Chuyên gia Nhật chia sẻ kinh nghiệm phát triển CMCN 4.0
18:55 | 01/03/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Nhằm tạo diễn đàn để các bộ, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia, nhà nghiên cứu cùng trao đổi, thảo luận và đề xuất chính sách cho Việt Nam cũng như học hỏi kịnh nghiệm từ Nhật Bản về phát triển Cách mạng công nghiệp 4.0, sáng 1/3, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã phối hợp với Công ty NTT Data của Nhật tổ chức hội thảo “Cách mạng công nghiệp 4.0- Kinh nghiệm của Nhật Bản”.
Tại hội thảo các chuyên gia đã chia sẻ kinh nghiệm của Nhật Bản về CMCN 4.0 và cơ hội cho các nước đang phát triển như Việt Nam và những hành động của Chính phủ, doanh nghiệp (DN) để nắm bắt những cơ hội này.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, Việt Nam là một nước thu nhập trung bình thấp và đang nỗ lực thực hiện công nghiệp hoá, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, trong đó KHCN luôn được coi là yếu tố quan trọng hàng đầu cho tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, Việt Nam đã sớm tiếp cận và có chính sách thúc đẩy Việt Nam tham gia CMCN 4.0. Do đó, các ngành công nghiệp mới của CMCN 4.0 sẽ là động lực tăng trưởng chính của Việt Nam ( IoT, media, kinh tế số…), đồng thời hỗ trợ các ngành khác nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng doanh thu và phát triển dịch vụ mới. Theo dự báo doanh thu của ngành thương mại điện tử năm 2030 đạt khoảng 40 tỷ USD; AL: 420 triệu USD; điện toán đám mây: 2,2 tỷ USD; gọi xe công nghệ: 2,2 tỷ USD; Nông nghiệp thông minh: 1,7 USD… Điều đó cho thấy, tầm quan trọng của công nghiệp ICT trong tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam trong tương lai..
“CMCN 4.0 có thể thúc đẩy GDP Việt Nam tăng thêm 28,5-62,1 tỷ USD, tương đương mức tăng 7-16% GDP năm 2030, tuỳ theo từng kịch bản (cao, thấp, trung bình). GDP bình quân đầu người sẽ tăng thêm 315-640 USD vào năm 2030 nhờ tăng năng suất và tăng việc làm. Theo đó, tăng trưởng sản xuất nhờ CMCN 4.0 tạo ra việc làm mới với mức tăng thuần ước tính 1,3-3,1 triệu việc làm, một số công việc sẽ giảm đi trong khi đó nhiều công việc mới được tạo ra”, ông Cung cho biết thêm.
Với kinh nghiệm 10 năm làm việc với Việt Nam, ông Toshio Iwamoto,Chủ tịch kiêm giám đốc điều hành NTT Data cho biết, CMCN 4.0 tạo ra sự kết nối của các DN khác nhau, kết nối thông qua không gian mạng, tư sản xuất, phân phối tới dịch vụ. Bên cạnh đó, các ngành năng lượng, sản xuất, chính sách công cộng… đã được kết nối với nhau chuẩn bị tiến sang một xã hội thông minh. Internet đã tạo ra ngành công nghiệp sản xuất, phần mềm thông minh, kết nối, tạo ra rất nhiều hiệu quả khác nhau.
Hiện, NTT Data Việt Nam đã và đang ứng dụng cho các dự án thông minh và cải cách hành chính như dự án VNACCS. Cung cấp hệ thống NACCs/CIS (hệ thống thông quan tự động cho Hải quan Việt Nam dựa trên nền tảng công nghệ tiên tiến của Hệ thống NACCS và CIS của Nhật Bản; hay cung cấp gói phần mềm tích hợp cho thiết kế quy trình chuyến bay cung cấp giao diện người máy sáng tạo và mức độ tự động hoá cao trong suốt quá trình thiết kế; Hệ thống quan trắc cầu Cần Thơ nhằm theo dõi hiện trạng thực tế của cầu và những biến động bên ngoài có thể ảnh hưởng đến cầu.
Tuy nhiên, ông Toshio Iwamoto cũng lưu ý: Trí tuệ nhân tạo phát triển cũng có tác dụng hai mặt, xã hội có thể tự độc lập chuyển động không cần có con người, khi xã hội đưa ra những quyết định dựa trên AL thì cần phải chú ý. Ví dụ khi chúng ta sử dụng lái xe tự động, sử dụng công nghệ AL. Trên đường có rất nhiều hệ thống điều khiển giao thông, AL tự kết nối và đưa ra quyết định về hướng đi, không cần có sự tham gia điều khiển của con người. Hay việc số hoá các giấy tờ hiện được lưu trữ tại các cơ quan chính phủ và chính quyền địa phương là rất quan trọng. Bên cạnh đó, giải pháp tự động hoá quy trình robot giúp các công ty giảm khối lượng công việc văn phòng bằng cách tự động hoá các công việc lặp đi lặp lại được thực hiện với máy tính.
Với kinh nghiệm triển khai rất nhiều dự án kết nối ở các nước, ông Toshio Iwamot cho rằng, việc đầu tư cho CMCN 4.0 mỗi nước một khác không có sự giống nhau. Ví dụ như ở Silicon Valley có quỹ đầu tư nhưng không phải của Nhà nước, việc hình thành quỹ này có lịch sử rất dài. Ở Trung Quốc áp dụng quỹ của tư nhân và Nhà nước, hiện Đại học Công nghệ Thanh Hoa đã có quỹ khoa học nhưng ở Thâm Quyến còn làm mạnh hơn, hay một số nơi sử dụng quỹ của Huawei... Bây giờ Trung Quốc có quỹ tư nhân khá nhiều bởi ở đây có cơ chế chính trị khác với Mỹ, Nhật. Tuy nhiên họ đã sử dụng rất tốt quy chế thị trường để sử dụng đồng hành quỹ tư nhân và Nhà nước. Còn tại châu Âu đa số sử dụng quỹ Nhà nước để cho hạ tầng và xã hội. Tại Việt Nam, Chính phủ vẫn cần phải làm hạ tầng cơ bản để không lọt vào bẫy thu nhập trung bình, vẫn cần hạ tầng cứng để áp dụng công nghệ số. Với những trung tâm sáng tạo phải tập hợp nhà khoa học hàng đầu để nghiên cứu và đưa ra từng lĩnh vực, ưu tiên để hoạt động.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia nhấn mạnh, CMCN 4.0 là cơ hội lớn nhưng nếu không nắm được sẽ tiếp tục bị tụt hậu. Tranh thủ cuộc CMCN 4.0 là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng, để Việt Nam vươn lên trở thành nước công nghiệp hiện đại trong thời gian sớm nhất. Cần tập trung nguồn lực để thực hiện CMCN 4.0. Nhà nước cần có thái độ tích cực về công nghệ và sáng tạo, chấp nhận các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới trong giai đoạn phát triển ban đầu. Coi công nghệ và sáng tạo là cơ hội để giải quyết các vấn đề phát triển. Vì vậy, Chính phủ và các bên liên quan cần tạo điều kiện tốt nhất để khuyến khích công nghệ sáng tạo. Việc thực hiện chiến lược quốc gia về CMCN 4.0 là giải pháp chủ đạo cho việc thực hiện chủ trương tái cơ cấu, đổi mới mô hình tăng trưởng và chiến lược phát triển kinh tế-xã hội.