Chuyên gia kỳ vọng du lịch 'đón gió' sau cú hích visa
Kết thúc kỳ họp thứ 5 Khóa XV, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Cụ thể là kéo dài thời hạn thị thực điện tử (e-visa) từ 30 ngày lên 90 ngày và có giá trị nhập cảnh nhiều lần.
Theo đó, sau khi được cấp thị thực điện tử, trong 90 ngày người nước ngoài được nhập, xuất cảnh không giới hạn số lần, không phải làm thủ tục cấp thị thực mới. Luật cũng cho phép công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực được cấp tạm trú 45 ngày (quy định trước đó là 15 ngày) và được xem xét cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, luật nâng thời hạn thị thực điện tử lên 90 ngày, có giá trị 1 lần hoặc nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài muốn vào Việt Nam nghiên cứu, khảo sát thị trường, tìm kiếm, xúc tiến đầu tư, nhất là các trường hợp có nhu cầu đi đến nhiều nước trong khu vực và quay lại Việt Nam để đánh giá, so sánh về khả năng mở rộng đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, bảo đảm phù hợp các điều ước quốc tế và nguyên tắc có đi, có lại với các nước nhằm thu hút khách du lịch và phát triển kinh tế - xã hội. Ngoài ra, việc gia hạn chính sách thị thực giúp khách du lịch khi đến Việt Nam du lịch được kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu của du khách.
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu về dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 321,7 nghìn tỷ đồng, tăng 18,7% so với cùng kỳ năm trước; Doanh thu về du lịch lữ hành ước đạt 14,5 nghìn tỷ đồng, tăng 65,9% so với cùng kỳ năm trước do dịp nghỉ hè đã bắt đầu. Cùng trong giai đoạn này, khách quốc tế đến nước ta ước đạt gần 5,6 triệu lượt người, gấp 9,3 lần cùng kỳ năm trước nhưng vẫn chỉ bằng 65,7% so với cùng kỳ năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19.
Đánh giá về luật sửa đổi, trả lời phỏng vấn trên Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp mới đây, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng Ban thư ký, Hội đồng tư vấn du lịch cho rằng, Hội đồng tư vấn du lịch ủng hộ và đồng tình các chính sách đề xuất tại Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài.
Các chính sách sửa đổi, bổ sung lần này đã nhằm đúng vào các điểm yếu của chính sách thị thực của Việt Nam. Do đó, khi được thông qua và có hiệu lực thi hành, chính sách chắc chắn có tác động tích cực đến sự phát triển ngành du lịch, tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa đối với du khách nước ngoài khi đến Việt Nam, thu hút nhiều hơn nữa lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam; giúp đa dạng hóa thị trường đối với ngành du lịch.
Theo ông Chính, các thay đổi chính sách về thị thực sẽ có tác động không chỉ đối với ngành Du lịch, mà còn tác động tốt đến ngành Hàng không, trao đổi thương mại, xuất nhập khẩu, đầu tư của người nước ngoài đối với Việt Nam cũng sẽ tốt hơn. Như vậy, chính sách thị thực không chỉ là chính sách ngắn hạn có tác động ngay đối với ngành du lịch mà nó còn có tác động lan tỏa để thúc đẩy các ngành kinh tế khác nhau.
Bên cạnh đó, Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng chia sẻ với Tạp chí điện tử Doanh nhân Việt Nam, du lịch dịch vụ là ngành đặc thù sẽ được hưởng lợi lớn trong bối cảnh nền kinh tế nước ta nhận nhiều tín hiệu khởi sắc từ tháng 5. Cùng với sự duy trì các chính sách thúc đẩy tăng trưởng, kích cầu phục hồi sau đại dịch, dự báo ngành này sẽ đón nhận lượng doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng mạnh trong những tháng tới.
Đồng quan điểm, PGS TS Đinh Trọng Thịnh nhận định, du lịch là 1 trong những lĩnh vực được Đảng và Nhà nước quan tâm phát triển. Việc sửa đổi luật để kéo dài thời hạn thị thực, đồng thời tạo điều kiện cấp visa dễ dàng hơn cũng là 1 trong những chính sách giúp hoạt động du lịch của Việt Nam tăng trưởng, chuyển động mạnh mẽ trong thời gian tới. Theo ông Thịnh, Dự thảo luật sửa đổi này sẽ tạo đà cho ngành du lịch đạt được bước tiến bộ mới.
Trước đó, tại báo cáo vĩ mô cập nhật đầu tháng 6, Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định nền kinh tế vẫn đang ghi nhận tín hiệu lạc quan tại nhóm ngành dịch vụ với trọng điểm là nhóm dịch vụ lữ hành, lưu trú, ăn uống. Dự báo trong tháng tiếp theo của năm, dịch vụ sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính khi hoạt động sản xuất vẫn trong giai đoạn khó khăn.
Tương tự, Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng dự báo rằng trong những tháng cao điểm du lịch mùa hè, lượng khách nội địa và quốc tế sẽ còn tăng hơn nữa, qua đó thúc đẩy tiêu dùng trong nước, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.