Có ngân hàng được dự báo lợi nhuận sụt giảm trong quý II/2022

Lê Phương 16:58 | 15/07/2022 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Trung tâm phân tích của Công ty Cổ phần chứng khoán SSI (SSI Research) vừa cập nhật báo cáo triển vọng lợi nhuận quý II/2022 của hàng loạt ngân hàng với tỷ lệ tăng trưởng ở mức cao so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cũng có ngân hàng được dự báo lợi nhuận sẽ sụt giảm.

Cụ thể, trong số 10 ngân hàng được nhắc đến trong báo cáo lần này, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB, mã chứng khoán: MSB) là ngân hàng duy nhất có lợi nhuận dự báo tăng trưởng âm. Theo SSI Research, lợi nhuận trước thuế của MSB trong quý II sẽ giảm 14% so với cùng kỳ, ước đạt 1.600-1.700 tỷ đồng. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do hơn 1.500 tỷ đồng phí trả trước của một hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm qua ngân hàng (bancassurance) đã được ghi nhận trong quý II/2021.

Kết thúc quý I/2022, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của MSB đạt gần 1.500 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu nhập thuần hợp nhất của MSB đạt 2.406 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,29%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) hợp nhất đạt 12,06%, cao hơn mức quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Trong các ngân hàng còn lại, dự báo tăng trưởng lợi nhuận cao nhất được dành cho Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank, mã chứng khoán: CTG). SSI Research kỳ vọng lợi nhuận trước thuế của VietinBank trong quý II/2022 sẽ đạt 4.600-4.700 nghìn tỷ đồng, tăng đến 68% so với cùng kỳ, chủ yếu do mức lợi nhuận quý II/2021 ở mức thấp.

Tiếp sau đó là Ngân hàng TMCP Quân đội (MB, mã chứng khoán: MBB) với tăng trưởng lợi nhuận dự báo từ 53-64% so với cùng kỳ, tương đương lợi nhuận trước thuế đạt 5.200-5.500 tỷ đồng trong quý II/2022, nhờ tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, tăng 15% so với đầu năm hoặc tăng 29% so với cùng kỳ và biên lợi nhuận (NIM) cao. Ngoài ra, SSI cho rằng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ hỗ trợ cho ngân hàng khi lãi suất có xu hướng tăng.

Trong khi đó tại Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB, mã chứng khoán: ACB), các chuyên gia phân tích của SSI cho rằng ACB đã sử dụng phần lớn hạn mức tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 6/2022, tăng 10% so với đầu năm, đồng thời tăng 16% so với cùng kỳ. Điều này cho phép ngân hàng đạt được mức tăng trưởng tổng thu nhập hoạt động (TOI) ở mức tương đối tốt. Áp lực trích lập dự phòng sẽ tiếp tục duy trì ở mức thấp đối với ACB do tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát tốt, chỉ ở mức 0,7-0,8%. Theo đó, lợi nhuận trước thuế của ACB dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ.

Tuy không phải ngân hàng có tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận cao nhất trong kỳ nhưng xét về lợi nhuận tuyệt đối, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank, mã chứng khoán: VCB) vẫn giữ vững ngôi đầu. SSI ước tính Vietcombank sẽ đạt lợi nhuận trước thuế ở mức 7.000-7.300 tỷ đồng trong quý II, tăng 50% so với cùng kỳ.

Kết quả này theo SSI là do được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ, tăng 13-14% so với đầu năm, trong khi tăng trưởng huy động chỉ ở mức 3-4% so với đầu năm kéo theo tỷ lệ cấp dư nợ tín dụng trên vốn huy động (LDR) tăng lên và áp lực trích lập dự phòng thấp. Tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank ổn định, trong khi các khoản vay tái cấu trúc giảm 62% xuống còn 4.000 tỷ đồng.

Ước tính tăng 37%, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank, mã chứng khoán: TPB) được SSI dự báo đạt 2.200 tỷ đồng. Tính đến cuối tháng 5/2022, tổng tiền gửi tại TPBank đạt 189.000 tỷ đồng, tăng 6,87% so với đầu năm. Trong khi đó, tín dụng tăng với tốc độ nhanh hơn, ở mức 11,4% so với đầu năm, đạt 179.000 tỷ đồng. Cơ sở khách hàng của TPBank đã tăng thêm 1 triệu khách trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 5 năm 2022, và 40% trong số đó là khách hàng giao dịch trực tuyến. Điều này giúp tổng giá trị giao dịch tăng đáng kể.

SSI Research dự báo Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB, mã chứng khoán: VIB) sẽ đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất ở mức 2.700 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2022 sẽ là 5.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ. Kết quả này chủ yếu do tăng trưởng tín dụng cao (hơn 9,5% so với đầu năm) và NIM ổn định khoảng 4,4%.

Theo SSI Research, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank, mã chứng khoán: TCB) đã gần sử dụng hết hạn mức tín dụng kể từ quý I/2022. Do đó, trong quý II, TCB sẽ phải xoay sở trong hạn mức tăng trưởng tín dụng còn lại là khá hạn chế. Hoạt động kinh doanh trái phiếu có khả năng không thuận lợi do giao dịch trên thị trường trầm lắng trong thời gian này. Tuy nhiên, do nguồn cung tín dụng hạn chế, lãi suất cho vay có thể đã được điều chỉnh tăng đối với một số phân khúc để đảm bảo thu nhập lãi thuần (NII) tăng trưởng khá.

SSI Research ước tính Techcombank có thể đạt lợi nhuận trước thuế là 7.000-7.200 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ trong quý II/2022. Đây là mức lợi nhuận dự báo cao thứ 2 toàn ngành tính đến thời điểm hiện tại, chỉ sau Vietcombank.

Lợi nhuận trước thuế trong quý II/2022 của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã chứng khoán: BID) ước tính đạt 5.500 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ nhờ hệ số LDR tăng lên (tăng trưởng tín dụng đạt 9-10% và tăng trưởng huy động là 2,6%) và chi phí tín dụng giảm. Chất lượng tài sản được kỳ vọng sẽ cải thiện, với nợ xấu ổn định và các khoản nợ tái cơ cấu do COVID-19 giảm mạnh.

Tại thời điểm cuối quý 2/2022, tăng trưởng tín dụng và huy động tại Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank, mã chứng khoán: HDB) ở mức khá cao, lần lượt đạt 15% và 12% so với đầu năm. Nhờ đó, SSI ước tính HDBank sẽ đạt được kết quả kinh doanh khả quan trong quý II với lợi nhuận ước tính đạt 2.500 - 2.700 tỷ đồng.

Trước đó, kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh của các Tổ chức tín dụng do Vụ Dự báo, thống kê Ngân hàng Nhà nước công bố cho thấy các tổ chức tín dụng đánh giá kết quả hoạt động kinh doanh trong quý II/2022 có tăng trưởng tốt hơn nhiều so với quý I/2022.

Tỷ lệ nợ xấu/dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được các tổ chức tín dụng nhận định về cơ bản giữ nguyên hoặc có chiều hướng giảm nhẹ trong quý II/2022 và quý III/2022 so với quý liền trước.

Sang đến quý III/2022, 54,6% tổ chức tín dụng kỳ vọng kết quả hoạt động kinh doanh tiếp tục tăng nhẹ so với quý II/2022, 38,9% tổ chức tín dụng kỳ vọng không đổi và 6,5% tổ chức tín dụng lo ngại kết quả hoạt động kinh doanh suy giảm nhẹ.

Trong năm 2022, 87,7% tổ chức tín dụng kỳ vọng lợi nhuận trước thuế tăng trưởng dương so với năm 2021, trong khi vẫn có 8,5% tổ chức tín dụng dự kiến lợi nhuận tăng trưởng âm trong năm 2022 và 3,8% ước tính lợi nhuận không thay đổi.