Chứng khoán tháng 5: Thị trường chờ kết quả đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ
Vào ngày 2/4, Mỹ công bố thuế đối ứng, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia chịu mức cao nhất là 46%, tạo ra làn sóng bán tháo mạnh trên thị trường chứng khoán. VN-Index giảm mạnh 6,7% vào ngày 3/4 và giảm tổng cộng 17% từ ngày 3/4 đến ngày 9/4, xuống 1.094,3 điểm - mức thấp nhất trong 16 tháng kể từ tháng 12/2023.
Tuy nhiên, tâm lý nhanh chóng phục hồi sau khi Mỹ công bố tạm ngừng áp thuế đối ứng trong 90 ngày đối với gần như tất cả các đối tác thương mại. VN-Index tăng mạnh 6,8% vào ngày 10/4 và tiếp tục phục hồi trong các phiên tiếp theo, tăng tổng cộng 13,4% từ ngày 10/4 đến ngày 14/4. Tuy nhiên, nhà đầu tư vẫn duy trì tâm lý thận trọng trong nửa cuối tháng, khiến VN-Index đóng cửa tháng 4 ở mức 1.226,3, giảm 6,2% so với tháng trước.
Mặc dù có nhiều biến động với mức giảm 3,2% trong 4T 2025, VN-Index vẫn diễn biến vượt trội hơn so với SET của Thái Lan (-14,5%) và JCI của Indonesia (-4,4%), mặc dù kém hơn một chút so với PCOMP của Philippines (-2,7%).
Bất động sản và Dịch vụ Tiêu dùng là 2 ngành duy nhất ghi nhận mức tăng nhẹ trong tháng 4. Ngành Bất động sản vẫn duy trì khả quan, tăng 1,1%, chủ yếu nhờ diễn biến tích cực của VHM (+13,8%), VIC (+17,2%), VRE (+23,5%) và NVL (+10,7%).
Trong khi đó, ngành Dịch vụ Tiêu dùng tăng nhẹ 0,4%, được hỗ trợ bởi đà tăng của HVN (+9,3%), MWG (+3,1%) và FRT (+1,7%). Ngược lại, ngành Dầu khí (-15,6%), Vật liệu (-11,4%) và Bảo hiểm (-11,1%) là những ngành giảm điểm mạnh nhất trong tháng.
Hoạt động giao dịch tăng mạnh, với thanh khoản trên HSX đạt mức cao nhất trong hơn một năm. Giá trị giao dịch trung bình ngày (GTGDTBN) trên HSX tăng lên 921,2 triệu USD (+14,3% MoM), trong khi tổng GTGDTBN trên cả 3 sàn tăng lên 1,0 tỷ USD (+14,5% MoM) — đánh dấu tháng tăng thứ 3 liên tiếp. Tuy nhiên, trong quý 1/2025, tổng GTGDTBN của 3 sàn vẫn giảm 16,3% YoY, đạt 776 triệu USD.
Khối ngoại tiếp tục bán ròng tháng thứ 15 liên tiếp. Trong tháng 4, NĐTNN bán ròng 501 triệu USD trên HSX, 17,0 triệu USD trên HNX và 24,5 triệu USD trên UPCoM, dẫn đến tổng giá trị bán ròng là 542 triệu USD trên cả 3 sàn. Khối ngoại bán ròng chủ yếu VIC (-162,2 triệu USD), FPT (-70,6 triệu USD) và MBB (-53,9 triệu USD).
Ngược lại, khối ngoại mua ròng chủ yếu HPG (+50,4 triệu USD), MWG (+47,7 triệu USD) và GEX (+18,5 triệu USD). Trong 4T 2025, hoạt động bán ròng của khối ngoại được ghi nhận tại JCI của Indonesia (-3,1 tỷ USD), SET của Thái Lan (-1,6 tỷ USD), VNI của Việt Nam (-1,5 tỷ USD) và PCOMP của Philippines (-264 triệu USD).
Mùa báo cáo KQKD quý 1 kết thúc với tổng LNST sau lợi ích CĐTS báo cáo của 79 cổ phiếu trong danh mục theo dõi của chúng tôi tăng 7% YoY và hoàn thành 23% dự báo cả năm 2025 của chúng tôi.
Công ty Chứng khoán VietCap cho rằng một số yếu tố có thể hỗ trợ tâm lý thị trường trong tháng 5 bao gồm: Hoạt động sản xuất và xuất khẩu có thể hưởng lợi trong ngắn hạn do các công ty Mỹ có khả năng đẩy nhanh việc mua hàng tồn kho từ Việt Nam trong thời gian tạm ngừng áp thuế đối ứng 90 ngày (xuất khẩu sang Mỹ tăng 34% YoY trong tháng 4 và 25,1% YoY trong 4T 2025).
Hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào hoạt động từ ngày 5/5, với kỳ vọng cải thiện cơ sở hạ tầng thị trường và niềm tin nhà đầu tư. Kỳ họp thứ 9 của Quốc hội bắt đầu vào ngày 5/5 và dự kiến sẽ đưa ra những sáng kiến quan trọng, bao gồm thảo luận về sửa đổi hiến pháp và sáp nhập tỉnh.
Tuy nhiên, nhà đầu tư có thể vẫn thận trọng khi thị trường chờ đợi kết quả đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ.
Tại thời điểm cuối tháng 4, hệ số P/E trượt của VN-Index là 12,3 lần so với PCOMP của Philippines là 11,3 lần, JCI của Indonesia là 14,7 lần và SET của Thái Lan là 15,8 lần.