Chứng khoán toàn cầu đối mặt với 'mùa Đông buốt giá' trong thời gian tới
Thị trường cổ phiếu dường như tận hưởng một thời kỳ “đẹp như mơ” trong thập kỷ trước, song lại đang phải chật vật để thoát khỏi những đợt giảm sâu từ nửa đầu năm nay do những lo ngại về nền kinh tế toàn cầu. Điều này cho thấy một kịch bản hoàn toàn thay đổi có thể sắp xảy ra.
Hầu hết các chỉ số chứng khoán chính đều chạm mức thấp nhất kể từ đầu năm trong quý II vừa qua. Dù đã phục hồi phần nào kể từ đó, nhưng chúng vẫn còn một khoảng cách khá lớn để “san lấp” những mất mát từ đầu năm đến nay. Chỉ số chứng khoán toàn cầu MSCI vẫn giảm 16% kể từ đầu năm 2022.
Lisa Shalett, Giám đốc Đầu tư tại Morgan Stanley Wealth Management, cho biết: “Đà tăng ấn tượng gần đây vẫn không thay đổi diễn biến của thị trường gấu (chỉ xu hướng giảm). Tình trạng lạm phát cao được dự kiến còn lâu nữa mới được chế ngự. Ước tính lợi nhuận của khối doanh nghiệp cần được điều chỉnh và thị trường chứng khoán không được hỗ trợ bởi các động lực thị trường khác".
Các cuộc thăm dò của Reuters được thực hiện vào ngày 9-23/8 vừa qua với ý kiến của hơn 150 nhà phân tích thị trường chứng khoán cho thấy, gần như tất cả 17 chỉ số được khảo sát chỉ có thể ghi nhận mức tăng một con số trong thời gian còn lại của năm nay. Nếu thành hiện thực, điều đó sẽ không đủ khả năng bù đắp mức giảm hai con số mà những chỉ số đó đã chứng kiến kể từ đầu năm nay.
Hiện cũng còn nhiều hoài nghi về việc liệu các chỉ số chứng khoán đó có đạt được những ước tính trung bình trên, vốn đã bị hạ thấp so với các cuộc thăm dò trước đó, hay không. Hơn 60% các chiến lược gia tham gia khảo sát của Reuters dự báo thị trường chứng khoán cuối năm 2022 nghiêng về phía giảm. Chỉ hơn 30% số chuyên gia dự báo theo hướng ngược lại.
Tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại, cùng với việc các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới tăng lãi suất để đạt được sự ổn định về giá cả, có khả năng khiến giá cổ phiếu không thể tăng lên mức đỉnh trước đó hoặc chạm đỉnh mới.
Sebastian Raedler, người đứng đầu mảng chiến lược cổ phiếu châu Âu tại BofA, cho biết: "Chúng tôi kỳ vọng đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục giảm dần, nhân tố đẩy thị trường chứng khoán đi xuống. Mặc dù một số dữ liệu kinh tế vĩ mô gần đây khá thuận lợi, song chúng tôi tin rằng điều này không thay đổi câu chuyện cơ bản".
Ông Raedler nhấn mạnh xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), tình trạng thiếu hụt nguồn cung cấp khí đốt tiềm tàng ở châu Âu và cuộc khủng hoảng nợ trên thị trường bất động sản Trung Quốc là những rủi ro lớn đối với thị trường chứng khoán.
Mặc dù những yếu tố đó được dự đoán sẽ khiến tính bất ổn của thị trường duy trì mạnh mẽ trong năm nay, song vẫn có sự chia rẽ giữa các chiến lược gia về việc nên hay không nên bán tháo cổ phiếu. Chỉ hơn một nửa số chuyên gia (57 trong số 108 người) cho biết khả năng xảy ra một đợt bán tháo lớn nữa trong quý IV/2022 là rất thấp.
Trong khi thị trường chứng khoán toàn cầu được dự báo sẽ kết thúc năm nay trong sắc đỏ, thì các thị trường châu Âu, hiện đang đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng nặng nề, sẽ là trường hợp tồi tệ nhất.
Một cuộc thăm dò của Reuters cho thấy, sự phục hồi gần đây của thị trường chứng khoán châu Âu có vẻ sẽ bị đình trệ và không lấy lại mức của cuối năm 2021, do lo ngại về sự suy giảm nguồn cung năng lượng, tăng trưởng kinh tế chậm lại và lạm phát cao nhất hàng thập kỷ.
Ngay cả chỉ số S&P 500 của Mỹ cũng được dự đoán sẽ kết thúc năm 2022 thấp hơn gần 10% so với mức khởi đầu năm. Chỉ các thị trường mới nổi như Ấn Độ, Brazil và Mexico được dự báo là sẽ có mức tăng đáng kể trong năm 2022.