Chuyên gia kinh tế: Kiến nghị giảm lãi suất 3-5%/năm là viển vông, thiếu thực tế

12:26 | 13/08/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 3-5%/năm để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất và phát triển là đề xuất "viển vông", thiếu thực tế.

Ngày 8/8, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Thủ tướng Chính phủ làm việc với đại diện doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các địa phương, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội đã có 10 kiến nghị gửi đến Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp.

Trong đó, đáng chú ý là kiến nghị thứ 8 của Hiệp hội này đề nghị Chính phủ hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn và tài chính cho doanh nghiệp, đề nghị Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, cho phép tiếp tục thực hiện chính sách cơ cấu nợ vay, giãn nợ vay đối với khoản nợ phát sinh trong năm 2020 - 2021 và không chuyển nhóm nợ cho đến hết 31/12/2021. (Thông tư số 01/2020-TT-NHNN quy định chỉ áp dụng cho những khoản nợ vay phát sinh trước ngày 31/12/2020); chỉ đạo hệ thống ngân hàng áp dụng các giải pháp hỗ trợ về vốn cho daonh nghiệp. Trong đó, giảm từ 3 - 5% lãi suất cho vay; Cơ cấu lại thời hạn trả nợ; Giữ nguyên nhóm nợ; Cho vay mới để doanh nghiệp bổ sung vốn lưu động khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, mở rộng đối tượng được giảm 2% lãi suất cho vay trực tiếp (theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020), cho vay gián tiếp không chỉ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mà thêm doanh nghiệp trong các ngành bị tác động trực tiếp nặng nề bởi dịch bệnh như hàng không, du lịch, khách sạn, vận tải…; Ban hành cơ chế hỗ trợ lãi suất cho khoản vay tín dụng trong năm 2021 - 2023 để giúp các doanh nghiệp giải quyết thanh khoản, duy trì nguồn lực để hoạt động và phát triển (tương tự như gói hỗ trợ của Chính phủ cho Vietnam Airline).

Chuyên gia kinh tế: Kiến nghị giảm lãi suất 3-5%/năm là viển vông, thiếu thực tế - ảnh 1

Doanh nghiệp SME Hà Nội đề xuất Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo giảm 3-5%/năm lãi suất cho vay. (Ảnh: CTG)

Kiến nghị giảm lãi suất từ 3-5%/năm là “viển vông”

Bàn về kiến nghị này của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, báo Dân Việt dẫn ý kiến 1 số chuyên gia cho rằng, kiến nghị ngân hàng giảm lãi suất cho vay từ 3-5%/năm để các doanh nghiệp phục hồi sản xuất và phát triển, là đề xuất "viển vông", thiếu thực tế.

Cụ thể, tờ báo này nêu ý kiến của 1 giảng viên tại trường Học viện Ngân hàng cho hay, việc giảm lãi suất cho vay tới 5% là vấn đề vô cùng khó trong bối cảnh hiện nay, nếu không dám nói là không khả thi.

Theo phân tích của vị giảng viên này, lãi suất tiết kiệm cộng với NIM (tức là biên lãi ròng) của ngân hàng, hiện bình quân khoảng từ 3 - 3,5% sẽ ra lãi suất cho vay. Hiện tại, các ngân hàng thương mại trên thế giới, NIM thường giao động từ 2,2 – 2,5%, cũng có một số ngân hàng gần 3%.

Nếu chiếu theo quốc tế, NIM của các ngân hàng thương mại trong nước chỉ có thể giảm thêm 1%, tức lãi suất cho vay cũng chỉ giảm mức tương ứng.

“Thực tế, trong tháng 7 và tháng 8 này các ngân hàng cũng đang triển khai giảm lãi suất cho vay với các doanh nghiệp, theo thống kê mức giảm bình quân khoảng 1%, cá biệt có ngân hàng giảm tới 3% cho một số đối tượng khách hàng. Như vậy, dư địa giảm lãi suất gần như bằng 0”, vị chuyên gia này cho biết.

Đồng quan điểm, PGS.TS Ngô Trí Long - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính) nêu quan điểm, trong khi "miếng bánh" giảm lãi vay của các ngân hàng có hạn nhưng doanh nghiệp nào cũng muốn "cắt miếng to", như thế không được.

Vị chuyên gia này phân tích, bản thân ngân hàng cũng là doanh nghiệp, huy động tiền gửi của dân về cho vay và giữa 2 lãi suất huy động và lãi suất cho vay hiện nay chỉ chênh lệch khoảng trên 3%. Trong khi đó, doanh nghiệp đòi giảm từ 3-5%, vậy ngân hàng sống bằng gì?

Ông Long nhấn mạnh: "Giả sử lãi suất huy động và cho vay chênh lệch khoảng 5 đến 10% thì các doanh nghiệp có thể kiến nghị giảm 3-5% lãi vay còn được. Theo tôi, đề xuất này là cực kỳ vô lý, phi kinh tế và mang tính cục bộ".

Chuyên gia kinh tế: Kiến nghị giảm lãi suất 3-5%/năm là viển vông, thiếu thực tế - ảnh 2

Dư địa giảm lãi suất cho vay gần như bằng 0.

“Không có nước nào trên thế giới, vào lúc khủng hoảng cứ đòi giảm lãi suất như Việt Nam”

Đây là ý kiến của TS Lê Xuân Nghĩa - Chuyên gia kinh tế nêu trên báo Dân Việt. Theo TS Nghĩa, làm như thế là đang "bắt ép" các ngân hàng thương mại giảm lãi suất trong khi các ngân hàng huy động tiền gửi của dân để cho vay chứ không phải tiền ngân sách. Vì vậy, họ phải có trách nhiệm trả cho khách hàng lãi suất như đã thỏa thuận, và lãi suất đó so với lạm phát phải dương.

Vị TS này cũng phân tích và cho rằng việc đòi giảm lãi suất cho vay từ 3-5%/năm là thiếu khả thi và không nên thực hiện, theo dự báo, CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% từ nay tới cuối năm. Trong khi đó, lãi suất tiền gửi bình quân trên thị trường hiện nay chỉ khoảng 5%. Như vậy, sau khi trừ lạm phát, lãi suất thực cho người gửi tiền chỉ là 1%.

Để giảm lãi suất cho vay từ 3 – 5% thì cũng phải giảm lãi suất tiền gửi ít nhất 3 -5%. Tuy nhiên, lãi suất thực cho người gửi tiền chỉ 1%, vậy lấy đâu để giảm 3 – 5%, bởi chúng ta không thể đưa lãi suất thực về âm.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, khi lãi suất thực âm người dân sẽ không gửi tiền vào hệ thống ngân hàng, ngân hàng sẽ rơi vào "bẫy thanh khoản", doanh nghiệp cũng "hết cửa" vay vốn.

Cuối cùng, TS Lê Xuân Nghĩa cho biết, giảm từ 3 – 5% lãi vay cho doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của ngân sách. Tuy nhiên, Việt Nam từng thất bại về gói kích cầu bằng hạ lãi suất cho vay ngân hàng giai đoạn khủng hoảng tài chính năm 2009.

"Đối với hệ thống ngân hàng, đến năm 2011 là đống nợ xấu khủng khiếp, chính các ngân hàng cũng không tưởng tượng được. Đây là một bài học để Chính phủ cần thận trọng khi sử dụng chính sách tiền tệ, tín dụng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp", TS. Nghĩa nói.

Đại diện một ngân hàng thương mại cũng thừa nhận, hỗ trợ cho doanh nghiệp không cần lãi suất quá thấp, chỉ cần 50% so với mức hiện tại, đồng thời tăng khả năng vay vốn, kỳ hạn cho vay dài hơn là hoạt động của các doanh nghiệp sẽ dần khởi sắc. Riêng với lĩnh vực trọng yếu, Nhà nước phải có gói hỗ trợ riêng trong trường hợp thực sự khó khăn và cần thiết.

H.A (Theo Dân Việt)

Xem thêm: ‘Sẽ giám sát chặt chẽ việc giảm lãi suất cho DN bị ảnh hưởng COVID’