Chuyên gia: Đà phục hồi lợi nhuận DN quý I đang chững, chưa thấy động lực bứt phá trong quý II

Diên Vỹ 08:04 | 26/04/2024 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Giám đốc Trung tâm Phân tích Chứng khoán ACB Đỗ Minh Trang dự báo lợi nhuận quý II của nhóm ngân hàng và bất động sản - hai nhóm góp tỷ trọng lớn trong lợi nhuận toàn thị trường - đang thiếu đi những động lực lớn để bứt phá.

Tại tọa đàm “Đọc vị kết quả kinh doanh quý I/2024 và triển vọng kinh tế Việt Nam” chiều 25/4, bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chứng khoán ACB (ACBS) nhận định rằng dựa trên dữ liệu các doanh nghiệp đã công bố báo cáo tài chính quý I đến nay, có thể thấy đà phục hồi của lợi nhuận nhiều khả năng đang gặp khó khăn.

  Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm Phân tích Chứng khoán ACB (ACBS)  

Cập nhật của FiinTrade đến hết ngày 23/4/2024 cho thấy, đã có 441 doanh nghiệp niêm yết đại diện 28% vốn hóa trên ba sàn công bố BCTC quý I, với tổng lợi nhuận sau thuế (LNST) tăng trưởng 19,7%. Trong đó, khối tài chính đạt tăng trưởng lợi nhuận 17,5% và khối phi tài chính là 24,6%.

Như vậy đây là quý thứ 3 liên tiếp mà LNST của các doanh nghiệp ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ, nhưng tốc độ tăng trưởng đạt được là thấp hơn đáng kể so với mức tăng 48% của quý IV/2023.

 Ảnh: FiinTrade

Nhìn vào 3 nhóm ngành có tỷ trọng đóng góp lớn vào cơ cấu lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết là nhóm ngân hàng, chứng khoán và bất động sản, bà Trang đánh giá triển vọng bứt phá lợi nhuận trong quý II là không nhiều.

Ngành ngân hàng: Đà phục hồi lợi nhuận đang chững lại, triển vọng quý II khó khả quan hơn quý I

Dữ liệu của ACBS về LNST quý I của hơn 20 ngân hàng niêm yết đến nay cho thấy mức tăng trưởng khoảng 4,5%, tức thấp hơn mức tăng trưởng của quý liền trước cũng như cùng kỳ năm ngoái.

 Ảnh: ACBS

Trong khi đó, theo bà Trang, quý I/2024 được kỳ vọng là một quý tương đối thuận lợi với ngành ngân hàng đối với thị trường chứng khoán (TTCK) do môi trường lãi suất thấp được duy trì trong suốt hầu hết các tháng cuối năm 2023 đến nay; cả lãi suất huy động thị trường 1 với người dân, lãi suất cho vay ra với doanh nghiệp và cá nhân, lãi suất OMO trên thị trường liên ngân hàng... 

Tuy nhiên, thực tế, tăng trưởng tín dụng mới chỉ dương trở lại trong tháng 3. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 25/3/2024, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 0,26%, chính thức "lên khỏi mặt đất" sau 2 tháng tăng trưởng âm. Còn theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 29/3/2024, tín dụng nền kinh tế tăng 1,34% so với cuối năm 2023.

Trong khi đó, nợ xấu vẫn cao, thu nhập dịch vụ và bảo hiểm giảm, ngân hàng không còn nhiều dư địa kinh doanh trái phiếu, bà Trang nhận định.

 Nguồn: ACBS

Nói thêm về vấn đề nợ xấu, vị chuyên gia từ ACBS chỉ ra rằng 2 giai đoạn nợ xấu tăng rất cao gần đây: giai đoạn đại dịch COVID-19 năm 2020 và giai đoạn khủng hoảng trên thị trường BĐS - TPDN năm 2023. 

“Trong giai đoạn COVID-19, thời điểm đó nhiều hoạt động bị tắc nghẽn nhưng hoạt động xuất nhập khẩu cùng các hoạt động kinh doanh khác vẫn tích cực, giúp cho chất lượng nợ xấu các ngân hàng ngay sau giai đoạn khó khăn này đã có sự cải thiện nhanh chóng. Tuy nhiên, đến giai đoạn 2023 khi xuất nhập khẩu và nhiều hoạt động kinh doanh khác bị ảnh hưởng do cầu tiêu dùng thế giới, tỷ lệ nợ xấu ngân hàng lại dâng cao dần”, bà Trang phân tích.

Theo bà Đỗ Minh Trang, khác với thời điểm quý IV/2020, hiện nay nợ xấu ngân hàng có xu hướng dai dẳng hơn, không sụt giảm nhanh. Trong khi đó chi phí trích lập dự phòng rủi ro cũng đang dâng cao. Do đó, vấn đề nợ xấu dự kiến sẽ một trong những tiêu điểm mà ngành ngân hàng cần xử lý trong năm 2024.

Dự báo cho triển vọng kinh doanh của ngành ngân hàng quý II tới, bà Trang cho rằng những yếu tố thuận lợi có vẻ đang giảm đi, thậm chí khó khăn hơn trong bối cảnh FED phát tín hiệu hạ lãi suất muộn hơn so với kỳ vọng, để ổn định tỷ giá VND thì có thể nền lãi suất chung sẽ phải điều chỉnh tăng lên. 

 

“Đối với ngành ngân hàng, triển vọng lợi nhuận quý II khó tăng trưởng tốt hơn quý I”.

Bà Đỗ Minh Trang, Giám đốc Trung tâm phân tích ACBS

Nhóm bất động sản: Nguồn cung mở bán mới quý I khá thấp, nguy cơ tác động triển vọng lợi nhuận cả năm

Đến thời điểm hiện tại, mặc dù chưa có nhiều công ty bất động sản (BĐS) công bố kết quả kinh doanh, tuy nhiên vị chuyên gia từ ACBS nhận định rằng với ngành này, doanh thu và lợi nhuận hiện tại sẽ là kết quả của hoạt động mở bán trong quá khứ, do đó hầu hết đã phản ánh vào việc tăng giá và triển vọng cổ phiếu của ngành. Như vậy tại thời điểm hiện nay, điều mà nhà đầu tư nên quan tâm là thực tế triển khai các dự án mới cũng như doanh số mở bán mới, bởi doanh số mở bán mới và doanh thu chưa nhận trước là hai yếu tố quan trọng để đánh giá hoạt động của các công ty BĐS cũng như triển vọng lợi nhuận tương lai.

Theo báo cáo quý I của CBRE, nguồn cung mở bán mới trong quý I/2024 của các doanh nghiệp BĐS vẫn còn khá thấp, thị trường chỉ thực sự sôi động hơn ở thời điểm gần cuối quý, tập trung vào phân khúc chung cư đô thị. Trên thị trường sơ cấp, lượng mở bán tương đối khiêm tốn: chỉ khoảng 2.300 căn tại HN và chưa đến 500 căn tại TP HCM. CBRE dự kiến nguồn cung nhà ở (cả chung cư và nhà đất) giai đoạn 2024-2026 tại thị trường Hà Nội khoảng 64.000 căn và TP HCM khoảng 42.000 căn.

 Ảnh: CBRE

“Theo số liệu mà chúng tôi thu thập từ VHM, KDH và NLG - 3 mã BĐS nhà ở tiêu biểu, trong năm 2023, khi thị trường BĐS đang trong giai đoạn rất khó khăn, doanh thu nhóm này vẫn đạt đỉnh do nó phản ánh kết quả của các hoạt động mở bán từ 2021-2022 và đến 2023 đã mở bán, bàn giao xong, ghi nhận doanh thu. 

Điều chúng tôi quan tâm hơn là khoản mục Người mua trả tiền trước đã sụt giảm khá nhiều trong 2023. Nếu tình hình này không được cải thiện nhiều trong các quý I và quý II năm nay, đó sẽ là dấu hiệu phản ánh lợi nhuận 2024-2025 của các doanh nghiệp BĐS nhiều khả năng sẽ trầm lắng thay vì kỳ vọng quay lại thời hoàng kim nhờ mặt bằng lãi suất thấp hay các chính sách gỡ vướng pháp lý…”, bà Trang nhận định.

 Thống kê tiến độ bán hàng và doanh thu dự án BĐS của 3 doanh nghiệp VHM, KDH và NLG cho thấy khoản mục Người mua trả tiền trước đã giảm đáng kể trong năm 2023. Ảnh: ABCS

Dù vậy, theo Giám đốc khối phân tích của ABCS, trong bức tranh chung chưa thực sự khởi sắc của thị trường BĐS, phân khúc BĐS khu công nghiệp (KCN) vẫn sẽ là điểm sáng nhờ hưởng lợi từ xu hướng thu hút FDI tích cực.

Vị chuyên gia dẫn số liệu từ báo cáo của CBRE cho biết tỷ lệ lấp đầy BĐS KCN tại miền Bắc hiện là khoảng 80% và miền Nam là khoảng 89% trong khi giá thuê tiếp tục xu hướng tăng cao (đặc biệt giá thuê BĐS KCN miền Bắc năm qua ghi nhận mức tăng tới 7,8%). Triển vọng tăng giá trong một vài năm sắp tới được dự báo ở khoảng 3-7%.

Công ty chứng khoán: Thanh khoản quý II dự báo vẫn trầm lắng, nhưng triển vọng cả năm là khả quan

Theo dữ liệu của ACBS dựa trên báo cáo tài chính các công ty chứng khoán (CTCK), mức tăng trưởng LNST quý I/2024 ước tính khoảng 72,7% so với cùng kỳ và tăng 21,1% so với quý liền trước.

 Ảnh: ACBS

Lợi nhuận ngành chứng khoán theo bà Trang đánh giá có sự tương quan rất lớn với thanh khoản thị trường, do khi thanh khoản tăng cao, phí giao dịch tăng, phí cho vay margin tăng củng cố nguồn thu của các CTCK. Thực tế, thanh khoản thị trường sau khi chạm đáy vào quý I/2023 đã có sự phục hồi trong những quý gần đây, do đó hỗ trợ lợi nhuận ngành chứng khoán.

Đánh giá triển vọng lợi nhuận nhóm CTCK trong năm nay, bà Trang cho hay: “Có thể có rủi ro tăng lãi suất trong thời gian tới, nhưng chúng tôi cho rằng mức tăng là không đáng kể và sẽ không phương hại đến nhu cầu vay nợ để thực hiện giao dịch kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp và người dân. Mức tăng đó theo chúng tôi cũng chưa đủ lớn để hấp dẫn dòng tiền tiết kiệm đổ lại vào ngân hàng, vì thế kênh TTCK vẫn sẽ được hưởng lợi từ dòng tiền của NĐT cá nhân. Ngoài ra, TTCK Việt Nam cũng đang đứng trước triển vọng nâng hạng, do đó kỳ vọng thanh khoản từ các tổ chức nước ngoài, quỹ đầu tư. 

Do đó, dù dự báo thanh khoản quý II vẫn tương đối trầm lắng, chúng tôi cho rằng triển vọng thanh khoản cả năm 2024 là rất khả quan và có thể tiệm cận mức thanh khoản hồi năm 2022. Đặc biệt nếu Việt Nam thực hiện thành công những bước đi để nâng hạng thị trường vào 2025, triển vọng thanh khoản thị trường sẽ rất mạnh mẽ. Đấy là điều sẽ hỗ trợ hoạt động kinh doanh của các CTCK”.

 Nhìn vào bức tranh VN-Index, tính đến 24/4, P/E toàn thị trường là 14,1, sát với P/E trung vị nhiều năm (P/E trung vị 3 năm đang ở khoảng 14-14,5). Giám đốc khối phân tích của ABCS nhận định trong khi triển vọng lợi nhuận quý II của nhóm ngân hàng và BĐS đang thiếu đi những động lực lớn để bứt phá, thì P/E nhìn đến cuối quý II dự kiến vẫn dao động ở vùng này.

“Chiến lược với NĐT là khi khó thấy được triển vọng tăng trưởng lợi nhuận bứt phá trong khoảng 1-2 quý tới, cần cân nhắc đến việc lựa chọn các cổ phiếu ngách, có khả năng tăng trưởng bền vững”, bà Đỗ Minh Trang gợi ý.