Công bố Báo cáo đầu tiên về đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Ý tưởng biên soạn báo cáo xuất phát từ thực trạng nền kinh tế toàn cầu giai đoạn gần đây có nhiều biến động bất thường. Năm 2019, tăng trưởng GDP toàn cầu đạt 2,84%, năm 2020 giảm sâu (-3,18%) và năm 2021 đạt 5,3% (Statista, IMF). Trong 3 năm đó, tăng trưởng kinh tế Việt Nam tương ứng là 7,02%, 2,91% và 2,58%.
Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung và dịch COVID-19 là hai nguyên nhân chính gây ra bất ổn kinh tế thế giới và suy giảm tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm vừa qua. Dưới tác động tích cực của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và các giải pháp tích cực phòng chống COVID-19 của các quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam. Dòng vốn FDI toàn cầu và tại Việt Nam không hoàn toàn trùng khớp với biến động tăng trưởng GDP.
“Báo cáo đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2021” là báo cáo đầu tiên và trong những năm tới sẽ được nghiên cứu biên soạn hàng năm để phản ánh, phân tích, đánh giá về những biến động của dòng vốn FDI vào Việt Nam.
TS. Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Viện Nghiên cứu đầu tư quốc tế, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Chủ tịch Hội đồng biên soạn cho biết, với mục đích giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo về thực trạng thu hút FDI vào Việt Nam và những vấn đề cần giải quyết để nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn FDI phục vụ phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng và mục tiêu đã đặt ra tại Nghị quyết số 50-NQ/TW ngày 20/8/2019 của Bộ Chính trị, Nhà xuất bản Khoa học kỹ thuật phối hợp với Hội đồng biên soạn Báo cáo thường niên đầu tư nước ngoài tại Việt Nam xuất bản cuốn sách “Báo cáo đầu tư nước ngoài tại Việt Nam 2021”.
Báo cáo tập trung phân tích xu hướng FDI toàn cầu và khu vực ASEAN năm 2019, 2020 và 2021; mô tả khái quát tình hình FDI của một số nước để nhận dạng rõ hơn tính đặc thù quốc gia trong tiếp nhận tác động FDI toàn cầu và khu vực. Báo cáo cũng đi sâu phân tích toàn diện tình hình FDI tại Việt Nam năm 2021 như: cơ cấu FDI theo phương thức đầu tư, theo ngành kinh tế, theo đối tác đầu tư, theo ngành và địa phương và FDI vào khu công nghiệp, khu kinh tế.
Báo cáo đưa ra những đánh giá về ưu điểm, hạn chế thiếu sót và xác định nguyên nhân dẫn đến hạn chế, thiếu sót trong thu hút, sử dụng nguồn vốn FDI thời gian qua.
Trên cơ sở đánh giá, phân tích kinh tế vĩ mô toàn cầu và xu hướng chuyển dịch FDI, xác định các cơ hội, thách thức của Việt Nam trong thu hút FDI thời gian tới, báo cáo đưa ra các khuyến nghị định hướng thu hút FDI và các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về đầu tư nước ngoài phù hợp với bối cảnh quốc tế đang tác động đến Việt Nam cũng như khả năng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Dữ liệu sử dụng trong báo cáo được cập nhật đến hết năm 2020. Dữ liệu FDI vào Việt Nam cập nhật đến hết năm 2021. Do dữ liệu FDI toàn cầu và dữ liệu của Việt Nam năm 2021 chưa được công bố chính thức và có hệ thống bởi các tổ chức quốc tế có uy tín, một số dữ liệu FDI tại Việt Nam được các cơ quan chức năng của Việt Nam công bố còn thiếu nên báo cáo sử dụng dữ liệu công bố chính thức bởi nhiều nguồn khác nhau. Dữ liệu của báo cáo được cập nhật theo từng nội dung đến mức cao nhất có thể.
Nội dung chính của báo cáo được trình bày trong 3 chương. Cụ thể, chương I: FDI toàn cầu và khu vực; chương II: FDI tại Việt Nam 2021; chương III: Khuyến nghị định hướng và hàm ý giải pháp.
Với cách nhìn đa chiều từ phía cơ quan quản lý nhà nước và các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp trong nước, báo cáo đã phản ánh khách quan thực trạng thu hút và sử dụng vốn FDI trong 3 năm gần đây, đặc biệt là năm 2021. Từ đó, đưa ra các khuyến nghị nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý dòng vốn FDI trong thời gian tới.
PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam khẳng định, báo cáo là kết quả của một nỗ lực đáng trân trọng nhằm cung cấp thông tin một cách hệ thống và góp phần làm sáng tỏ một trong những vấn đề phát triển kinh tế quan trọng bậc nhất của Việt Nam. Báo cáo đáp ứng một yêu cầu bức thiết của chính quá trình phát triển của Việt Nam cũng như nhu cầu của thế giới biết và hiểu Việt Nam.
“Vì là đầu tiên nên báo cáo có giá trị đột phá và khai mở. Ý nghĩa đó càng được khẳng định bởi chất lượng khoa học và giá trị đóng góp thực tiễn - chính sách của nội dung báo cáo”, PGS.TS. Trần Đình Thiên nhấn mạnh.