Cổ phiếu Vinpearl chuẩn bị niêm yết được định giá bao nhiêu?

Trang Mai 10:43 | 07/05/2025 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Thị trường chứng khoán sắp đón nhận "tân binh" tỷ đô Vinpearl (mã: VPL) khi doanh nghiệp này chính thức niêm yết trên HoSE vào 13/5 tới đây. Giá tham chiếu ngày đầu giao dịch được ấn định ở mức 71.300 đồng/cổ phiếu, đưa vốn hóa Vinpearl lọt top những doanh nghiệp được định giá cao trên sàn chứng khoán.

"Tân binh" Vinpearl với 3 mũi nhọn kinh doanh trong 2025

Ngày 13/5, CTCP Vinpearl sẽ chính thức niêm yết hơn 1,79 tỷ cổ phiếu (mã: VPL) trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên được xác định là 71.300 đồng/cổ phiếu, tương ứng với mức định giá khoảng 130.000 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD. Biên độ dao động trong ngày giao dịch đầu tiên là +/-20%.

Định giá của Vinpearl chính thức vượt mặt nhiều tên tuổi kỳ cựu như CTCP Sữa Việt Nam (mã: VNM), Ngân hàng TMCP Á Châu (mã: ACB), Tập đoàn Masan (mã: MSN),...

Tập đoàn Vingroup, do tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm Chủ tịch, hiện là cổ đông lớn nhất của Vinpearl với tỷ lệ sở hữu 85,5%, tương đương 1,5 tỷ cổ phiếu VPL. Tính theo giá tham chiếu ngày niêm yết, giá trị số cổ phần này ước tính gần 110.000 tỷ đồng.

Trước đó, Vinpearl được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận trở thành công ty đại chúng vào cuối năm 2024. Đầu tháng 2 năm nay, công ty đã huy động thành công hơn 5.000 tỷ đồng thông qua việc phát hành hơn 70 triệu cổ phiếu cho 105 nhà đầu tư, với giá phát hành 71.350 đồng/cổ phiếu. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của Vinpearl tăng lên 17.933 tỷ đồng.

Số tiền huy động dự kiến được phân bổ 1.138 tỷ đồng góp vốn vào Công ty Cổ phần Vinwonders Nha Trang để đầu tư dự án Công viên văn hóa Vinwonders Nha Trang; 1.855 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng 126,37 triệu cổ phiếu, tương đương 99,9% vốn điều lệ tại CTCP Vinpearl Cửa Hội từ Tập đoàn Vingroup; 495 tỷ đồng để nhận chuyển nhượng một phần tầng 1 và từ tầng 5 đến tầng 19 thuộc khối công trình trung tâm thương mại – khách sạn của dự án khu trung tâm thương mại, khách sạn và nhà ở thương mại shophouse Hà Giang; 1.503 tỷ đồng để thanh toán nợ vay và chi phí liên quan đến khoản vay và hơn 9 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động.

 Vinpearl được định giá gần 5 tỷ USD

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý I/2025, Vinpearl ghi nhận doanh thu thuần 2.971 tỷ đồng, tăng 76,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh cốt lõi, bao gồm dịch vụ khách sạn, du lịch, vui chơi giải trí và các dịch vụ liên quan, đạt 2.437 tỷ đồng, tăng 45%. Doanh thu từ hoạt động bất động sản đạt 535 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế trong quý đạt 90 tỷ đồng.

Vinpearl đặt mục tiêu doanh thu thuần năm 2025 đạt khoảng 14.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt khoảng 1.700 tỷ đồng. Với kết quả đạt được trong quý I, công ty đã hoàn thành khoảng 21% kế hoạch doanh thu và 5% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025, Chủ tịch Phạm Nhật Vượng cho biết, kế hoạch kinh doanh năm 2025 của Vinpearl tập trung 3 mũi: củng cố thị trường nội địa - mở rộng thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào Ấn Độ, Trung Đông và Đông Nam Á; đẩy mạnh kênh phân phối trực tuyến; phát triển phân khúc MICE, hướng đến việc biến MICE trở thành nguồn doanh thu chủ lực.

3 cổ phiếu “họ Vin” đang niêm yết

Trước khi Vinpearl niêm yết, cả ba doanh nghiệp “họ Vin”, gồm Vingroup (mã: VIC), Vinhomes (mã: VHM), Vincom Retail (mã: VRE) đều là công ty giá trị tỷ USD. Trong đó, Vingroup là doanh nghiệp tư nhân có vốn hoá lớn nhất thị trường (gần 270.000 tỷ đồng tại thị giá ngày 6/5).

Cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup chính thức niêm yết trên HoSE vào ngày 7/9/2007 và bắt đầu giao dịch từ ngày 19/9 năm 2007. Trên sàn chứng khoán, VIC đang được giao dịch quanh thị giá 70.000 đồng/cp. 

Cổ phiếu VHM của CTCP Vinhomes bắt đầu niêm yết trên sàn HoSE kể từ năm 2018 và hiện là cổ phiếu bluechip, thuộc nhóm dẫn đầu ngành và thị trường chứng khoán Việt Nam. Bất động sản là lĩnh vực quan trọng và cũng là nhóm có nhiều mã cổ phiếu lớn, được nhiều nhà đầu tư quan tâm.

Vinhomes hoạt động chủ yếu trong các hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở, văn phòng, khu du lịch nghỉ dưỡng… và hiện đứng đầu tại Việt Nam, với nhiều lợi thế được hưởng lợi từ hệ sinh thái của tập đoàn Vingroup.

Vinhomes có tiềm lực kinh tế mạnh mẽ với nguồn vốn lớn, giá trị vốn hóa đang thuộc TOP dẫn đầu. Cơ chế quản lý thông minh và linh hoạt cho phép các dự án của Vinhomes có tính thanh khoản cao cũng như khả năng huy động vốn mạnh mẽ.

Vinhomes hiện đang sở hữu quỹ đất rộng lên đến hơn 16.000 ha tại trên 40 tỉnh thành tại Việt Nam với nhiều dự án nổi bật, có tính thanh khoản cao. Giá trị vốn hóa của Vinhomes hiện nay đạt 191.374 tỷ đồng. 

Cổ phiếu VRE của CTCP Vincom Retail được niêm yết và giao dịch trên HoSE từ cuối năm 2017. Hiện hơn 70% cổ phần của Vincom Retail đang thuộc về các cổ đông nội, gần 30% do các cổ đông ngoại nắm giữ.

Năm 2020, Vingroup tái cấu trúc, tách doanh nghiệp đối với CTCP Đầu tư và Phát triển đô thị Sài Đồng. Công ty Sài Đồng đã chuyển một phần cổ phần, tài sản, quyền và nghĩa vụ để thành lập một công ty mới với pháp nhân mới là Sado.

Sado hoạt động chính trong lĩnh vực tư vấn quản lý, đại lý, môi giới, đấu giá hàng hóa; xúc tiến thương mại; sáng tác, nghệ thuật và giải trí...

Sado sở hữu cổ phiếu VRE bắt đầu từ tháng 2/2021, từ tháng 4/2021, Sado đã chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của của Vincom Retail, chiếm 41,5% cổ phần. Vingroup - công ty mẹ của Sado cũng đang nắm giữ 18,8% vốn, giữ tỷ lệ biểu quyết 60,33% tại Vincom Retail (theo báo cáo thường niên 2024).