Công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khóa phát triển của Việt Nam

16:41 | 16/10/2019 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
(DNVN) - Đó là qua điểm của Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh VBS 2019, trong phiên thảo luận về Đổi mới Khoa học - Công nghệ và cơ hội đối với Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, chìa khóa để Việt Nam thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình chính là đổi mới công nghệ, đổi mới sáng tạo. Khi doanh nghiệp áp dụng công nghệ mới sẽ giúp cải thiện năng suất lao động, tăng thu nhập cho người lao động.
Công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khóa phát triển của Việt Nam - ảnh 1
 Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy.
Xét trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam trong thời gian qua đã liên tục cải thiện thứ bậc trên bảng xếp hạng thế giới về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII). Trong năm 2019, chỉ số GII cho thấy Việt Nam đứng thứ 42 trên 129 nước, đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á. Năng lực đổi mới sáng tạo đứng đầu trong các quốc gia có cùng mức thu nhập, đây là một tín hiệu đáng mừng. Do đó, Thứ trưởng khẳng định, đây là thời điểm Việt Nam cần có sự chuyển đổi về chiến lược để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Với cơ cấu doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đến trên 90% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), theo Thứ trưởng, để nâng cao năng suất lao động, các doanh nghiệp SME cần tập trung đổi mới, hấp thụ công nghệ trong đó các doanh nghiệp cần chú trọng vào đổi mới quy trình quản lý. Bởi với công nghệ mới cập nhật mà không đổi mới hệ thống quản lý, doanh nghiệp sẽ không thể tận dụng hiệu quả công nghệ mới để tạo ra sản phẩm mới, không nâng cao năng suất lao động doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, theo nghiên cứu có 3 mức độ năng lực đổi mới, hấp thụ, phát triển cho doanh nghiệp: Đổi mới công nghệ, hấp thụ công nghệ, phát triển công nghệ. Trong khi đó, hiện phần lớn doanh nghiệp Việt Nam thuần túy vẫn ở mức đổi mới công nghệ, tức là doanh nghiệp mới chỉ dừng ở mức mua toàn bộ dây chuyền máy móc thiết bị mới. Và như thế, khi một công nghệ mới xuất hiện, doanh nghiệp sẽ lại phải mua toàn bộ dây chuyền khác thay thế.
Cùng với đó, để thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ trong sản xuất, đáp ứng yêu cầu của cuộc CMCN lần thứ 4, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề xuất cần xây dựng một nền tảng kết nối thống nhất hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia để kết nối các tổ chức nghiên cứu trên khắp Việt Nam; Xác định và ưu tiên các ngành công nghiệp chuyên sâu của Việt Nam và sử dụng các công nghệ kĩ thuật số vào xây dựng các mô hình kinh doanh mới, các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu và các nền tảng thử nghiệm công nghệ và thị trường; Cung cấp hỗ trợ để xây dựng một hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên khắp Việt Nam; Phát triển các trung tâm công nghệ và khu công nghệ cao.
Công nghệ, đổi mới sáng tạo là chìa khóa phát triển của Việt Nam - ảnh 2
 Nhà máy ô tô VìnFast.
Chia sẻ thêm về những thách thức đặt ra trong quá trình chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp Việt Nam, ông Hồ Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghệ CMC cho biết, đa phần các doanh nghiệp khi thực hiện việc chuyển đổi số thường gặp không ít khó khăn, thách thức. Đầu tiên là con người (việc đào tạo, tuyển dụng và quản lý nhân sự về công nghệ trong doanh nghiệp). Sau đó là không có cơ sở hạ tầng phù hợp và hiệu quả làm nền tảng cho mục đích chuyển đổi số đúng nghĩa.
Để có thể khắc phục những khó khăn trên, các nhà cung ứng dịch vụ công nghệ cũng đưa ra các giải pháp cung cấp những nền tảng có sẵn giúp doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí, thời gian và tối ưu hiệu quả trong việc ứng dụng công nghệ hỗ trợ kinh doanh. Đồng thời, để tìm ra cho riêng mình con đường chính xác cần phải bước đi trong tiến trình công nghệ hóa hoạt động, doanh nghiệp phải hiểu được năng lực nội tại và nhu cầu cốt lõi của chính doanh nghiệp mình. Theo đó, các tiêu chỉ cơ bản để có thể phân tích gồm các yếu tố con người, mục tiêu, quy trình, sản phẩm dịch vụ trọng tâm…
Chỉ xét riêng về quy mô, doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ có thể có 2 xu hướng phù hợp cho từng mức độ quy mô của họ. Lợi thế của doanh nghiệp lớn là năng lực tài chính mạnh thường có điều kiện tốt thực hiện các mô hình đầu tư bài bản, bao gồm cả cơ sở vật chất lẫn đào tạo nhân sự.
Tuy nhiên, doanh nghiệp nhỏ không vì thế mà không có lợi thế riêng, do sự đầu tư thường chưa sâu nên dễ dàng nắm bắt ngay những thay đổi mới nhất trong nhịp sống công nghệ. Do đó, lời giải phù hợp nhất cho các doanh nghiệp này là bắt thẳng vào những giải pháp có thể giải quyết ngay được những vấn đề trước mắt, từ đó từng bước làm chủ công nghệ.
Ngoài việc tìm được mô hình phù hợp cho mình, doanh nghiệp còn vướng phải một trở ngại nữa là sự chuyển đổi quá nhanh của công nghệ, có những hệ thống sau khi đầu tư rất lớn nhưng có thể sẽ lạc hậu ngay sau một thời gian ngắn, dẫn đến việc doanh nghiệp dù đã quan tâm đầu tư công nghệ từ rất sớm, nhưng lại bị “lỡ đà” trong dòng chảy chung.
Đưa ra một số khuyến nghị về ngành nghề nào thì nên chuyển dịch sang nền tảng số và những ngành nghề nào không nên, theo ông Tùng, trong bối cảnh Việt Nam đang là nền kinh tế mở, cạnh tranh khốc liệt từ trong và ngoài nước rất gay gắt thì bản thân doanh nghiệp Việt phải sẵn sàng 100% cho việc quản trị và vận hành trên nền tảng số, thậm chí còn phải đi trước 1 bước, nếu không sẽ có thể mất toàn bộ thị trường vào tay đối thủ.
Vì thế, tất cả các ngành nghề đều phải có sự chuyển dịch. Ngay cả những ngành truyền thống như nông nghiệp hay các lĩnh vực rất mới như vận tải chia sẻ thông minh tại Việt Nam cũng đang chịu cạnh tranh từ những công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Nông nghiệp thông minh, Grab, Uber… Do đó, ông Tùng lưu ý thêm, các ngành nghề có tầm ảnh hưởng lớn tới toàn bộ xã hội và thuộc về nhu cầu hằng ngày sẽ phải chuyển dịch càng sớm càng tốt.