Chuyển đổi số là chìa khóa cốt lõi để vận hành doanh nghiệp
Chuyển đổi số và những con số biết nói
Số liệu trên Chuyên trang Ictnews của báo VietNamNet đã chỉ ra rằng, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 700.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, sử dụng khoảng một nửa lực lượng lao động và chiếm đến 97,5% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động thực tế. Các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 40% GDP hàng năm.
Chuyển đổi số đang là xu thế tất yếu của doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ là trung tâm của nền kinh tế quốc gia, do đó việc hỗ trợ họ cạnh tranh trong nước và quốc tế là điều thiết yếu. Để làm được việc này, các công ty cần chú trọng tận dụng nguồn lực từ công nghệ tiên tiến nhằm tối ưu chi phí và gia tăng năng suất.
Cuối năm 2019, Công ty Dữ liệu Quốc tế (IDC) ghi nhận, có 2/5 doanh nghiệp nhỏ tại Châu Á đã triển khai kế hoạch hành động chiến lược cho chuyển đổi số.
Tại Việt Nam, khảo sát của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin cho thấy, khoảng 15% doanh nghiệp đang tiến hành chuyển đổi số, 30% đã tìm hiểu và sẵn sàng mọi nguồn lực cho chuyển đổi số.
Cũng theo báo cáo từ IDC về nhận định tầm quan trọng của chuyển đổi số với các doanh nghiệp, có 90% doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề chuyển đổi số, trong đó, có 30% chủ doanh nghiệp đánh giá đây là vấn đề sống còn với mỗi doanh nghiệp. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng hiểu đúng và áp dụng phù hợp chuyển đổi số vào chính quy mô, lĩnh vực đang kinh doanh.
Trao đổi trên tờ Tạp chí điện tử Tài chính, bà Vũ Thị Hồng Nhung, Phó giám đốc Công ty cổ phần VietRAP cho rằng, mặc dù có tới 90% số doanh nghiệp quan tâm đến nền kinh tế số, nhưng lại có hơn 70% số doanh nghiệp đang băn khoăn không biết làm gì để đón nhận và sẵn sàng trong bối cảnh hiện nay.
Nhiều doanh nghiệp vẫn có xu hướng sử dụng lao động thủ công để thay thế máy móc. Thêm vào đó là tình trạng thiếu hụt nhân lực chuyên trách về công nghệ thông tin vẫn diễn ra phổ biến, có đến 66% số doanh nghiệp không có cán bộ chuyên trách về công nghệ thông tin.
"Đến thời điểm này, khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn có quy mô và năng lực công nghệ khả năng cạnh tranh rất hạn chế. Mặc dù ở một số tập đoàn kinh tế tư nhân đã được hình thành nhưng việc áp dụng kinh tế số lại ở các lĩnh vực tài chính, kinh doanh bất động sản. Trong các doanh nghiệp nhỏ và và vừa chưa chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc cách mạng 4.0 và còn nhiều hạn chế nên rất bị động với xu thế mới", bà Nhung nói.
Chìa khóa cốt lõi để vận hành doanh nghiệp
Dưới tác động của đại dịch COVID-19, việc sản xuất đồ gỗ tại Trung Quốc bị đình trệ, hầu hết các nhà máy chưa hoặc sản xuất cầm chừng, gây ra sự đứt gãy chuỗi cung ứng. Hiện nay, các khách hàng lớn tại Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật Bản,… càng quan tâm nhiều hơn đến thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc và Đông Nam Á trở nên thị trường thay thế lý tưởng trong đó Việt Nam là ứng viên sáng giá nhất trong khu vực.
Theo báo Đầu tư, ngoài ra, các hiệp định CPTPP/EVFTA đi vào thực thi càng tăng khả năng kết nối cũng như các ưu đãi thuế quan giữa Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới, nhiều thị trường mới được mở ra. Thế giới đang trong giai đoạn khủng hoảng nguồn cung, nguồn lực sản xuất Việt Nam đã sẵn sàng, các doanh nghiệp gỗ cần tiếp cận thị trường càng sớm càng tốt, doanh nghiệp cần phải nhanh, năng động để đón lấy cơ hội thị trường.
Ở chiều ngược lại, mô hình kinh doanh chuỗi cửa hàng truyền thống lại gặp rất nhiều khó khăn vì chi phí vận hành quá lớn, kém năng động, một điển hình gần đây là việc đăng ký phá sản của Peer 1 Import – một hệ thống kinh doanh đồ nội thất rất lớn tại Mỹ, buộc họ phải cải tổ để đi tiếp.
Đứng trước một cuộc khủng hoảng thường là điểm mốc của sự thay đổi, một doanh nghiệp có khả năng thích ứng nhanh sẽ tận dụng tốt các cơ hội phát triển từ thị trường.
Thống kê 7 tháng đầu năm từ Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), gần 63.500 doanh nghiệp đã rút khỏi thị trường, tăng gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái, bình quân mỗi tháng khoảng 9.060 doanh nghiệp đóng cửa. Đây là những con số cho thấy rõ sự ảnh hưởng của COVID-19 đến nền kinh tế nước ta.
Bởi vậy, vấn đề chuyển đổi số không còn là câu chuyện xu hướng mà là một yêu cầu tất yếu với doanh nghiệp.
Chuyển đổi số được xem là chìa khóa cốt lõi để vận hành doanh nghiệp không chỉ ứng phó linh hoạt với biến động ngoại cảnh nhằm giảm thiểu các tác động tiêu cực mà còn là lời giải cho bài toán phát triển bền vững của mọi doanh nghiệp trong kỷ nguyên số.
Ngày 20/8 vừa qua, tại Hà Nội diễn ra hội thảo trực tuyến "Chuyển đổi số trong công tác điều hành quản trị doanh nghiệp".
Chinhphu.vn đưa tin, tại hội thảo này, ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch HANOISME, Chủ tịch HĐQT Sunhouse chia sẻ: "Một doanh nghiệp muốn hoạt động với quy mô lớn và tại nhiều vùng miền thì bắt buộc phải chuyển đổi số. Vì chỉ có công cụ số mới giúp người quản lý có thể điều hành được tất cả các phòng ban, các chi nhánh một cách tổng thể thay vì đơn lẻ, rời rạc.
Đồng thời, trong kỷ nguyên số, con người sử dụng điện thoại trung bình từ 8-10 tiếng một ngày, đòi hỏi doanh nghiệp cần tạo được sự liên kết dữ liệu trên nhiều nền tảng khác nhau, mới có thể chiếm ưu thế để phát triển bền vững".
Trong tình hình của năm 2020 hiện nay, duy trì sự tồn tại là ưu tiên hàng đầu của doanh nghiệp, hơn cả nhiệm vụ phát triển, tuy nhiên việc đổi mới vẫn cần được lưu tâm.
Mặc dù vậy, việc chuyển đổi số vẫn chủ yếu diễn ra ở các doanh nghiệp lớn, hầu hết doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về chi phí. Nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn, Chính phủ có Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa dành cho doanh nghiệp có dự án, phương án sản xuất - kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích của Nhà nước.
Trong giai đoạn COVID-19, Chính phủ cũng tung gói tín dụng quy mô 600.000 tỷ đồng, dành cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp lớn, tập đoàn và khách hàng cá nhân vượt qua khó khăn.
Lệ Vỹ (T/h)