“Cơn gió ngược” nhân khẩu học đang tác động mạnh đến kinh tế Trung Quốc
Lợi thế nhân khẩu học của Trung Quốc hiện đã dần chuyển từ vai trò là động lực tăng trưởng thành một lực cản của nền kinh tế, có tầm ảnh hưởng lớn đến triển vọng phát triển của cường quốc châu Á.
Báo The Korea Times mới đây đăng bài viết với tiêu đề: “Thay đổi nhân khẩu học của Trung Quốc mang đến những thách thức và cơ hội cho nền kinh tế” của chuyên gia kinh tế cấp cao Fan Zhai, làm việc tại Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) và chuyên gia Lee Jae-young, trưởng nhóm và là nhà kinh tế trưởng của AMRO. Nội dung bài viết như sau:
Chỉ trong vài thập kỷ, Trung Quốc đã trải qua một sự chuyển đổi đáng chú ý, phát triển từ một xã hội nông nghiệp thành một cường quốc kinh tế toàn cầu. Một yếu tố quan trọng góp phần vào sự đi lên của Trung Quốc là lợi tức dân số, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Tuy nhiên, chính lợi thế nhân khẩu học của Trung Quốc hiện đã dần chuyển từ vai trò là động lực tăng trưởng thành một lực cản của nền kinh tế. Sự thay đổi này mang ý nghĩa sâu sắc và có tầm ảnh hưởng lớn đến triển vọng phát triển của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Lợi thế nhân khẩu học
Hành trình đi đến sự nổi bật về kinh tế của Trung Quốc trên trường quốc tế được tạo điều kiện thuận lợi một phần nhờ hàng loạt chính sách định hình bối cảnh nhân khẩu học của nước này. Trung Quốc thực hiện chính sách kế hoạch hóa gia đình nghiêm ngặt vào những năm 1970. Kết quả là tổng tỷ lệ sinh (TFR – số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) giảm mạnh từ con số 5,7 vào năm 1969 xuống còn 2,7 vào năm 1978.
Với việc áp dụng chính sách một con vào năm 1979, TFR của Trung Quốc đã giảm xuống dưới mức 2,1 vào đầu những năm 1990 và thậm chí thấp hơn thế, xuống còn 1,6-1,7 trong khoảng thời gian từ năm 2000 đến 2020.
Tỷ lệ sinh giảm dẫn đến tăng trưởng dân số chậm hơn và giảm tỷ lệ phụ thuộc của trẻ em, trong khi dân số đông và trẻ, đã tạo ra yếu tố mà các nhà kinh tế gọi là “lợi tức dân số”. Kỷ nguyên nhân khẩu học thuận lợi này góp phần nâng cao tỷ lệ tiết kiệm, tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào thị trường lao động và cải thiện kết quả giáo dục và y tế của Trung Quốc.
Từ “gió xuôi” đến “gió ngược”
Tuy nhiên, làn gió nhân khẩu học thuận lợi một thời đang chuyển hướng. Dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đạt đỉnh vào năm 2013, trong khi quy mô dân số đạt đỉnh vào năm 2021. Với tỷ lệ sinh giảm xuống 1,09 vào năm 2022, cường quốc châu Á đã chứng kiến dân số giảm lần đầu tiên sau hơn 6 thập kỷ - trên thực tế, dân số Trung Quốc đã giảm 850.000 người. Và dân số già hóa đang trở thành gánh nặng nhân khẩu học của Trung Quốc, với số người từ 60 tuổi trở lên tăng từ 14,3% tổng dân số năm 2010 lên 19,8% vào năm 2022.
Mặc dù những thay đổi về nhân khẩu học diễn ra dần dần nhưng một khi quá trình này đã bắt đầu, nó thường trở nên không thể ngăn cản được. Trong những thập kỷ tới, số lượng lớn thế hệ bùng nổ dân số sau những năm 1960 sẽ thúc đẩy quá trình già hóa nhanh chóng của Trung Quốc.
Theo dự báo của Liên hợp quốc (LHQ), tỷ lệ người già trong tổng dân số của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 30,1% vào năm 2050. Sự gia tăng này sẽ làm tăng tỷ lệ người phụ thuộc cũ từ 20% năm 2022, lên 51% vào năm 2050 và tổng tỷ lệ người phụ thuộc từ 45% vào năm 2022 tăng lên là 71%. Dự báo cơ bản của LHQ cho thấy rằng tổng dân số của Trung Quốc sẽ giảm 7% xuống còn 1,31 tỷ người vào năm 2050, trong đó dân số trẻ và trong độ tuổi lao động sẽ giảm rõ rệt hơn.
Xu hướng tỷ lệ sinh giảm vẫn tồn tại trong thập kỷ qua bất chấp việc Bắc Kinh đã bãi bỏ chính sách một con vào năm 2013 và tiếp tục nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình vào năm 2016 và năm 2021.
TFR của Trung Quốc đứng ở mức 1,5 vào năm 2019, gần chạm ngưỡng “bẫy sinh thấp”. Dự báo cơ sở về “mức sinh trung bình” của LHQ nhận định tỷ lệ sinh của Trung Quốc sẽ tăng khiêm tốn từ mức đáy hiện tại là khoảng 1,1 lên 1,39 vào năm 2050 và 1,44 vào năm 2100. Dự báo như vậy có thể là quá lạc quan nếu xét theo kinh nghiệm của các nước ASEAN+3 (Cơ chế hợp tác giữa Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á và ba nước Đông Bắc Á là Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn Quốc), nơi các nền kinh tế có TFR vốn đã rất thấp, nhưng vẫn đang có xu hướng tiếp tục giảm.
Tác động đến tăng trưởng trong tương lai
Khi dân số già đi, sự tham gia lực lượng lao động nói chung dự kiến sẽ giảm. Tuy nhiên, tác động của một xã hội già hóa vượt ra ngoài mục đích cung cấp lao động, bởi vì nó có khả năng làm suy yếu năng suất. Những lợi thế của việc sở hữu người lao động lớn tuổi và có kinh nghiệm hơn có thể bị đối trọng bởi sự suy giảm về kiến thức và kỹ năng cũng như những thách thức về sức khỏe liên quan đến tuổi già. Ngoài ra, khả năng dịch chuyển công việc hạn chế của lực lượng lao động lớn tuổi có thể cản trở việc chuyển giao kiến thức và công nghệ.
Các nghiên cứu đã liên tục chỉ ra mối tương quan nghịch giữa độ tuổi của lực lượng lao động, cùng với năng suất tổng thể. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ước tính rằng lực lượng lao động già hóa của Trung Quốc có thể khiến tốc độ tăng năng suất nhân tố tổng hợp của nước này giảm 0,3% mỗi năm từ năm 2020 đến năm 2050.
Dân số già cũng đặt ra thách thức đối với triển vọng đầu tư vì nó có thể dẫn đến lợi nhuận trên vốn thấp hơn, làm giảm đầu tư của doanh nghiệp. Ở Trung Quốc, nơi dân số nói chung đang giảm và tốc độ đô thị hóa giảm tốc, những thay đổi về nhân khẩu học có thể làm giảm nhu cầu đầu tư vào các động lực tăng trưởng chính, đó là nhà ở và cơ sở hạ tầng.
Để đánh giá tốt hơn tiềm năng tăng trưởng trong tương lai của Trung Quốc trong bối cảnh có sự thay đổi về nhân khẩu học, điều quan trọng là phải xem xét tác động của những thay đổi nhân khẩu học đối với lao động, vốn và năng suất.
Theo dự báo của LHQ, dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc sẽ giảm 22% từ năm 2022 đến năm 2050, hoặc với tỷ lệ hàng năm là 0,9%, có khả năng làm giảm nửa điểm phần trăm hàng năm của tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) từ năm 2023 đến năm 2050, tạo ra lực tác động đến sự suy giảm GDP có thể xuất hiện thông qua đầu tư chiến lược vào giáo dục và y tế.
Sự lão hóa dân số dự kiến sẽ làm giảm lợi nhuận trên vốn, do đó làm giảm động lực đầu tư của các doanh nghiệp. Điều này, kết hợp với quá trình tái cân bằng tăng trưởng của Trung Quốc từ phát triển dựa vào đầu tư sang phát triển dựa vào đổi mới và tiêu dùng, có thể làm giảm đáng kể vai trò của vốn trong tăng trưởng kinh tế tổng thể so với những thập kỷ trước.
Vì phạm vi năng suất của Trung Quốc vẫn thấp hơn so với các nước phát triển, nên có thể thấy rằng tiềm năng bắt kịp năng suất cao của nước này vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, sự chuyển đổi trọng tâm kinh tế từ công nghiệp sang dịch vụ, cùng với hiệu quả đạt được từ cải cách theo định hướng thị trường đang giảm dần, dự kiến sẽ làm giảm tốc độ tăng năng suất của Trung Quốc.
Hơn nữa, căng thẳng địa chính trị có thể làm trầm trọng thêm thách thức này bằng cách ảnh hưởng đến mối quan hệ kinh tế của Trung Quốc với thế giới phát triển, ảnh hưởng đến việc chuyển giao và học tập công nghệ.
Các phân tích của Văn phòng Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 (AMRO) chỉ ra rằng tăng trưởng năng suất nhân tố tổng hợp của Trung Quốc vào khoảng 2% mỗi năm, trong những năm 2010. Do tốc độ tăng trưởng năng suất các yếu tố tổng hợp có khả năng giảm xuống còn 1,7% từ năm 2023 đến năm 2050, tăng trưởng GDP tiềm năng của Trung Quốc được dự đoán ở mức trung bình 3,2%, cho thấy tốc độ giảm dần dần, nghĩa là giảm từ 4,9% vào đầu những năm 2020 xuống còn 3,7% vào năm 2030 và sẽ giảm xuống còn khoảng 2,4% vào những năm 2040.
Việc Trung Quốc dự kiến sẽ phải đối mặt với những thách thức trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng cao hơn, giống như trước đây, báo hiệu một kỷ nguyên mới cho nền kinh tế nước này.
Cần điều hướng đối với các vấn đề chưa được khám phá
Khi Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức về nhân khẩu học và nỗ lực duy trì tăng trưởng, việc áp dụng cách tiếp cận chính sách toàn diện là điều bắt buộc. Bắc Kinh nên xem xét một số biện pháp chính như sau:
Mặc dù các chính sách ủng hộ sinh sản có thể mang lại kết quả khiêm tốn, nhưng các sáng kiến nhằm giảm chi phí nhà ở và giáo dục để nuôi dạy con cái là rất cần thiết. Các nhà hoạch định chính sách nên xem xét ưu tiên việc cải thiện an ninh kinh tế cho thanh niên và xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội để hỗ trợ việc nuôi dạy trẻ em.
Sự tham gia của lực lượng lao động có thể được tăng cường bằng cách tăng tuổi nghỉ hưu và sắp xếp công việc sau khi nghỉ hưu một cách linh hoạt cho người dân. Và các chính sách hỗ trợ cân bằng giữa công việc và cuộc sống cho phụ nữ sẽ góp phần nâng cao tỷ lệ tham gia lực lượng lao động.
Để bù đắp tác động của lực lượng lao động bị thu hẹp đến năng suất, chính quyền nên tận dụng tự động hóa. Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, cùng với việc ứng dụng robot, sẽ không chỉ nâng cao năng suất mà còn tăng cường khả năng cạnh tranh.
Ngoài ra, cần thực hiện cải cách cơ cấu bao gồm khuyến khích đổi mới, thúc đẩy cạnh tranh thị trường, giảm gánh nặng pháp lý và thúc đẩy hợp tác toàn cầu để duy trì tăng trưởng.
Việc giải quyết các thách thức về nhân khẩu học của Trung Quốc đòi hỏi phải có phản ứng chính sách mang tính chiến lược và sắc thái nhằm giảm thiểu tình trạng suy thoái kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Các biện pháp chủ động có thể đặt nền móng cho một kỷ nguyên thịnh vượng kinh tế mới, một kỷ nguyên có mối liên hệ chặt chẽ với nền kinh tế toàn cầu. Sự ổn định và năng động của nền kinh tế Trung Quốc đóng một vai trò then chốt, có ảnh hưởng lớn đến tình trạng sức khỏe và tăng trưởng chung của nền kinh tế toàn cầu.