Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn: Doanh nghiệp `tiên phong và đặt nền móng` cho ngành lọc hóa dầu

14:00 | 17/04/2021 Doanh Nhân Việt Nam trên Doanh Nhân Việt Nam trên
Chia sẻ
Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn là đơn vị thành viên của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được giao trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho ngành.

Ngành công nghiệp lọc hóa dầu là một trong những ngành kinh tế trọng tâm và mũi nhọn của nhiều quốc gia trên thế giới, kể cả các nước không có nguồn tài nguyên dầu mỏ và khí đốt như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan…

Quan điểm và mục tiêu chiến lược của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là phát triển đồng bộ, toàn diện ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam, hoàn chỉnh chuỗi giá trị từ khâu thượng nguồn (khai thác) đến hạ nguồn (chế biến), tập trung vào 5 lĩnh vực chính là thăm dò - khai thác, lọc hóa dầu, công nghiệp khí, công nghiệp điện và dịch vụ kỹ thuật, trong đó lọc - hóa dầu là lĩnh vực cốt lõi của PVN và chủ lực là Nhà máy Lọc dầu (NMLD) Dung Quất với xu hướng sẽ trở thành trung tâm lọc - hóa dầu và năng lượng quốc gia tại Bình Sơn, Quảng Ngãi, cùng với Tổ hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP), Long Sơn (LSP) nhằm đa dạng hóa sản phẩm giá trị cao, nâng cao năng lực cạnh tranh trong nước và quốc tế, mang lại hiệu quả cao trong sản xuất kinh doanh và cho nền kinh tế Việt Nam.

Công Ty CP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn

Cán bộ công nhân viên chức Công Ty CP Lọc Hóa Dầu Bình Sơn

Hiện nay, Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) là đơn vị đang quản lý và điều hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Đây là nhà máy lọc hóa dầu đầu tiên của Việt Nam với công nghệ và kỹ thuật tiên tiến, hiện đại; công suất chế biến trên 6,5 triệu tấn dầu thô/năm; cung cấp sản phẩm LPG, xăng dầu và hóa dầu có chất lượng cao, đáp ứng trên 30% nhu cầu tiêu thụ trong nước. Sau gần 9 năm đi vào hoạt động từ tháng 2-2009, nhà máy đã nhập và chế biến trên 52,8 triệu tấn dầu thô, sản xuất và xuất bán gần 48 triệu tấn sản phẩm các loại ra thị trường, đạt doanh thu 854 ngàn tỉ đồng (~38 tỉ USD), nộp ngân sách Nhà nước gần 140 nghìn tỉ đồng (trên 6 tỉ USD) và lợi nhuận trên 15 nghìn tỉ đồng.

Kết quả đạt được đã khẳng định Nhà máy lọc dầu Dung Quất xứng đáng là một công trình trọng điểm quốc gia, biểu tượng công nghiệp Việt Nam, là trái tim của Khu kinh tế Dung Quất, tỉnh Quảng Ngãi và là động lực phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền Trung, Tây nguyên, góp phần to lớn vào sự nghiệp phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn

Thành lập ngày 09/05/2008 (theo Quyết định số 1018/QĐ-DKVN) Tiền thân là Công ty TNHH Một thành viên Lọc hóa dầu Bình Sơn. Tên giao dịch quốc tế: Binh Son Refining and Petrochemical Joint Stock Company (BSR). Có Trụ sở chính: 208 Hùng Vương, phường Trần Phú, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi.

Công suất chế biến: 6,5 triệu tấn dầu thô/năm ( tương đương 148.000 thùng/ngày), nâng cấp mở rộng trong tương lai: 8,5 triệu tấn dầu thô/năm.

Nguyên liệu: Giai đoạn 1: Chế biến 100% dầu thô Bạch Hổ - Việt Nam (hoặc dầu thô tương đương). Giai đoạn 2: Chế biến dầu chua.

Chức năng nhiệm vụ cơ bản của BSR: Kinh doanh, xuất, nhập khẩu, tàng trữ và phân phối dầu thô. Sản xuất, bán buôn và bán lẻ các sản phẩm dầu mỏ, sản phẩm trung gian, nhiên liệu sinh học, hạt nhựa Polypropylene v.v;

Cung cấp dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa và tư vấn kỹ thuật trong lĩnh vực lọc – hóa dầu; Đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực trong công nghiệp lọc - hóa dầu; Cung cấp dịch vụ hàng hải và cảng biển liên quan đến ngành lọc – hóa dầu; Đầu tư và phát triển các dự án lọc – hóa dầu, nhiên liệu sinh học v.v.

Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn: Doanh nghiệp `tiên phong và đặt nền móng` cho ngành lọc hóa dầu - ảnh 1

Nhà máy lọc dầu Dung Quất

Như vậy, với vai trò tiên phong trong ngành lọc hóa dầu tại Việt Nam, cùng với ưu thế về nguồn nguyên liệu dầu thô được mở rộng và giá tốt hơn, kỹ thuật công nghệ chế biến hiện đại và tối ưu tiệm cận với các NMLD hàng đầu trên thế giới, hệ thống quản lý, quản trị được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, nguồn lực tài chính vững mạnh, giá bán sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, cũng như chiến lược tập trung chế biến sâu, đầu tư vào hóa dầu tạo ra các sản phẩm có giá trị cao trong tương lai sẽ tiếp tục góp phần vào tăng trưởng ổn định, lợi nhuận bền vững cho BSR và giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế Việt Nam.

Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn: Nỗ lực trước biến động của thị trường phát triển bền vững trong giai đoạn mới

Thị trường dầu mỏ thế giới tiếp tục chông chênh trước những diễn biến của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, cũng như căng thẳng địa chính trị giữa Iran và phương Tây. Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp ngành dầu khí nói chung, Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) nói riêng đang tập trung thực hiện chiến lược củng cố nội lực để trụ vững trước sóng gió thị trường.

BSR có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành sản xuất - kinh doanh Nhà máy lọc dầu Dung Quất, giữ vai trò tiên phong và đặt nền móng cho sự phát triển bền vững ngành công nghiệp lọc hóa dầu Việt Nam.

Trong một năm 2020 đầy khó khăn, thử thách, BSR đã cải thiện công tác quản trị chi phí, tối ưu hóa sản xuất, đặc biệt duy trì được năng lực tài chính lành mạnh. Đây là những tiền đề để Công ty bứt phá trở lại trong năm 2021.

Báo cáo tài chính hợp nhất 2020 của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã BSR) cho thấy, năm qua, BSR chỉ đạt 57.959 tỷ đồng doanh thu, giảm 43,6% so với năm 2019. Nguyên nhân là giá dầu và nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu suy giảm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Chênh lệch giữa giá đầu vào và đầu ra thấp đã đẩy giá vốn hàng bán và dịch vụ cung cấp của BSR lên tới 60.183 tỷ đồng, dẫn tới lợi nhuận gộp của Công ty trong năm qua âm 2.224 tỷ đồng. Nhờ tiết giảmchi phí và quản trị hiệu quả nhiều hạng mục như thu nhập hoạt động tài chính đạt 169 tỷ đồng, tăng 40% so với năm trước, chi phí bán hàng giảm 22,7% và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm mạnh 30,8% so với năm trước, BSR mới có mức lợi nhuận âm 2.852 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với dự kiến ban đầu của Ban lãnh đạo Công ty. BSR đã bắt đầu có lãi trở lại từ quý 3/2020, chấm dứt trình trạng lỗ lũy kế liên tiếp hai quý. Với kết quả này, tính đến hết năm 2020, BSR không còn lỗ lũy kế.

 

Công ty CP lọc hóa dầu Bình Sơn: Doanh nghiệp `tiên phong và đặt nền móng` cho ngành lọc hóa dầu - ảnh 2

Có thể nói, BSR là gam màu sáng trong bức tranh tổng thể của ngành lọc hóa dầu năm 2020 khi nhiều công ty, tập đoàn dầu khí lớn trên thế giới như Shell, BP, Chevron... đều ghi nhận các khoản lỗ hàng chục tỷ USD. Thậm chí, nhiều công ty phá sản, trong đó có đại gia dầu khí Chesapeake Energy Corporation (Mỹ).

BSR đã khép lại năm 2020 khá thành công, với nhiều nỗ lực vượt bậc. Công ty đã thực hiện thành công bảo dưỡng tổng thể lần 4 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và thiên tai, bão lũ liên tục ập đến miền Trung. Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được vận hành an toàn, ổn định, công suất trung bình đạt 105%, khối lượng sản xuất cả năm đạt khoảng 5,93 triệu tấn, vượt 7% kế hoạch năm.

Năm 2021, nhận định tình hình kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, BSR đã chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để chủ động ứng phó với các biến động khó lường của thị trường. Nội lực và những kinh nghiệm tích lũy được trong thời kỳ khó khăn nhất đã giúp BSR tự tin, bản lĩnh tận dụng được các cơ hội thị trường thuận lợi để bứt phá trở lại.

Trong quý I/2021, giá dầu thô tăng mạnh, có thời điểm giá dầu thô nhích gần 70 USD/thùng và chênh lệch giá đầu vào và đầu ra của xăng có xu hướng tăng mạnh. Nhu cầu thị trường có dấu hiệu cải thiện do dịch COVID-19 đã dần được kiểm soát. Bối cảnh thuận lợi này cộng với việc Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vận hành an toàn, ổn định ở 105 - 108% công suất giúp lợi nhuận của Công ty rất khả quan, ước đạt trên 1.800 tỷ đồng cả quý.

Thế giới và Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng dịch bệnh COVID-19, cùng với đà hồi phục mạnh giá dầu thế giới cũng như giá xăng dầu trong nước, BSR kỳ vọng kết quả sản xuất, kinh doanh năm 2021 sẽ tăng trưởng mạnh, bù đắp những tổn thất trong năm 2020.

Cổ phiếu của Công ty Cổ phần lọc hóa dầu Bình Sơn (UPCOM:BSR) một trong những mã cổ phiếu dầu khí - giao dịch rất sôi động với hơn 8 triệu cổ phiếu trao tay, vượt xa phần còn lại trên thị trường lên sàn ngày 1/3/2018. Thanh khoản cổ phiếu BSR cũng tăng nhanh cho thấy sự quan tâm trở lại của nhà đầu tư với mã này. Thanh khoản cổ phiếu BSR bình quân từ mức thấp 1,73 triệu cổ phiếu/phiên trong năm 2019 đã tăng lên 3,64 triệu cổ phiếu/phiên trong năm 2020, lượng giao dịch trong những tháng cuối năm 2020 có những phiên đạt hơn 10 triệu cổ phiếu.

Hiện đang Cổ phiếu BSR vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường UpCOM, với hơn 7,37 triệu đơn vị nhưng áp lực bán khiến cổ phiếu này rung lắc và chốt phiên giảm 1,1% xuống 17.500 đồng.

Xem thêm: Hyundai Engineering muốn đầu tư mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất

Nguyễn Dung