Chuỗi Tokyo Deli kinh doanh thế nào trước khi đóng một loạt cửa hàng

22:07 | 10/03/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Tokyo Deli là thương hiệu quen thuộc về ẩm thực Nhật Bản tại Việt Nam, nhưng dịch COVID-19 khiến chuỗi nhà hàng này phải đóng cửa một loạt cơ sở.
Nhà ở phố Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân, Hà Nội), trước đây cuối tuần, anh Minh Tùng (48 tuổi) thường cùng vợ con đi bộ sang nhà hàng Tokyo Deli tại tòa nhà Comatce, Ngụy Như Kon Tum, để thưởng thức đồ ăn Nhật.
 
Tuy nhiên, cửa hàng dừng hoạt động khiến gia đình anh từ bỏ thói quen này. Anh Tùng cho biết nếu muốn duy trì thói quen, 4 người nhà anh phải đi 1,3 km để sang cơ sở tại Hoàng Đạo Thúy của Tokyo Deli. Nhà chưa có ôtô, nên việc di chuyển bằng 2 xe máy theo anh Tùng là bất tiện.
 
Thực tế, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Tokyo Deli đã phải thông báo đóng cửa 2 trên 5 cơ sở ở Hà Nội, gồm tại Ngụy Như Kon Tum và D2 Giảng Võ. Trong khi đó, hệ thống vẫn cố gắng duy trì 12 chi nhánh tại TP.HCM (trước đó là 15 chi nhánh).
 
Chuỗi Tokyo Deli kinh doanh thế nào trước khi đóng một loạt
Nhà hàng Tokyo Deli đầu tiên được mở tại Phú Mỹ Hưng vào năm 2007. Mô hình kinh doanh là sự hợp tác giữa Công ty Okamura Foods - Japan (công ty Nhật hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và phân phối các sản phẩm thủy hải sản tại Nhật Bản và châu Âu) và Công ty cổ phần Thực phẩm Trung Sơn (có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến và xuất khẩu hải sản cao cấp cho Nhật Bản).
 
Bước chân vào thị trường, Tokyo Deli ngay lập tức tạo được tiếng vang đối với thực khách ưa chuộng ẩm thực Nhật Bản. Chỉ sau 7 năm, hệ thống này đã khai trương chi nhánh thứ 10.
 
Hiện nay, chủ chuỗi nhà hàng Tokyo Deli là Công ty TNHH Thực phẩm Tân Việt Nhật.
 
Công ty Tân Việt Nhật được thành lập vào cuối năm 2008, với ngành nghề kinh doanh chính là nhà hàng và các dịch vụ ăn uống phục vụ lưu động. Công ty cũng đăng ký thêm một số ngành nghề liên quan đến thực phẩm như sản xuất món ăn, thức ăn chế biến sẵn; bán buôn thực phẩm; bán buôn đồ uống; dịch vụ đóng gói.

Trụ sở của Tân Việt Nhật được đặt tại quận 1, TP.HCM. Ông Ngô Thanh Hậu (sinh năm 1964) là người đại diện theo pháp luật, đồng thời là tổng giám đốc công ty.
 
Giai đoạn 2016-2019, nguồn thu của Tân Việt Nhật tăng trưởng đều hàng năm. Năm 2016, doanh thu thuần của chủ chuỗi nhà hàng Nhật Bản ở mức 162 tỷ đồng, lãi gộp 42 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận gộp 26% (tương đối thấp so với một số doanh nghiệp cùng ngành).
 
Thậm chí, lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn hơn 5 triệu đồng. Doanh nghiệp chưa kiểm soát tốt các khoản phải chi. Sang năm 2017 và 2018, lãi ròng của công ty có bước nhảy vọt, lần lượt đạt 3,6 tỷ đồng và 3,7 tỷ, doanh thu thuần tương ứng là 173 tỷ đồng và 177 tỷ.
 
Đến năm 2019, chủ chuỗi Tokyo Deli ghi nhận doanh thu thuần ở mức 188 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước đó. Công ty cũng báo lãi gộp và lãi thuần tăng, lần lượt đạt 51 tỷ đồng và 4 tỷ.
 
Tại thời điểm ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Tân Việt Nhật là 81 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 36 tỷ đồng, chiếm 44%. Nợ ngắn hạn là 17 tỷ đồng, nợ dài hạn 28 tỷ.
 
Theo Zing