Chuyên gia 'hiến kế' giải quyết bài toán đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu

Lạc Lạc 13:45 | 27/06/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Lập sàn đấu giá xăng dầu để giải quyết vấn đề nguồn cung và giá là kiến nghị của chuyên gia trong buổi công bố kết quả nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình” do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức sáng 27/6 tại Hà Nội.

 

Nhiều rào cản cho việc gia nhập thị trường bán lẻ xăng dầu 

Theo nghiên cứu “Những đặc điểm cần lưu ý của thị trường xăng dầu Việt Nam và sự ảnh hưởng đến phúc lợi hộ gia đình”  từ VESS, nhóm nghiên cứu cho rằng thị trường xăng dầu Việt Nam hiện nay có tính “độc quyền”. Theo VESS, 4 doanh nghiệp lớn chiếm lĩnh hơn 80% thị trường, khác so với các thị trường trên thế giới là những doanh nghiệp chiếm thị phần khá tương đồng nhau. 

Việc “độc quyền” này xuất phát từ những đặc điểm của quá khứ, của lịch sử. Vào thời điểm bao cấp, chiến tranh, trạng thái tập trung tối đa vào ngành điện, xăng dầu,... Bước sang cơ chế thị trường, di sản của việc độc quyền đó vẫn còn. VESS cho rằng việc việc này đã tạo rào cản và cản trở doanh nghiệp khác tham gia kinh doanh xăng dầu. 

Thêm vào đó, còn nhiều rào cản cho việc gia nhập thị trường bán lẻ xăng dầu. Tiêu biểu nhất là việc tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền chỉ được mua xăng dầu từ một nguồn cung duy nhất. Việc này đã khiến giảm tính cạnh tranh giữa các bên cung xăng dầu (bán buôn) đối với doanh nghiệp bán lẻ; giảm vị thế trong kinh doanh của bên bán lẻ trong đàm phán kinh doanh với bên cung xăng dầu; tăng rủi ro thiếu hàng khi nguồn cung cấp bị thiếu hụt. Ngoài ra, tổng đại lý, đại lý, thương nhân nhận quyền muốn đổi nguồn cung cấp phải thực hiện nhiều thủ tục hành chính (như lập mới từ đầu sau khi bán hết hàng cũ), điều này khiến đứt gãy chuỗi kinh doanh.

Từ phân tích này, VESS đề xuất thay đổi chính sách liên quan cho phép doanh nghiệp bán lẻ có thể mua xăng dầu từ nhiều nguồn cung cấp khác nhau, tạo cạnh tranh về giá và chất lượng xăng dầu bán lẻ.

 

Ở một góc nhìn khác, PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) trao đổi với PV bên lề sự kiện: “Xăng dầu không phải thị trường có tính chất độc quyền”. Thực tế, đây là thị trường có các doanh nghiệp thống lĩnh. (Doanh nghiệp được coi là có vị trí thống lĩnh thị trường nếu có thị phần từ 30% trở lên trên thị trường liên quan hoặc có khả năng gây hạn chế cạnh tranh một cách đáng kể. Hai doanh nghiệp có tổng thị phần từ 50% trở lên, ba doanh nghiệp có tổng thị phần từ 65% trở lên).

Việc phân định thị trường có tác động rất lớn đến sự điều chỉnh về giá. Trong thị trường có doanh nghiệp thống lĩnh, nhà nước sẽ quy định giá trần. Còn thị trường độc quyền thì doanh nghiệp sẽ công bố định mức cụ thể.  

 

 PGS. TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính). Ảnh: Trang Mai

 

Lập sàn đấu giá xăng dầu để giải quyết vấn đề nguồn cung và giá 

Ông Phạm Ngọc Hùng, Chuyên gia xăng dầu nhận định: “Thực tế nghị định 83/2014/NĐ-CP kinh doanh xăng dầu đến nay đã gần chục năm, bộc lộ không ít điểm bất cập mà Nhà nước, Bộ Công Thương cùng các cơ quan chức năng đang nghiên cứu sửa đổi. 

Theo tôi, những sửa đổi về thị trường xăng dầu Việt Nam đều hướng về sự minh bạch, hệ thống điều hành theo nền kinh tế thị trường, có sự cạnh tranh và làm sao để người dân hưởng dân hưởng lợi nhất. Đồng thời đảm bảo nền an ninh năng lượng đất nước, tránh lợi ích nhóm trong kinh doanh xăng dầu”.

Bàn về chính sách xăng dầu, ông Hùng cho biết, nếu nhà nước can thiệp quá sâu vào thị trường thì sẽ đi ngược với xu thế thị trường hoá mà ta đang phấn đấu. 

Theo chuyên gia, có vài điểm cần phải lưu ý và sửa đổi trong nghị định 83, tiêu biểu là cách hạch toán giá. Theo quy định 15 ngày đổi giá 1 lần, sau đó giảm còn 10 ngày, 7 ngày. Các đơn vị kinh doanh phải tính được khi mua về, bán được, có lãi bao nhiêu. Kể cả nhập khẩu và hàng trong nước, phải ký hợp đồng, bơm dầu vào, vận tải, xả dầu ra, lưu kho,... Do đó, với số lượng ngày ngắn, chưa kịp triển khai thì giá đã thay đổi. 

 

“Các doanh nghiệp xăng dầu đang trở thành những “con bạc”, “đánh bạc” với chính sách”.

Ông Phạm Ngọc Hùng, chuyên gia xăng dầu

Để giải quyết những hạn chế này, ông Hùng đề xuất lập sàn đấu giá xăng dầu. Việc lập sàn để doanh nghiệp có thể căn giá, lấy giá của thị trường Việt Nam, không phụ thuộc vào nước ngoài, vận tải, nhập khẩu và rất minh bạch. 

Việc khó khăn nhất với doanh nghiệp hiện nay là lượng kho chứa. Doanh nghiệp cần phải đáp ứng quy định để đảm bảo an ninh năng lượng. Nhưng đến doanh nghiệp lớn như Petrolimex cũng rất khó để xây những kho chứa theo quy định. 

Nếu lập sàn đấu giá, những đơn vị muốn tham gia phải có kho cung ứng trực tiếp. Đáp ứng yêu cầu cung ứng nhanh, chất lượng tốt, hậu mãi ổn định thì sẽ chiếm được thị trường, không chỉ tập trung vào yếu tố giá. Qua đó góp phần tăng lượng dự trữ xăng dầu, giải quyết bài toán an ninh năng lượng cho đất nước. 

Ngoài ra, việc này sẽ giúp minh bạch giá, tránh được lợi ích nhóm, sự độc quyền. Dẫn số liệu của VESS, ông Hùng cho biết hiện nay có 37 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, trong đó 6 công ty đã chiếm tới 88%, còn lại 31 doanh nghiệp chiếm 12%, hầu hết là doanh nghiệp tư nhân. 

Phân tích về nguyên nhân khiến chuỗi cung ứng có sự đứt đoạn như thời gian qua, vị chuyên gia này cho rằng, những doanh nghiệp lớn như Petrolimex có lượng tiền lớn nên có thể chịu lỗ trong 1-2 lần nhập khẩu xăng dầu. Thế nhưng doanh nghiệp nhỏ thì không thể chịu lỗ trong việc thay đổi giá. Do đó, họ chỉ dám nhập một lượng rất ít. Xét về cơ chế bán hàng, mỗi thương nhân phân phối chỉ bá được cho một tổng, đại lý, cửa hàng,... để đảm bảo việc duy nhất là chất lượng và giá cả. 

Trên thực tế, doanh nghiệp, đại lý xăng dầu hết hàng nhưng cũng không thể nhập từ chỗ khác theo quy định. Đồng thời giá chiết khấu mỗi đơn vị cũng khác nhau. Giá mua vào sẽ tác động trực tiếp đến giá bán. 

“Công ty xăng, cửa hàng, đại lý gặp khó khăn vì nguồn cung đứt gãy, giá cả không thể cạnh tranh. Thêm vào đó, tạo ra một thực tế là nhiều cửa hàng xăng dầu chỉ đăng ký, treo biển thương nhân nhượng quyền. Ví dụ họ bán được 300 khối chỉ đăng ký 50-100 khối, còn lại lấy từ nguồn khác. Điều này tạo ra việc buôn lậu xăng dầu”, ông Hùng nói thêm.