Chuyên gia: Thị trường chứng khoán Việt sẽ nâng hạng trong năm 2019
09:11 | 26/02/2019
Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, TTCK Việt Nam trong thời gian qua đã có sự phát triển và chống chọi rất tốt đối với những biến động trên thị trường. Do đó, tiềm năng cho TTCK trong năm 2019 rất khả quan và tích cực.
Theo số liệu thống kê từ Ủy ban Chứng khoán (UBCK) Việt Nam, năm 2018, TTCK là kênh huy động vốn hữu hiệu cho cả Chính phủ và doanh nghiệp, được đánh giá là thị trường thành công nhất khu vực Đông Nam Á về huy động vốn. Tổng giá trị huy động vốn qua TTCK trong năm 2018 đạt hơn 278.000 tỷ đồng tăng 14% so với năm 2017, trong đó Chính phủ huy động 192.000 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và doanh nghiệp huy động hơn 86.000 tỷ đồng. Thông qua huy động vốn, các doanh nghiệp đã mở rộng sản xuất, kinh doanh và phát triển, giảm áp lực vay ngân hàng. Giá trị phát hành cổ phiếu và trái phiếu doanh nghiệp đạt 64.900 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2017 và đấu giá cổ phần hóa đạt 21.400 tỷ đồng, tăng gấp 7,7 lần so với 2017.
Bên cạnh đó, dòng vốn gián tiếp của nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) vẫn tiếp tục vào ròng trên TTCK Việt Nam trong khi NĐTNN lại rút ròng ở các thị trường trong khu vực, điều này thể hiện sự đánh giá lạc quan của cộng đồng NĐTNN với TTCK Việt Nam. Giá trị mua ròng của NĐTNN trên thị trường cổ phiếu đạt mức lớn nhất từ trước đến nay với nhiều phiên mua ròng có giá trị cao đột biến hơn 100 triệu USD và đặc biệt có 1 phiên giá trị mua ròng đạt kỷ lục hơn 1,25 tỷ USD. Tính chung trong cả năm 2018, NĐTNN đã mua ròng khoảng 43.900 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Trong đó tập trung vào các giao dịch thỏa thuận lớn (như giao dịch mua cổ phiếu Vinhomes, Techcombank, Novaland, Masan). Dòng vốn nước ngoài vào ròng trên TTCK vẫn duy trì ở mức cao (2,75 tỷ USD trong năm 2018) đã thể hiện nhu cầu đầu tư mạnh mẽ của các NĐTNN vào Việt Nam. Giá trị danh mục đầu tư của NĐTNN năm 2018 đạt 32,6 tỷ USD, trong đó có hơn 1 tỷ USD là tiền gửi.
Cùng với đó, tình hình tài chính của các công ty chứng khoán được cải thiện và trở nên lành mạnh hơn, khả năng huy động vốn của các CTCK có nhiều thuận lợi. Tính đến hết 31/12/2018, tổng số vốn điều lệ của các CTCK đạt 55.623 tỷ đồng, tăng 26%; tổng vốn chủ sở hữu đạt 67.370 tỷ đồng, tăng 21,68%; tổng tài sản đạt 126.176 tỷ đồng, tăng 23,11% so với thời điểm 2017. Hiện tại, 97% các CTCK có tỉ lệ an toàn tài chính trên 180%. Kết quả hoạt động kinh doanh của các CTCK diễn biến theo chiều hướng tốt. Tổng doanh thu hoạt động và doanh thu tài chính của các CTCK cả năm đạt 30.462 tỷ đồng, tăng 55,12% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng lợi nhuận sau thuế của các CTCK đạt 8.933 tỷ đồng tăng 42,29% so với năm 2017.
Trong năm 2018 Trung tâm lưu ký chứng khoán (VSD) cũng đã thực hiện tốt nghiệp vụ đăng ký chứng khoán, lưu ký chứng khoán… cho các giao dịch trên thị trường với tổng số lượng chứng khoán đăng ký mới là 10 tỷ chứng khoán, số lượng đăng ký bổ sung là 25 tỷ còn số lượng chứng khoán lưu ký trong năm là trên 24 tỷ chứng khoán; tổng giá trị thanh toán và bù trừ chứng khoán trên các sàn giao dịch qua VSD đạt hơn 4.195.551 tỷ đồng. Tính đến ngày 31/12/2018, VSD đã cung cấp 19.004 mã số giao dịch cho NĐTNN, trong đó có 24.915 cá nhân và 4.089 tổ chức.
Bên cạnh những kết quả đạt được, theo UBCK Việt Nam thì TTCK vẫn còn nhiều tồn tại cần phải tháo gỡ như TTCK vẫn tồn tại các yếu tố chưa thật sự bền vững, các chỉ số như Vnindex, VN30 còn nhiều biến động với tần suất dày trong một số giai đoạn nhất định. Đồng thời, TTCK phái sinh đã và đang phát triển với tốc độ nhanh nhưng quy mô vẫn còn nhỏ, cơ sở nhà đầu tư còn chưa cân bằng. Mặt khác, số lượng nhà đầu tu trên TTCK Việt Nam vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Tính đến cuối năm 2018, tỉ lệ nhà đầu tư vào TTCK Việt chiếm khoảng 2,2% tổng dân số. Đây là mức khá thấp so với các quốc gia khác như Hoa Kỳ, Singapore, Malaysia, Trung Quốc…
Đánh giá về vấn đề này, ông Ketut Kusuma, Chuyên gia tài chính cao cấp của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho rằng, TTCK Việt Nam trong thời gian qua đã có sự phát triển và chống chọi rất tốt đối với những biến động trên thị trường. Bên cạnh đó, những động lực để cho TTCK Việt tăng trưởng trong thời gian tới chính là khuôn khổ pháp quy được cải thiện. Sau đó là vấn đề công bố thông tin và những yếu tố khác hỗ trợ cho thị trường như khuôn khổ pháp lý nhằm tăng cường sự bảo vệ đối với các nhà đầu tư và những nỗ lực để nâng hạng của TTCK. Tiềm năng cho TTCK trong năm 2019 rất khả quan và tích cực. Mặc dù có những căng thẳng thương mại ở trên toàn cầu giữa các nước lớn nhưng nền kinh tế Việt Nam sẽ phát triển ổn định trong năm 2019 và thị trường vốn, chứng khoán cũng vậy.
Mặt khác, việc nâng hạng TTCK Việt Nam trong năm 2019 đều có thể thực hiện được tuy nhiên chúng ta cần kiên định với những giải pháp đã được đặt ra. Đầu tiên là những khuôn khổ pháp quy, đặc biệt là việc sửa đổi và hoàn thiện Luật Chứng khoán sửa đổi. Sau đó là những vấn đề liên quan đến chất lượng công bố nguồn thông tin. Chất lượng công bố thông tin ở đây là cả thông tin trên thị trường cũng như thông tin công bố của doanh nghiệp. Những tiêu chuẩn của công bố thông tin phải được áp dụng theo thông lệ của quốc tế.
Vị chuyên gia này cũng nhấn mạnh, khi thị trường nâng hạng thì nó sẽ tác động tới nền kinh tế Việt Nam như thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các nguồn vốn của các tổ chức đầu tư nước ngoài sẽ đổ vào thị trường và chi phí vốn đầu tư sẽ được cải thiện trên thị trường.