Chuyên gia marketing: Có sự 'mập mờ thông tin' từ Tiktoker Võ Hà Linh, thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng
Ngày 3/4, hot TikToker Võ Hà Linh đăng một video thông báo sự kiện phát sóng trực tiếp (livestream) chương trình bán hàng cho một số nhãn hàng sẽ diễn ra vào ngày 4/4. Sự kiện này nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận bởi có nhiều sản phẩm có mức giá rẻ, đặc biệt là 2 sản phẩm dầu gội đầu Nguyên Xuân (thuộc nhãn hiệu Hoa Linh).
Cụ thể, Tiktoker Võ Hà Linh cho biết nhãn dầu gội Nguyên Xuân màu xanh sẽ được bán với giá 18.000 đồng, Dầu gội Nguyên Xuân màu nâu sẽ được bán với giá 11.000 đồng (Nguyên văn: Mình nhấn mạnh là chưa từng có với nhãn hàng Nguyên Xuân nha, xanh 18 “cành”, nâu chỉ 11 “cành” thôi).
Do mức giá này rẻ hơn rất nhiều lần các đơn vị phân phối đang bán nên Hà Linh và nhãn hàng đã nhận về phản ứng gay gắt bởi các nhà thuốc – kênh phân phối chủ lực của Dược phẩm Hoa Linh. Theo tìm hiểu của phóng viên, sản phẩm dầu gội Nguyên Xuân màu xanh hiện đang được bán tại nhà thuốc với giá 76.000 - 80.000 đồng, sản phẩm Dầu gội Nguyên Xuân màu nâu giá 71.000 - 75.000 đồng. Chính vì thế, giá bán mà TikToker Hà Linh đưa ra đã nhận về không ít ý kiến trái chiều.
Trong các hội nhóm với hàng trăm nghìn người (chủ yếu là các đại lý thuốc) tham gia, thông tin về Hà Linh và nhãn hàng Hoa Linh liên tục được đăng tải và nhận về rất nhiều tương tác. Chủ yếu là những ý kiến trái chiều khi TikToker bán sản phẩm với giá rẻ như vậy.
Chia sẻ với phóng viên, chị L. - chủ một cửa hàng thuốc trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội bức xúc: “Lúc tiếp thị sản phẩm, họ cho biết giá bán khắp nơi đều như nhau, mà bán 1 chai dầu gội chỉ được lãi dưới 10.000 đồng, đơn vị Hoa Linh không còn thường xuyên bắt cam kết không được bán phá giá. Vậy mà lại cho bán hàng online với giá rẻ hơn 60.000-70.000 đồng khiến những người bán như chúng tôi rất bức xúc. Mọi người còn đang rỉ tai nhau đóng gói sản phẩm trả về nhãn hàng vì người dân bây giờ chỉ nghĩ 1 chai dầu gội có giá hơn 10.000 đồng thôi”.
Ngay sau sự việc, trên trang fanpage có tích xanh, nhãn hàng Hoa Linh đã có một bài đăng, trong đó giải thích: "Đây là chương trình bán hàng khuyến dùng đặc biệt, sản phẩm được bán trong livestream là các combo sản phẩm của Hoa Linh, với mong muốn đem đến cho khách hàng là người tiêu dùng cuối mức giá ưu đãi tốt nhất để trải nghiệm dùng thử sản phẩm chính hãng. Số lượng sản phẩm bán trong livestream có hạn và chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn, mục tiêu là giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng". Phóng viên đã liên lạc để trao đổi thêm thông tin nhưng đơn vị này từ chối trả lời.
Chuyên gia: Thông tin có sự 'mập mờ', thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Ngọc Long - chuyên gia marketing, nhà sáng lập Truyền thông Trăng Đen cho biết: “Trong thông điệp của TikToker Hà Linh có những thông tin có phần mập mờ. Thứ nhất là việc giá bán sản phẩm rất thấp, 18.000 và 11.000 đồng nhưng không nói có bao nhiêu sản phẩm. Thứ hai là việc người này có tuyên bố rằng sẽ bán theo kiểu “mua 1 tặng 1” nhưng cũng không nói rõ mua gì tặng gì và có bao nhiêu combo như vậy. Thứ ba là đúng trên video có câu “dọn sạch kho”, nhưng không phải dọn sạch kho của dược phẩm Hoa Linh này. Bởi Hà Linh đi rất nhiều kho nên câu kết này có thể gây hiểu lầm”.
“Là người làm truyền thông, tôi hiểu vấn đề là thông tin đang có sự không rõ ràng. Nhưng khách hàng, nhà phân phối và người nghe không có nhu cầu phân tích, họ chỉ nghe loáng thoáng chữ được chữ mất, và thứ đọng lại là giá rẻ và dọn kho. Do đó người ta phản ứng với nhãn hàng” - ông Long nói.
Khi được hỏi sự kiện này sẽ tác động như thế nào đến các bên, ông Long cho rằng đối tượng chịu thiệt đầu tiên là nhà phân phối (nhà thuốc). Họ đang bị khách hàng lên án bởi “bán đắt”. Bên cạnh đó, khách hàng sẽ tạm ngừng mua ở các cửa hàng này để chuyển sang mua trên livestream, gây ra sự rạn nứt trong mối quan hệ giữa thương hiệu và phân phối. Do đó, thương hiệu sẽ bị ảnh hưởng.
Ở vụ việc này, theo ý kiến của ông Long, nhãn hàng đang không có cách giải quyết truyền thông tốt, khiến sự việc bị đẩy ra xa.
Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác toàn diện hơn về sự cạnh tranh giữa các kênh bán hàng hiện nay, vị chuyên gia cũng cho rằng để tồn tại, các bên cần phải tìm cách thích nghi, tìm hướng đi mà khách hàng ưa chuộng, chứ không phải đòi doanh nghiệp tìm cách có lợi cho người bán.
"Với cách bán hàng truyền thống, càng qua nhiều kênh phân phối thì giá sản phẩm sẽ càng đội lên. Nhà sản xuất luôn muốn giảm bớt khâu trung gian để sản phẩm có giá thành rẻ nhất khi đến tay người dùng.
Khi bán hàng online chưa phát triển, chúng ta dựa hoàn toàn vào kênh bán hàng truyền thống. Nhưng khi hình thức kinh doanh này ngày càng được đón nhận, rất nhiều nhãn hàng đã mang sản phẩm của mình lên sàn, hợp tác với streamer, TikToker để bán hàng qua livestream. Nhà phân phối cần hiểu rằng đây chính là xu hướng và cần có sự chuẩn bị, chứ đừng ghim vào tình cảm hay những mối quan hệ cũ nếu không muốn bị đào thải trong cuộc đua này” - ông Long nhận định.
Nhìn sang Trung Quốc, một quốc gia có lượng bán hàng trực tuyến lớn nhất thế giới, chuyên gia truyền thông nhấn mạnh: “Nếu không thích nghi chúng ta sẽ tự bị loại. Còn người tiêu dùng, họ sẽ không quan tâm đến quá nhiều, họ sẽ chọn cái gì họ được lợi”.
TikToker Võ Hà Linh: Không có chuyện bán phá giá, đại lý mới là người hưởng lợi sau cùng
Về phía TikToker Võ Hà Linh, giữa sự việc ồn ào, livestream của Hà Linh tối 4/4 vẫn diễn ra thành công. Theo các dữ liệu được công bố, livestream của cô đã lập nên nhiều kỷ lục mới: 302.000 người xem cùng lúc, gần 60.000 người mua trong cùng một thời điểm, nhiều thương hiệu lớn tặng hoa để tranh thủ quảng cáo. Đáng chú ý, phiên livestream có lượt xem quá cao còn khiến TikTok Việt Nam phải ngưng lại do lỗi sập hệ thống Đông Nam Á.
Cũng trong buổi livestream, cô khẳng định rằng mình thông qua uy tín cá nhân để quảng bá cho nhãn hàng, giúp người xem có cơ hội tiếp cận sản phẩm của Việt Nam với mức giá hợp lý. Sau khi buổi livestream kết thúc, sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến, và chính những đơn vị đại lý mới là người hưởng lợi sau cùng.
Võ Hà Linh cũng kêu gọi người xem hãy có cái nhìn đúng đắn về chiến dịch giữa cô và Dược phẩm Hoa Linh, rằng đây là “một chương trình truyền thông của nhãn hàng”, với mục tiêu quảng bá rộng rãi hơn sản phẩm kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu.
Về mức giá 18.000 đồng và 11.000 đồng cho các sản phẩm dầu gội Nguyên Xuân, Hà Linh giải thích rõ thêm rằng mức giá người mua nhận được khi mua theo combo: dầu gội + dầu xả + kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu (đều là sản phẩm của Hoa Linh). Nếu lấy giá combo trừ đi giá trên thị trường của dầu xả và kem đánh răng, giá của chai dầu gội đầu sẽ đúng như tuyên bố của Hà Linh.
Hà Linh cũng tuyên bố không có chuyện mình bán phá giá.
Theo Báo cáo “Digital 2022 global overview report” của We are social & Hootsuite, tỷ lệ người dùng internet mua sắm hàng tuần Việt Nam đứng thứ 11 trong số các quốc gia (58,2%), ngang bằng với mức trung bình toàn cầu, cao hơn Mỹ, Australia, Pháp, Nhật Bản, Đức nhưng thấp hơn Thái Lan, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Philippines, Ấn Độ, Indonesia và Anh.
Trong toàn khu vực Đông Nam Á, Báo cáo “Kinh tế khu vực Đông Nam Á năm 2021” của Google, Temasek và Bain & Company dự báo doanh thu thương mại điện tử sẽ tăng từ 120 tỷ USD vào năm 2021 lên mốc 234 tỷ USD vào năm 2025. Dự báo giá trị mua sắm trực tuyến trung bình của người tiêu dùng trực tuyến sẽ tiếp tục tăng mạnh mẽ, từ mức 381 USD/người năm 2021 lên 671 USD/người vào năm 2026. Với tỷ lệ 49%, người tiêu dùng mua sắm trực tuyến ở Việt Nam chỉ đứng sau Singapore (53%), cao hơn Indonesia và Malaysia.