9/2022, một phần do tính thời vụ và một phần do lo ngại rằng xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ tích cực của FED có thể gây tổn thương nặng nề cho nền kinh tế.

Theo Stock Trader's Almanac, tháng Chín thường là một tháng đi xuống đối với thị trường chứng khoán vì các nhà quản lý quỹ có xu hướng bán các cổ phiếu kém hiệu quả khi đến cuối quý III.

Jack Janasiewicz, chiến lược gia hàng đầu về danh mục đầu tư tại Natixis Investment Management Solutions, cho biết: “Chúng tôi đã có một giai đoạn phục hồi ngoạn mục và tôi sẽ không bị sốc nếu thị trường điều chỉnh tại thời điểm này”.

Ông Janasiewicz dự đoán, chỉ số S&P 500 có thể giảm tới 10% trong tháng Chín tới, khi các nhà đầu tư nhận định FED sẽ không bắt đầu cắt giảm lãi suất sớm như một số người hy vọng. Dữ liệu của CFRA cho thấy, tháng Chín theo truyền thống là tháng tồi tệ nhất đối với S&P 500 trong nhiều năm kể từ năm 1945. Chỉ số S&P 500 đã công bố mức giảm trung bình 0,6% trong tháng Chín, mức giảm tồi tệ nhất trong bất kỳ tháng nào.

Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, chỉ số này đã giảm 13,1%. Kết quả đó đã được nâng đỡ bởi mức tăng gần 14% kể từ tháng Sáu, khi chỉ số này chạm mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020 và bước vào thị trường giá xuống sau khi FED công bố đợt tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 1994.

Trong số các lý do dẫn đến triển vọng ảm đạm của thị trường cổ phiếu, nguyên nhân chính vẫn là việc giới đầu tư đánh cược rằng FED sẽ tiếp tục tăng lãi suất và sẽ giữ chúng ở trên mức trung lập lâu hơn so với dự đoán của thị trường, tạo sức ép lên nhu cầu của người tiêu dùng và thị trường nhà ở.

Gần một nửa số người tham gia thị trường hiện kỳ vọng lãi suất cho vay của FED sẽ tăng trên 3,7% vào cuối năm, tăng so với tỷ lệ dự đoán chỉ 40% một tuần trước đó.

Sự chú ý đang hướng về bài phát biểu của Chủ tịch FED Jerome Powell tại Hội nghị kinh tế thường niên ở thung lũng Jackson Hole (thuộc bang Wyoming của Mỹ) vào ngày 26/8 (giờ địa phương) nhằm có được bất kỳ manh mối nào về lộ trình bất kỳ tăng lãi suất của ngân hàng này. Ông Powell có thể sử dụng cơ hội này để “hạ nhiệt” kỳ vọng của các nhà đầu tư về việc cắt giảm lãi suất vào năm 2023. Cuộc họp của Ủy ban chính sách tiền tệ (FOMC) của FED dự kiến diễn ra vào hai ngày 20-21/9 cũng có thể sẽ dẫn đến sự biến động của thị trường.

Tuy nhiên, theo ông Sam Stovall, Giám đốc chiến lược đầu tư của CFRA, đợt phục hồi mạnh mẽ kể từ tháng Sáu cho thấy chỉ số S&P 500 sẽ tiếp tục phục hồi tới tháng 12 năm nay và sẽ không thiết lập một mức thấp mới.

Mặc dù các nhà quản lý quỹ nhìn chung vẫn bi quan về triển vọng của thị trường, tỷ lệ đầu cơ giá lên và đầu cơ giá xuống đã được cải thiện kể từ tháng 7/2022. Bên cạnh đó, ngân hàng Goldman Sachs cho biết, việc sử dụng đòn bẩy của các quỹ đầu cơ - một tín hiệu cho thấy sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của họ - đã ổn định kể từ tháng Sáu và hiện ở gần mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020.