Còn nhiều dư địa cho ngành tôm tại thị trường Trung Đông

Trang Mai 10:36 | 07/12/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Năm 2023, kinh tế thế giới không ổn định đặt ra nhiều thách thức cho xuất khẩu thủy sản nói chung và tôm nói riêng nên thị trường Trung Đông cũng không tránh khỏi sụt giảm, tuy nhiên mức giảm có phần nhẹ hơn so với các thị trường khác. Trong thời gian tới, thị trường này vẫn còn rất tiềm năng với ngành tôm Việt Nam.

Có thể khai thác nhiều hơn khu vực Trung Đông

Theo thông tin từ chuyên gia Kim Thu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (Vasep), trong giai đoạn từ 2019-2022, xuất khẩu tôm Việt Nam sang khu vực thị trường Trung Đông dao động từ 41,5 -49,8 triệu USD và có xu hướng tăng trưởng liên tục từ 2020-2022. 

 Xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Đông có xu hướng tăng trong giai đoạn 2022-2022. Ảnh: Vasep

 

Nằm trong đà giảm từ đầu năm 2023 đến nay, xuất khẩu tôm sang Trung Đông cũng không thể chống lại "nghịch cảnh". Tuy nhiên mức độ giảm cũng có phần nhỏ hơn các thị trường chính.  

Các thị trường đơn lẻ lớn nhất nhập khẩu tôm Việt Nam trong khu vực Trung Đông lần lượt là Israel, Arập Xêút, UAE, Qatar, Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Kuwait…Trong 10 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang một số thị trường trong khu vực Trung Đông ghi nhận tăng so với cùng kỳ năm ngoái như Arập Xêút ghi nhận tăng gấp 42 lần (đạt 7,6 triệu USD), sang Iran ghi nhận tăng gấp 8 lần (đạt 1,7 triệu USD), sang Kuwait và Libăng ghi nhận tăng trưởng 2 con số, sang Oman tăng 16 lần, Qatar tăng 4 lần.

Khu vực thị trường Trung Đông được đánh giá là tiềm năng do khu vực này không mạnh về nuôi trồng và sản xuất chế biến nên phụ thuộc nhiều vào nguồn cung thực phẩm từ nhập khẩu. Điều kiện tự nhiên như thời tiết, thổ nhưỡng không thuận lợi và phù hợp cho sản xuất nông nghiệp, để đáp ứng nhu cầu trong nước, Trung đông phải nhập khẩu tới 80% hàng hoá lương thực, thực phẩm, tương đương 40 tỷ USD mỗi năm. Nhu cầu thủy sản trong đó có tôm đang ngày càng tăng trưởng mạnh mẽ, nhất là ở các thị trường như Arập Xêút, UAE…

Khu vực thị trường này có những yêu cầu cao với các sản phẩm thực phẩm nhập khẩu như yêu cầu phải có chứng nhận Halal. Nhà cung cấp cần phải chế biến và đóng gói phù hợp để đáp ứng tiêu chuẩn này.

Đây là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam, sức mua ngang với khu vực thị trường ASEAN và dư địa có thể tăng gấp 3 lần nếu được tập trung phát triển. Cần có thêm các kênh thông tin về nhu cầu, yêu cầu của khu vực thị trường này cùng với  hỗ trợ từ những chương trình của nhà nước về xúc tiến thị trường để doanh nghiệp có thêm kênh phát triển, tăng dư địa xuất khẩu sang đây.

Xuất khẩu tôm đi Mỹ và Trung Quốc vẫn khả quan trong 2 tháng cuối năm nay

 

Mỹ tiếp tục là thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 21% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam. Kể từ tháng 7 năm nay, quốc gia này ghi nhận tăng trưởng dương 2 con số, liên tục đến tháng 10. Tuy nhiên, lũy kế 10 tháng đầu năm nay vẫn giảm 20% đạt 589 triệu USD do mức sụt giảm mạnh trong các tháng đầu năm. Tuy vậy, Mỹ là thị trường duy nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính tôm của Việt Nam ghi nhận tăng trưởng dương liên tục trong 4 tháng.

Số liệu nhập khẩu tôm của Mỹ từ các nguồn cung trên thế giới cũng ghi nhận kết quả tích cực hơn trong quý III năm nay. Theo dữ liệu của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ (NOAA), Mỹ nhập 70.727 tấn tôm trong tháng 9, trị giá 578,4 triệu USD, tăng 9% về lượng, giảm 2% về giá trị so với cùng kỳ năm trước (65.122 tấn, 593,5 triệu USD). Đây là tháng thứ 3 liên tiếp Mỹ ghi nhận nhập khẩu tôm tăng trưởng sau khoảng thời gian dài 13 tháng xuống dốc không phanh. Dù giá trung bình chỉ đạt 8,19 USD/kg, giảm 10% so với cùng kỳ năm 2022 (9,11 USD/kg), nhưng khoảng cách giảm đã thu hẹp dần qua các tháng.

Tồn kho giảm, các chỉ số của nền kinh tế Mỹ đang tốt dần, nhu cầu cao hơn phục vụ đợt cuối năm, dự kiến 2 tháng cuối năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang thị trường này vẫn ghi nhận tăng trưởng.

Với thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), xuất khẩu tôm trong tháng 10 ghi nhận 63 triệu USD, giảm 2% so với cùng kỳ. Trong đó, mức độ sụt giảm trong tháng 9 và 10 đã không còn mạnh như những tháng đầu năm. Đây cũng là thị trường có mức sụt giảm thấp nhất trong số các thị trường nhập khẩu chính, với mức sụt giảm 5% đạt 517 triệu USD trong 10 tháng của năm 2023.

Nhu cầu nhập khẩu tôm Việt Nam của thị trường Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) không chỉ phụ thuộc tình hình tăng trưởng kinh tế, lượng tồn kho mà còn phụ thuộc nhiều vào nguồn cung từ Ecuador. Trong khi, tôm của Ecuador sang Trung Quốc đang có xu hướng chững lại do giá giảm quá mạnh. Điều này có thể hỗ trợ cho tôm Việt Nam trong 2 tháng cuối năm nay lấy lại được đà tăng trưởng dương. Theo số liệu của ITC, nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm nay đạt 5,7 tỷ USD, tăng 3% so với cùng kỳ.