Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi Nhật Bản thông qua thỏa thuận thương mại RCEP

14:59 | 29/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Ngày 28/4, Quốc hội Nhật Bản thông qua việc tham gia thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới là Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), vốn được 16 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương ký kết.

Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một khu vực thương mại tự do, chiếm khoảng 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thế giới, thương mại và dân số. RCEP cũng là thỏa thuận thương mại đầu tiên của Nhật Bản có sự tham gia của cả Trung Quốc và Hàn Quốc, những đối tác thương mại lớn nhất và thứ 3 của nước này.

RCEP bao gồm 10 quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand. Đây là hiệp định thương mại tự do lớn nhất thế giới khi bao trùm một thị trường khổng lồ, gồm 2,27 tỷ dân với tổng GDP là 26.000 tỷ USD và tổng kim ngạch xuất khẩu là 5.200 tỷ USD.

Cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam khi Nhật Bản thông qua thỏa thuận thương mại RCEP - ảnh 1

Phiên làm việc ngày 28/4 của Quốc hội Nhật Bản

Phạm vi của RCEP bao gồm giảm thuế quan đối với thương mại hàng hóa, cũng như thiết lập các quy tắc chất lượng cao hơn cho thương mại dịch vụ, bao gồm các điều khoản tiếp cận thị trường cho các nhà cung cấp lĩnh vực dịch vụ từ các nước RCEP khác. Hiệp định RCEP cũng sẽ giảm bớt các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại giữa các quốc gia thành viên, chẳng hạn như thủ tục hải quan và kiểm dịch cũng như các tiêu chuẩn kỹ thuật. Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ) ước tính, khi RCEP chính thức có hiệu lực, điều này có thể làm tăng thu nhập toàn cầu lên 186 tỷ USD mỗi năm, đến năm 2030 và thêm 0,2% vào nền kinh tế của các quốc gia thành viên.

Trung Quốc đã hoàn tất tiến trình thông qua RCEP vào ngày 15/4. Các nước thành viên RCEP đặt mục tiêu Hiệp định này sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/1/2022. RCEP sẽ có hiệu lực sau khi các thủ tục nội bộ cần thiết được thông qua tại ít nhất 6 nước thành viên ASEAN và 3 quốc gia khác.

RCEP giúp Nhật Bản phát huy tối đa thế mạnh trong xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp. Việc cắt giảm khoảng 90% các loại thuế sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Nhật Bản khi nhập khẩu hàng hóa công nghiệp để mở rộng đầu tư ở Việt Nam, thực hiện chủ trương “đa dạng nguồn cung” mà Nhật Bản đang theo đuổi.

Việc giảm thuế khi nhập khẩu sản phẩm nông nghiệp vào Nhật Bản cũng sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty Nhật Bản đầu tư thiết bị, công nghệ vào nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản - thực phẩm ở Việt Nam để phục vụ xuất khẩu sang Nhật Bản.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 gây ra những xáo trộn chưa từng có đối với chuỗi cung ứng cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, Hiệp định RCEP khi chính thức có hiệu lực sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam, góp phần triển khai xây dựng nền sản xuất theo định hướng xuất khẩu. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra. Đặc biệt, chính sách hỗ trợ các công ty chuyển dịch các cơ sở sản xuất đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, của Chính phủ Nhật Bản gần đây nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng càng khiến Việt Nam trở thành điểm đầu tư hấp dẫn hơn nữa đối với các công ty Nhật Bản.

T.T

Xem thêm: RCEP: Thị trường quy mô 2,2 tỉ và hướng đi cho doanh nghiệp Việt