Chuyên gia Malaysia: Việt Nam là hình mẫu về thu hút đầu tư nước ngoài
Việt Nam đã có những đóng góp tích cực vào hợp tác ASEAN và là hình mẫu về thu hút đầu tư nước ngoài tại khu vực.
Đây là nhận định của Tiến sỹ Oh Ei Sun, Cố vấn cấp cao tại Trung tâm nghiên cứu Thái Bình Dương (Malaysia), đồng thời là chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Viện Nghiên cứu các vấn đề quốc tế (Singapore).
Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, Tiến sỹ Oh Ei Sun cho rằng Việt Nam đã thể hiện sự chủ động, trách nhiệm trong năm đảm nhiệm cương vị Chủ tịch ASEAN 2020 và những đóng góp của Việt Nam đối với hợp tác ASEAN cần được đánh giá dựa trên sự tiếp nối này.
Tiến sỹ Oh Ei Sun nhận định Việt Nam là nền kinh tế đang nổi lên nhanh chóng tại khu vực và là điển hình thành công trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài nhờ hiệu quả của cơ chế một cửa - mô hình thu hút vốn đầu tư mà các nước trong khu vực mong muốn được học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm.
Chuyên gia cũng bày tỏ ấn tượng với chiến lược quốc gia về cách mạng 4.0 của Việt Nam khi nước Chủ tịch ASEAN 2020 là một trong những quốc gia có tốc độ công nghiệp hóa và số hóa nhanh chóng. Ông khẳng định Việt Nam đã thực sự đóng vai trò dẫn dắt trong việc giúp nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng này trong hợp tác ASEAN.
Tiến sỹ Oh Ei Sun đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, nhất là nỗ lực thúc đẩy và sớm đạt được Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất.
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 38, 39 và các hội nghị liên quan, Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã khẳng định lập trường nhất quán của nước này rằng các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và hợp lý thông qua đối thoại và tham vấn, sử dụng các diễn đàn và kênh ngoại giao phù hợp.
Theo người đứng đầu chính phủ Malaysia, với tư cách là một quốc gia có tuyên bố chủ quyền, nước này kiên quyết ủng hộ quan điểm các vấn đề liên quan đến Biển Đông phải được giải quyết một cách hòa bình và mang tính xây dựng, phù hợp với các nguyên tắc được công nhận rộng rãi của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS).