Cổ phiếu 'họ' nhà VIN hỗ trợ VN-Index trong tháng 3
Tiếp nối xu hướng tăng từ tháng 2, VN-Index đã tăng 2,4% trong nửa đầu tháng 3, và đạt 1.336,3 điểm vào ngày 17/3 – mức cao nhất kể từ tháng 5/2022. Các yếu tố hỗ trợ cho đà tăng này bao gồm:
Dữ liệu kinh tế vĩ mô tiếp tục được công bố với những kết quả tích cực trong tuần đầu tiên của tháng.
Nhóm cổ phiếu bất động sản (BĐS) phục hồi mạnh với đà tăng từ VIC/VHM, nhờ: VHM mở bán các dự án mới, thông tin về tuyến metro Cần Giờ được đề xuất, thể hiện cam kết của tập đoàn đối với dự án Cần Giờ, HOSE chấp thuận hồ sơ niêm yết của Vinpearl, Vinfast ghi nhận lượng bàn giao xe khả quan trong 2 tháng đầu năm 2025 và công ty cũng bắt đầu nhận đặt cọc 4 mẫu xe mới vào giữa tháng 3, và khối ngoại tích cực mua ròng tại VIC/VHM/VRE trong suốt tháng 3.
Bắt đầu từ ngày 17/03, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) tiến hành kiểm thử hệ thống giao dịch KRX và dự kiến sẽ đưa vào vận hành chính thức vào ngày 5/5.
Bất chấp đà tăng liên tục của nhóm ngành BĐS được hỗ trợ bởi VIC/VHM, chỉ số VN-Index vẫn diễn biến kém khả quan trong nửa cuối tháng với mức giảm 2,2%, đóng cửa tháng 3 tại 1.306,9 điểm (+0,1% MoM). VN-Index giảm điểm trong nửa cuối tháng 3 có thể là do:
Khối ngoại tiếp tục bán ròng
Các vấn đề pháp lý liên quan đến ban lãnh đạo tiền nhiệm của Bamboo Capital và việc tạm dừng giao dịch một số lô trái phiếu BCG, qua đó làm tăng rủi ro tín dụng cho trái chủ và các tổ chức tài chính liên quan, bao gồm CTCP Chứng khoán Tiên Phong (HSX: ORS).
Tâm lý thận trọng trước thông báo về chính sách thuế đối ứng của Tổng thống Mỹ Donald Trump (ngày 2/4).
Tính đến cuối tháng 3, VN-Index đã tăng 3,2% so với đầu năm, vượt trội so với chỉ số SET của Thái Lan (-17,3%), JCI của Indonesia (-8,0%) và PCOMP của Philippines (-5,3%).
Ngành BĐS bứt phá trong bối cảnh thị trường chung giảm: Ngành BĐS là ngành tăng điểm duy nhất, với mức tăng 13,5% trong tháng 3, chủ yếu nhờ đóng góp tích cực từ VIC (+40,8%) và VHM (+24,5%). Trong khi đó, ngành Công nghệ (-13,3%), Dầu khí (-9,1%) và Vật liệu cơ bản (-5,4%) là những nhóm ngành giảm điểm mạnh nhất trong tháng.
Thanh khoản tiếp tục tăng mạnh trong tháng thứ 2 liên tiếp. Giá trị giao dịch trung bình ngày (GTGDTBN) trên HSX và trên cả 3 sàn đều lần lượt tăng mạnh 31,6% MoM và 27,3% MoM, đạt 816,9 triệu USD và 890,1 triệu USD, mức cao nhất kể từ tháng 6/2024. Tuy nhiên, trong quý I/2025, GTGDTBN của cả 3 sàn giảm 24,0% YoY, đạt 710,5 triệu USD.
Khối ngoại kéo dài chuỗi bán ròng lên 14 tháng liên tiếp. Trong tháng 3, NĐTNN đã bán ròng 385,5 triệu USD trên HSX, 19,9 triệu USD trên HNX và 22,8 triệu USD trên UPCoM, dẫn đến lượng bán ròng 428,2 triệu USD trên cả 3 sàn. Khối ngoại bán ròng chủ yếu tại FPT (-154,1 triệu USD), TPB (-61,7 triệu USD) và VNM (-31,1 triệu USD). Ngược lại, khối ngoại mua ròng chủ yếu tại VCI (+40,4 triệu USD), VHM (+29,1 triệu USD) và VIC (+24,5 triệu USD). Trong quý I/2025, khối ngoại cũng bán ròng trên JCI của Indonesia (-1,8 tỷ USD), SET của Thái Lan (-1,2 tỷ USD) và PCOMP của Philippines (-209 triệu USD).
Triển vọng: Thông báo về thuế quan của Tổng thống Mỹ Donald Trump, dự kiến vào rạng sáng ngày 03/04 (giờ Việt Nam), có khả năng sẽ gây ra những tác động tiêu cực ngoài dự kiến. Tuy nhiên, bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước ổn định và kỳ vọng về việc hệ thống KRX sẽ đi vào vận hành vào tháng 5 có thể hỗ trợ tâm lý thị trường. Tại thời điểm cuối tháng 3, hệ số P/E trượt của VN-Index là 14,4 lần, so với PCOMP của Philippines là 10,7 lần, JCI của Indonesia là 14,7 lần và SET của Thái Lan là 15,2 lần.