Chuyên gia UNDP: Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về thành quả kinh tế năm 2022

Thùy Dung/ Báo Chính phủ 15:05 | 30/12/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam đánh giá cao chính sách tiền tệ và công tác điều hành tỉ giá linh hoạt của Chính phủ Việt Nam trong năm vừa qua.

Ông Jonathan Pincus, chuyên gia Kinh tế trưởng của Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam - Ảnh: VGP/Quang Thương

Trong cuộc phỏng vấn gần đây với Báo Điện tử Chính phủ, chuyên gia Kinh tế trưởng UNDP nhận định, Việt Nam đã thực hiện các chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng, sử dụng các biện pháp kiểm soát lạm phát và sử dụng dự trữ ngoại hối nhằm tăng giá trị của đồng Việt Nam (VND) trong bối cảnh đồng Dollar Mỹ (USD) tăng mạnh.

Vào tháng 10, Chính phủ đã nới rộng biên độ giao dịch của VND và sử dụng các biện pháp hành chính để ngăn chặn việc lợi dụng các giao dịch tiền tệ gây mất an toàn hệ thống. Đây là những biện pháp rất hữu hiệu và rất đáng khen ngợi của Chính phủ.

Mặc dù phải thắt chặt tín dụng, Chính phủ đã làm hết sức mình đảm bảo rằng thị trường USD ổn định để các doanh nghiệp có thể tiếp cận đủ nguồn cung ngoại hối.

Xét về tổng quan kinh tế Việt Nam, ông Jonathan Pincus nhấn mạnh, nền kinh tế phục hồi tốt ở hầu hết các lĩnh vực và tại các địa phương trong năm 2022. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam nằm trong nhóm các nước cao nhất trong khu vực. 

Cụ thể, tăng trưởng kinh tế cả năm ước đạt 8,02%, lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,59%; xuất khẩu tăng 10,6%; tiêu dùng cuối cùng tăng 19,8% và đầu tư thực hiện toàn xã hội tăng khoảng 11,2%.

Sản xuất công nghiệp phục hồi mạnh, nhất là dệt may, da giày và phương tiện vận tải. Sản xuất điện thoại giảm nhưng xuất khẩu trong năm lại tăng. Thị trường trong nước phục hồi mạnh mẽ. Việc mở cửa du lịch quốc tế cũng là một động lực lớn cho nền kinh tế.

"Việt Nam hoàn toàn có thể tự hào về thành quả kinh tế đạt được trong năm nay", ông Jonathan Pincus nhấn mạnh.

Phân tích các yếu tố chính để đạt được thành quả trên, chuyên gia Kinh tế trưởng UNDP cho rằng, trước hết việc Việt Nam nhanh chóng thích nghi với đại dịch COVID-19 đã giúp các hoạt động kinh tế trở lại bình thường.

Bên cạnh đó, chính sách phục hồi kinh tế kiên trì và bền bỉ của Việt Nam giúp ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát. 

Xuất khẩu trong năm 2023 vẫn ở mức ổn định

Năm 2023, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,2% và tiếp tục đã tăng trưởng tốt trong những năm tiếp theo. IMF cũng dự báo lạm phát đạt đỉnh khoảng 4% trong năm tới.

Theo ông Jonathan Pincus, việc đạt được mức tăng trưởng hơn 6% cho năm 2023 sẽ là kết quả khá tốt đối với Việt Nam. Trong năm tới, nếu USD không tăng giá và nền kinh tế Mỹ bắt đầu phục hồi khi lạm phát giảm thì sẽ là dấu hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia Kinh tế trưởng UNDP cho rằng, những thách thức đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2023 chủ yếu đến từ các yếu tố bên ngoài bao gồm xuất khẩu chậm lại, giá năng lượng cao và các vấn đề về chuỗi cung ứng.

Theo đó, Hoa Kỳ và châu Âu, hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam, đang bước vào thời kỳ suy thoái. Tình trạng này có thể kéo dài và trầm trọng hơn tại châu Âu do nguồn cung cấp khí đốt bị hạn chế và giá năng lượng cao. Điều này ảnh hưởng đến xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam có thế mạnh về xuất khẩu và xuất khẩu sẽ vẫn ổn định trong năm 2023.

Giá năng lượng cao có khả năng làm gia tăng lạm phát tại Việt Nam và sẽ gây áp lực lên VND cũng như cán cân thanh toán khi chi phí nhập khẩu năng lượng tăng lên.

Thêm vào đó, việc tăng lãi suất và thắt chặt tín dụng có thể gây ra một số khó khăn trên thị trường bất động sản và các thị trường khác.

Ông Jonathan Pincus cho rằng, các cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế Việt Nam trong năm tới xuất phát từ chính các nguồn lực trong nước, trong đó bao gồm việc thực hiện hiệu quả chính sách tài khóa và nâng cao hiệu quả đầu tư công.

Hiện nay, đầu tư công của Việt Nam đang chiếm khoảng 7% GDP, đây là mức tương đối cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Tuy nhiên, các dự án đầu tư công hiện có tác động tương đối ít đối với nền kinh tế.

Do vậy, Việt Nam cần tập trung đầu tư công vào các dự án có quy mô lớn và có vai trò quan trọng với nền kinh tế, đặc biệt là các dự án trong các lĩnh vực hạ tầng giao thông, chuyển đổi số, kết nối Internet băng thông rộng và tạo ra mối liên kết tốt hơn giữa vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không.