Chuyên gia 'hiến kế' để ngành tôm bắt kịp đà phục hồi trong quý III

Lạc Lạc 10:51 | 13/07/2023 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ

Qua "cơn bĩ cực" giá tôm giảm sâu và diễn ra trong thời gian dài, nhiều chuyên gia cho rằng quý III sẽ là thời điểm le lói ánh sáng phục hồi. Nhiều đề xuất giải pháp trong cả ngắn hạn và dài hạn đã được đưa ra, với mong muốn rằng tôm Việt sẽ sớm lấy lại vị thế vốn có. 

Đã le lói ánh sáng phục hồi 

Theo số liệu của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP), xuất khẩu tôm trong tháng 6 ước đạt 341 triệu USD, cao nhất trong 6 tháng trở lại đây. Tuy nhiên, con số này vẫn giảm 18% so với cùng kỳ năm 2022, lũy kế nửa đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu tôm giảm hơn 31% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 1,6 tỷ USD.

Nhận định về con số này, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT CTCP Thực phẩm Sao Ta cho biết: “Đây là tín hiệu tốt. Ánh sáng dần lóe lên trong bối cảnh đầy u ám từ cuối quý III năm trước kéo dài tới nay. Tín hiệu tích cực này diễn ra trong bối cảnh chưa có lợi thế rõ ràng. Tuy nhiên, đi vào thực tế sẽ dần nhận diện ra các yếu tố tạo nền cho sự phục hồi ban đầu”.

Phân tích về tình hình tôm trong nước và quốc tế, ông Lực cho hay, tôm thương phẩm trong nước đã giảm đến sát đáy, dẫn tới sẽ không còn động lực cho thả nuôi vụ mùa mưa. Theo thống kê của Thuỷ sản Việt Nam, trong tuần 26 (27/6 - 2/7), giá trung bình tại trang trại đối với tôm thẻ chân trắng nguyên con sống, loại 60 con/kg, là 43,5 NDT/kg (6,01 USD/kg) tại tỉnh Quảng Đông. Giá tôm 80 con là 36 NDT/kg, giảm 39% so với cùng kỳ.

 Diễn biến giá tôm thẻ chân trắng các kích cỡ mua tại bờ từ tuần 21/2022 đến tuần 23/2023 (Nguồn: Undercurrent News, pcs/kg: cỡ tôm đơn vị con/kg)

Ngày 3/7, tại khu vực Đồng bằng sông Châu Giang, giá tôm thẻ chân trắng loại 60 con chỉ còn 38 NDT/kg; 80 con có giá 32 NDT/kg; và loại 120 con có giá 24 NDT/kg. Giá tôm tại Trung Quốc bắt đầu giảm vào cuối tháng 4, giá trung bình trên cả nước đối với tôm 80 con là 59 NDT/kg. 

Tình trạng này cũng xảy ra ở những khu vực nuôi tôm lớn như Ecuador và Ấn Độ. Tại Ecuador, kết quả sản lượng khả quan, tuy nhiên có khoảng 10% hộ nuôi nhỏ (tương đương hộ nuôi trung bình khá của Việt Nam) đã treo ao vì giá bán thấp, thua lỗ. Hiện nay tôm nuôi ở đây tập trung vào các trang trại lớn, nhất là các khu vực có vốn nhiều, vùng nuôi lớn, có thể cơ giới hóa cũng như ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật để tăng năng suất, giảm giá thành.

Tình hình nuôi ở Ấn Độ cũng trong hoàn cảnh tương tự, dự kiến sản lượng tôm nuôi năm nay ở đây giảm 20-30% do người nuôi giảm thả giống. 

“Giá tiêu thụ thế giới đã chạm đáy và ngoài sức chịu đựng của hộ nuôi ở tất cả các cường quốc nuôi tôm, cho thấy giá không thể giảm hơn nữa, đây cũng là nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán dự trữ hàng, đây cũng là nền tảng để tăng tiêu thụ, xuất khẩu”, Vị Chủ tịch nhấn mạnh. 

Cũng theo phân tích của ông Lực, đầu quý III là cao điểm thu hoạch tôm của ta và Ấn Độ. Riêng Indonesia và Ecuador đã thu hoạch chính vụ sớm hơn. Nhưng theo tình hình diễn tiến, sắp tới đây tôm thương phẩm trên lưu thông các nước đều giảm mạnh, vì giảm thả nuôi vừa qua và hiện nay hoặc cuối vụ. Đây cũng là một nền tảng để các hệ thống phân phối tính toán tăng mua dự trữ vì theo quy luật cung cầu, sắp tới chắc chắn tôm thương phẩm sẽ phục hồi từng bước. 

Thêm vào đó, sức tiêu thụ những tháng tới sẽ tăng do đây là mùa lễ hội (tháng 7 là Quốc Khánh Mỹ, tháng 8 là lễ hội ở Nhật…) và nhất là kế hoạch cho tiêu thụ Noel và mừng năm mới. Giai đoạn này hàng chế biến sâu chiếm ưu thế tiêu thụ hơn so với hàng sơ chế hay chế biến cấp thấp. Hàng tinh chế là lợi thế của các doanh nghiệp tôm Việt Nam. 

“Quý III là quý tăng tốc của ngành thủy sản ta nói chung, của con tôm nói riêng. Các doanh nghiệp chắc đều cảm nhận được tình hình và có sự chuẩn bị thấu đáo. Hy vọng quý này sẽ bù đắp phần nào hụt hẫng thời gian qua về doanh số tiêu thụ”, ông Lực kỳ vọng.

 Nhiều chuyên gia kỳ vọng quý III sẽ là thời điểm phục hồi của ngành tôm. Nguồn: Người lao động

Đầu tư vào khâu chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng mới là hướng đi hợp lý và lâu dài 

Thích nghi trong tình hình mới, các doanh nghiệp ngành tôm nói riêng và thuỷ sản nói chung đã có những thay đổi nhất định, thể hiện qua hoạt động có bài bản, có chiến lược, có tầm nhìn lâu dài. Ngoài ra, sự liên kết trong chuỗi ngành hàng để nhằm giảm giá thành là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, sự liên kết này cần thực chất mới có hiệu quả. “Liên kết thực chất là biết chia sẻ giá trị chung tạo ra, cùng tồn tại cùng phát triển. Còn nếu mắt xích nào đó, trên nền tảng ưu thế của mình, chiếm phần lớn lợi ích từ giá trị chung tạo ra sẽ khiến có mắt xích khác rơi vào khó khăn, chuỗi ngành hàng sẽ khó đi lên. Và lớn hơn nữa, về mặt quản lý nhà nước, ngành tôm phải có sự xem xét, chỉnh sửa, bổ sung phương hướng, chiến lược, giải pháp… nhằm hoàn thiện mình hơn theo chiều sâu thì mới có thể tăng sức cạnh tranh và tồn tại lâu bền”, ông Lực đề xuất. 

Chia sẻ với báo Bạc Liêu, ông Đinh Xuân Lập - Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS) cho rằng, cần có ngay các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để hỗ trợ ngành tôm. 

Việc giá tôm giảm sâu và diễn ra trong thời gian dài khiến nhiều hộ nuôi tôm tại Đồng bằng sông Cửu Long đã “treo ao” ngừng nuôi và điều này có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng lớn. Đó là làm hư hỏng hệ thống ao nuôi, máy móc thiết bị phụ trợ cho ao nuôi do tác động trực tiếp của ánh sáng mặt trời, thời tiết từ việc ngừng sản xuất. Đồng thời, kéo theo một hệ lụy khác cho nền kinh tế là tình trạng thiếu hụt nguồn tôm nguyên liệu khi thị trường bước vào giai đoạn phục hồi.

Do đó, để người nuôi vượt qua những khủng hoảng như lần này, chúng ta cần có ngay các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Chuyên gia đề xuất: “Về ngắn hạn, các địa phương cần vận động người nuôi tôm tiếp tục thả nuôi tôm, nhưng thả với mật độ thưa và tiến hành thu hoạch thành nhiều đợt để tranh thủ bán tôm vào thời điểm giá cao. Cũng như, góp phần giữ vững diện tích nuôi, chủ động tránh hư hỏng ao nuôi và trang thiết bị. Cần tổ chức thu hoạch nhiều đợt để đáp ứng nhu cầu của thị trường và giảm bớt chi phí đầu tư thông qua các cỡ tôm từ trung bình về lớn, phương án có thể 50% thu ở cỡ vừa, 30 - 40% về cỡ trung và 10 - 20% nuôi lên cỡ lớn.

Về dài hạn, cạnh tranh về giá bán với Ấn Độ, Ecuador phải có chiến lược, tầm nhìn và lâu dài, do mô hình nuôi tôm của các nước này và Việt Nam là không tương đồng. Do vậy, cần tìm cách giảm giá thành sản xuất để đảm bảo người nuôi tôm sản xuất có lời và đầu tư vào khâu chế biến sâu, chế biến sản phẩm giá trị gia tăng mới là hướng đi hợp lý và đi dài”.

Ngoài ra, cần xây dựng các mối liên kết trực tiếp theo mô hình B2C (hình thức giao dịch giữa các doanh nghiệp và người tiêu dùng) giữa nhà máy sản xuất thức ăn, chế phẩm, con giống… và nhóm hộ nuôi tôm. Đồng thời, cần có chính sách hỗ trợ tài chính từ ngân hàng, do đa phần người nuôi tôm hiện nay đều thiếu vốn, và để giảm bớt các rủi ro cho ngân hàng có thể đưa ra các gói tín dụng với chu kỳ ngắn hạn hoặc xoay vòng nhanh.

Đặc biệt, cần quan tâm đến chế biến sâu và đây cũng là xu thế chung của thế giới trong việc ưu tiên sử dụng các dòng sản phẩm sẵn sàng để nấu (ready to cook), sẵn sàng để ăn (ready to eat). Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đầu tư nghiên cứu chế biến các dòng sản phẩm này và đa dạng khẩu vị theo nhóm đối tượng khách hàng, theo các nhóm văn hóa, tôn giáo, vùng địa lý khác nhau. Khi giá trị gia tăng cao cũng kéo theo sự tăng giá cho thu mua con tôm nguyên liệu và giúp người nuôi tôm tăng thêm lợi nhuận.

Bên cạnh đó, cũng cần nghiên cứu chế biến các sản phẩm phụ phẩm được thải ra từ con tôm như: đầu tôm, vỏ tôm, tôm vụn… để khai thác triệt để sản phẩm từ tôm, nâng cao giá trị của con tôm từ các doanh nghiệp sẵn sàng mua tôm với giá cao hơn cho người nuôi.